Lê Thị Thanh Lâm: Từ góc bếp đi ra thị trường

21/12/2018 00:23

Tuổi 15, Sài Gòn Foods đang nhích dần về tỷ phần doanh thu 50/50 giữa gia công xuất khẩu và thị trường nội địa. Gắn bó với mảng kinh doanh trong nước từ khi thành lập doanh nghiệp này là Phó tổng giám đốc Lê Thị Thanh Lâm, một gương mặt quen thuộc trong ngành chế biến thủy sản và thực phẩm.

Tuổi 15, Sài Gòn Foods đang nhích dần về tỷ phần doanh thu 50/50 giữa gia công xuất khẩu và thị trường nội địa. Gắn bó với mảng kinh doanh trong nước từ khi thành lập doanh nghiệp này là Phó tổng giám đốc Lê Thị Thanh Lâm, một gương mặt quen thuộc trong ngành chế biến thủy sản và thực phẩm.

Công thức may mắn

“Người ta thường nói thành công là nhờ may mắn. Với tôi, may mắn là phép cộng của cơ hội và sự chuẩn bị”, bà Lê Thị Thanh Lâm hàm ý may mắn không từ trên trời rơi xuống. Dường như với người phụ nữ này, nghiên cứu, sáng tạo là một nhu cầu tự thân, vô hình trung lại trở thành sự chuẩn bị dài hơi cho hành trình phát triển sự nghiệp.

Phòng R&D của Sài Gòn Food là một trong những bộ phận mà bà Lâm trực tiếp phụ trách. Từ thuở ban sơ với một vài nhân sự, đến nay bộ phận này trở thành “đội hình mạnh”, liên tục ra đời những sản phẩm mới. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật cũng chính là lĩnh vực mà người phụ nữ này say sưa từ thuở còn làm việc trong môi trường nhà nước.

Hơn 300 triệu đồng rót từ ngân sách thành phố tài trợ một phần cho kỹ sư thủy sản Lê Thị Thanh Lâm năm 1995 “nghiên cứu tận dụng phụ phẩm trong quá trình chế biến xuất khẩu tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng” là tín hiệu về tính khả thi của đề tài.

Phó tổng giám đốc Lê Thị Thanh Lâm.

Tuy nhiên, việc Việt Phú (công ty mà bà Lâm làm việc - NV) sử dụng sai mục đích khoản tiền này trở thành giọt nước tràn ly. Sau 17 năm làm việc, bà Lâm quyết định dứt áo ra, đầu quân cho Cofidec - một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tầm cỡ của TP.HCM vào thời điểm 1998.

Môi trường mới năng động hơn, nhiều cơ hội hơn. Ngoài lượng phụ phẩm dồi dào, bà còn chú ý đến hàng lỗi trong quá trình chế biến xuất khẩu, chẳng hạn như những con tôm bị gãy đốt, được trữ trong kho lạnh. Nguồn lực lãng phí mở ra cơ hội thi thố, cho phép thể nghiệm những nghiên cứu dở dang. Lần đầu tiên, những khay tôm bóc nõn đông lạnh dán nhãn Cofidec lên kệ siêu thị. Thị trường hưởng ứng tiếp thêm động lực sáng tạo. Năm năm làm việc ở Cofidec, bà Lâm đóng góp cho doanh nghiệp này một danh mục chừng 20 sản phẩm mới, khai thông thị trường nội địa.

Thị trường thừa nhận thành quả sáng tạo đưa bà Lâm lọt vào tầm ngắm của bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ. Vài tuần sau khi rời Cofidec vì nhiều lý do, bà Lâm nhận được lời mời phụ trách mảng kinh doanh nội địa tại Công ty cổ phần hải sản S.G (S.G Fisco), tiền thân của Sài Gòn Food, mà nữ doanh nhân họ Cao giữ cương vị chủ tịch Hội đồng quản trị.

Trong bối cảnh ngành thủy sản chủ yếu tập trung cho hoạt động xuất khẩu thì việc định hướng của bà Dung “S.G Fisco đi bằng hai chân” được xem là một cách tiếp cận mới mẻ. Đành rằng “ly khai” môi trường nhà nước sau hơn hai thập niên làm việc là “chuyện phải làm”, nhưng bà Lâm thừa nhận Cofidec là bước đệm quan trọng trước khi phát triển sự nghiệp ở khu vực tư nhân.

Là gương mặt mới keng, S.G Fisco thâm nhập thị trường nội địa bằng thương hiệu cá nhân của dàn lãnh đạo. Danh tiếng của nữ tướng PNJ bảo chứng tiềm lực tài chính. “(Môi trường) Nhà nước còn làm được, huống chi bây giờ bả làm cho mình”, bà Lâm thuật lại lời đại diện một siêu thị nhận xét về mình. Cho dù, cái danh mục “làm được” ấy bà lập thệ với lòng sẽ không mang theo khi thuyền về bến mới. Câu hỏi bật ra là bắt đầu từ đâu?

Men theo tín hiệu thị trường

Không ít sản phẩm thành công của Sài Gòn Food tại thị trường nội địa khởi nguồn từ góc bếp của Phó tổng giám đốc Lê Thị Thanh Lâm và các cộng sự. Ý tưởng kinh doanh nảy sinh từ những lo toan lo thường nhật của những người phụ nữ bận rộn, vừa làm việc, vừa thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ cho đến nghĩa vụ làm dâu.

Đứa con đầu lòng được sinh ra ở Sài Gòn Food là dòng sản phẩm lẩu, trong đó có lẩu mắm, món khoái khẩu của nhiều gia đình mỗi dịp cuối tuần. Nồi lẩu mắm thông thường công phu từ khâu đi chợ cho đến chế biến. Đến lúc dọn ra mâm thì người nấu ăn hết nổi, chống đũa ngắm chồng con xì xụp. Nhưng nào đã hết. Chùi rửa, dọn dẹp sau khi bữa ăn kết thúc cũng rất vất vả.

“Chúng tôi không bán thực phẩm đơn thuần”, bà Lâm tập trung vào giải pháp chăm sóc bữa ăn gia đình đơn giản mà hiệu quả, giải tỏa đáng kể áp lực bếp núc đè nặng lên vai người phụ nữ. Bịch nước dùng bán kèm để pha vào nồi lẩu khẩu vị không rặt Nam bộ, được gia giảm, dung hòa số đông thực khách. Phần vì thị trường chưa đủ lớn để may đo khẩu vị cho từng vùng, phần khác là cái lưỡi ở ba miền ngày càng thu hẹp khoảng cách. Sau khi có Sài Gòn Food đi chợ giùm, một người bà con của bà Lâm ngoài Hà Nội mạnh dạn mở nhà hàng kinh doanh lẩu mắm, hốt khách.

Năm 2017, doanh thu của Sài Gòn Food đạt 800 tỉ đồng, trong đó gia công xuất khẩu đóng góp 70%. Năm 2018, doanh nghiệp này đạt gần được mục tiêu 2.000 tỉ đồng nhưng mảng xuất khẩu đâu đó chỉ còn chiếm khoảng 60%. Xem ra cái đích 50/50 cân đối giữa xuất khẩu và nội địa không còn xa nữa.

Cháo tươi, dòng sản phẩm chủ lực, lại phôi thai từ nhu cầu của chính cộng sự. Khi một nhân viên gợi ý công ty làm cháo, vì việc chuẩn bị bữa ăn cho con nhỏ quá tốn thời gian công sức ,“bà phó tổng” lúc ấy bác liền vì chưa thấy rõ nhu cầu, cho đến khi phát hiện tổng giám đốc công ty - sếp của bà Lâm cũng thường xuyên mua cháo dinh dưỡng cho con thì ý kiến của cấp dưới lập tức quay trở lại.

Hai thành phần chênh lệch về thu nhập cùng có nhu cầu như nhau trở thành tín hiệu rất mạnh dẫn đường đến thị trường. Còn nhiều, còn nhiều nữa những câu chuyện về những sản phẩm nảy sinh từ nhu cầu cá nhân, từ quan sát thực tiễn và quan trọng hầu hết là từ trong gian bếp, mà thấp thoáng sau đó là mong muốn giảm bớt thời gian, công sức cho những người đứng bếp ngày càng bận rộn hơn với nhịp sống đô thị hối hả.

Lúa thóc đến đâu bồ câu đến đó. Người đi trước duy trì lợi thế khoảng cách bằng việc không ngừng đổi mới sáng tạo, tận dụng ưu thế công nghệ thiết kế cho hoạt động gia công xuất khẩu để phát triển thị trường nội địa. Không công bố chi tiết nhưng bà Thanh Lâm thừa nhận mảng kinh doanh nội địa đã thừa hưởng công nghệ từ mảng gia công thủy sản xuất khẩu. Toàn bộ đầu ra là hàng giá trị gia tăng, cung ứng cho thị trường Nhật Bản. Nguyên liệu khách hàng chỉ định. Công nghệ khách hàng sẵn sàng đầu tư khi cần. Phần đóng góp của doanh nghiệp là lao động thủ công. Xác nhận xưởng gia công thủy sản thâm dụng lao động hơn xưởng chế biến cho thị trường nội địa, bà Thanh Lâm cho biết điều đối tác cần là nhân công. Lợi ích của gia công là dòng tiền ổn định. Nhưng nhìn chung, giá trị gia tăng từ hoạt động xuất khẩu không cao bằng mảng kinh doanh nội địa.

Tuy nhiên, nhờ quan hệ làm ăn lâu dài với Nhật Bản mà Sài Gòn Food tiếp cận với nhiều công nghệ mới, trở thành nhà cung cấp khoảng 80/100 món ăn tươi cho 7-Eleven tại thị trường Việt Nam. Chuỗi cửa hàng tiện lợi này hiện mới dừng lại ở con số 22. “Đôi bên vẫn đang lỗ. Nhưng cả hai cùng hướng tới mục tiêu 500 - 1.000 cửa hàng trong tương lai”, bà Thanh Lâm cho biết quan điểm của Hội đồng Quản trị là đồng hành cùng đối tác từ vạch xuất phát.

Ngoài 7-Eleven, chưa thấy bữa ăn tươi mang thương hiệu Sài Gòn Food xuất hiện tại hệ thống cửa hàng tiện lợi của những thương hiệu khác. Tuy nhiên, những sản phẩm này đã vào tới bếp ăn tập thể, gồm một vài bệnh viện, trường học, PNJ và đương nhiên, cả Sài Gòn Food. Nghĩa là doanh nghiệp có thêm một động cơ để tiến đến mục tiêu cân bằng tỷ phần đóng góp vào doanh thu giữa hoạt động gia công xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Ngoài công việc kinh doanh, Lê Thị Thanh Lâm còn là một gương mặt tích cực tại các diễn đàn với nhiều tư cách khác nhau. Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM. Ủy viên Hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia khu vực phía Nam. Diễn giả. Tham gia giảng dạy đại học. Giám khảo một số cuộc thi khởi nghiệp. Năm 2017, Lê Thị Thanh Lâm được biết thêm với vai trò tác giả tập sách đầu tay Người thả diều, chia sẻ những câu chuyện chắp cánh. Cánh diều cất lên cách nào khi trời lặng gió? Thay cho câu trả lời, bà Lâm cho biết từng quyết định khước từ cơ hội trở lại quê nhà Tiền Giang, nơi cụ thân sinh từng là một lãnh đạo cấp cao trong chính quyền địa phương. Vợ chồng thuận lòng ở lại Sài Gòn. Thân lập thân.

Nhìn lại hành trình hơn 35 năm xê dịch từ môi trường nhà nước sang khu vực tư nhân mới thấy Lê Thị Thanh Lâm chưa một lần làm chủ. “Đừng làm việc với tâm thế của người làm thuê”, tác giả Người thả diều chia sẻ trải nghiệm cá nhân với những người trẻ ôm mộng khởi nghiệp. Cũng không nên đặt nặng vấn đề làm chủ hay làm thuê. Hẳn nhiên, người làm thuê xuất sắc lợi nhiều bề so với người chủ tồi. Lựa đúng việc mình làm tốt nhất có lẽ cũng chính là cách “làm chủ cuộc đời”, ý niệm được tác giả lặp lại không dưới ba lần trong tập sách đầu tay.

Bài: Diệp Khuê - Ảnh: Lê Quang Nhật

Theo Người đô thị

Bạn đang đọc bài viết "Lê Thị Thanh Lâm: Từ góc bếp đi ra thị trường" tại chuyên mục Doanh nhân.