Li Zichao: 'Tôi thật may mắn khi... nhập viện ở Việt Nam'

06/02/2020 18:10

"Toàn bộ các con đường từ nơi đầu tiên tới Chợ Rẫy đều bị phong toả... Các bác sĩ Chợ Rẫy hành động rất nhanh. Họ cách li chúng tôi vào một phòng riêng biệt. Sau đó chúng tôi trải qua một số thủ tục kiểm tra y tế...".

"Toàn bộ các con đường từ nơi đầu tiên tới Chợ Rẫy đều bị phong toả... Các bác sĩ Chợ Rẫy hành động rất nhanh. Họ cách li chúng tôi vào một phòng riêng biệt. Sau đó chúng tôi trải qua một số thủ tục kiểm tra y tế...".

Bệnh nhân người Vũ Hán (Trung Quốc) Li Zichao tại bệnh viện Chợ Rẫy ngày 5-2 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG
Bệnh nhân người Vũ Hán (Trung Quốc) Li Zichao tại bệnh viện Chợ Rẫy ngày 5-2 - Ảnh: NHẬT ĐĂNG)

Sau 10 ngày điều trị cách li tại bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân người Trung Quốc Li Zichao đã khỏe mạnh. Anh thanh niên 28 tuổi người Vũ Hán này cho biết mình đã may mắn khi được điều trị tại Việt Nam.

Li là một trong hai bệnh nhân viêm phổi cấp Vũ Hán đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam. Hồi 28-1, Bộ Y tế ra thông báo cho biết Li đã được chữa khỏi. Thời điểm ấy, người đàn ông 28 tuổi quê ở Vũ Xương, thành phố Vũ Hán này cũng có thể xem là một trong những ca nhiễm virus mới chủng corona đầu tiên khỏi bệnh trên thế giới.

Gặp gỡ phóng viên chiều 5-2 tại Khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh viện Chợ Rẫy, Li đã có những chia sẻ trong 10 ngày điều trị.

Giây phút ngỡ ngàng và sợ hãi

Thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc là nơi virus corona mới xuất hiện và bùng phát. Thông tin đến nay cho thấy virus đã xuất hiện tại Vũ Hán từ giữa tháng 12. Cha của Li đã sang Việt Nam từ ngày 13-1, thời điểm Vũ Hán chưa bị phong tỏa (23-1).

Li đã có mặt ở Việt Nam được bốn tháng trong một chuyến công tác dài ngày của công ty Wuhan Zonse, chuyên về sản phẩm y tế. Theo kế hoạch, Li sẽ kết thúc thời gian làm việc ở Việt Nam trong tháng 1-2020. Người đàn ông Vũ Hán ở lại Việt Nam đợi cha bay sang, đi du lịch Việt Nam rồi trở lại Trung Quốc đón Tết Âm lịch.

Hai người hội ngộ ở Nha Trang ngày 16-1, nhưng chuyến du lịch Việt Nam bị đứt đoạn sau khi cha của Li không khỏe. Anh kể với phóng viên: "Tôi gặp cha mình ở Nha Trang và chúng tôi du lịch tại đó. Nhưng ông ấy bắt đầu có biểu hiện sốt và bất ổn sức khỏe. Sau đó chúng tôi quay về, tới TP. HCM thì đến lượt tôi bị sốt. Chúng tôi đã nghĩ rằng có thể tình hình sẽ nghiêm trọng nên vào bệnh viện Chợ Rẫy. Lúc ấy cả hai chúng tôi đều thấy không khoẻ, cả hai đều sốt".

Kể lại với Tuổi Trẻ, Li nhớ rằng khi nghe tin mình sốt và tới từ Trung Quốc, các bác sĩ "đã hành động rất nhanh". "Họ cách li chúng tôi vào một phòng riêng biệt. Sau đó chúng tôi trải qua một số thủ tục kiểm tra y tế: từ kiểm tra toàn thân, X-Ray, thử máu, kiểm tra cổ họng, cùng một số thao tác khác như kiểu kiểm tra virus...", anh nói.

Cũng theo lời Li, anh và cha mình ban đầu đều không tin bị nhiễm virus corona mới. Cha của Li bay đến Việt Nam từ Vũ Hán trong những ngày tình hình Vũ Hán còn tương đối ổn định, và họ không hề có thông tin dịch bắt đầu manh nha bùng phát từ giữa tháng 12-2019. Anh kể lại thời điểm đón nhận kết quả tại Chợ Rẫy: "Lúc đó chúng tôi nghĩ rằng rất ít khả năng chúng tôi bị nhiễm virus corona, và rồi chỉ biết tin mình bị nhiễm hai ngày sau khi kiểm tra y tế".

Trước lúc bỡ ngỡ với kết quả xét nghiệm, hai cha con Li đã trải qua một khoảng thời gian thực sự sợ hãi. Đó là lúc họ được chuyển từ bệnh viện Bình Chánh về Chợ Rẫy.

Li kể: "Giai đoạn kinh khủng nhất là trên đường được chuyển từ địa điểm đầu tiên (bệnh viện Bình Chánh) tới bệnh viện Chợ Rẫy. Toàn bộ các con đường từ nơi đầu tiên tới đây (Chợ Rẫy) đều bị phong toả. Họ yêu cầu người dân không được tới gần, còn nhân viên y tế thì được bảo hiểm toàn bộ, từ mũ nón, áo cho tới mặt nạ. Trên đường đi, chúng tôi rất lo lắng vì không hiểu. Cảm giác của tôi khi đó là 'chuyện gì đang xảy ra với mình vậy'?".

Dùng Google Translate để giao tiếp

Khi Li và cha được đưa tới bệnh viện Chợ Rẫy, đã có những trục trặc ban đầu trong khâu giao tiếp do bất đồng ngôn ngữ. Kể lại với phóng viên, Li cho biết đã phải dùng công cụ dịch của Google để trao đổi với bác sĩ Việt Nam.

"Chúng tôi dùng Google Translate. Sau đó thì họ có một bác sĩ có thể nói tiếng Anh, và chúng tôi mới nói chuyện trực tiếp được", Li kể.

May mắn vì được nằm ở Việt Nam

Cho đến 5-2, Li được biết đã hoàn toàn khỏe mạnh, còn cha anh nằm điều trị cách li ở phòng khác. Mỗi ngày hai cha con liên lạc với nhau qua điện thoại. Mẹ của Li trong khi đó cũng được theo dõi tại bệnh viện quận 11, TP. HCM. Kể lại giai đoạn đã qua, Li cho biết đã được điều trị tận tình, và "Họ chăm sóc chúng tôi rất kĩ lưỡng và tử tế, rất quan tâm. Tất cả bác sĩ và y tá đều rất chuyên nghiệp, và kiểm tra mỗi ngày và có kĩ năng y tế rất tốt. Họ động viên chúng tôi".

Trong những ngày nằm điều trị cách li tại Chợ Rẫy, Li lên mạng liên tục để cập nhật tình hình bệnh dịch tại Trung Quốc và thế giới. Tính tới ngày 5-2, số người chết liên quan tới virus chủng corona mới gây viêm phổi cấp đã lên trên dưới 500. Li nói rất lo lắng cho người dân tại quê hương, những người đang chiến đấu rất nhọc nhằn với loại virus này. Nhưng theo Li, "chính quyền đã có hành động kịp thời, và giờ họ đang kiểm soát con virus này".

Vũ Hán đã được cách li hoàn toàn từ ngày 23-1. Hiện nay Trung Quốc cũng đã xây xong bệnh viện dã chiến có thể chứa 1.000 giường ở Vũ Hán để đối phó dịch virus corona, bắt đầu nhận bệnh nhân từ ngày 3-2. Tuy vậy công tác phòng chống bệnh dịch tiếp tục được triển khai gấp rút, khi những cơ sở khác như trung tâm triển lãm cũng được chuyển thành bệnh viện dã chiến để đáp ứng số ca nhiễm vài chục ngàn người hiện nay.

Đối với những người như Li, việc bị nhiễm virus corona ở các nước khác như Việt Nam vô tình lại là... điều may mắn. "Chúng tôi rất may mắn khi ở đây và được điều trị. Bởi vì ở Vũ Hán hiện nay đang thiếu bệnh viện, thiếu giường do quá nhiều bệnh nhân. Nên đáng ra chúng tôi đã gặp rắc rối to. Chúng tôi thực sự may mắn khi ở đây, được điều trị tốt, đầy đủ", Li nói.

 

Chiến đấu với virus, chứ không phải với con người

Trong thời điểm gần như toàn thế giới đang lo ngại bệnh dịch, đã có một số thông tin được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc về việc người Vũ Hán bị người vùng khác kì thị, còn người Trung Quốc bị người nước ngoài kì thị.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về cảm nghĩ khi tiếp nhận thông tin như vậy, Li nói: "Tôi có đọc được những thông tin ấy. Tôi nghĩ rằng... tôi cần phải nói với mọi người rằng họ nên chống lại con virus, chứ không phải chống lại người Vũ Hán hay người Trung Quốc".

NHẬT ĐĂNG
Theo Tuổi Trẻ