Lược sử nghề CEO Việt: Từ tôi tồn tại đến tôi điều hành

18/12/2018 14:25

Có những người thành công, có những người thất bại, có người phải trả giá bằng máu của chính mình hay chôn thân tù tội... CEO là một nghề khốc liệt trong bất cứ bối cảnh lịch sử nào.

Có những người thành công, có những người thất bại, có người phải trả giá bằng máu của chính mình hay chôn thân tù tội... CEO là một nghề khốc liệt trong bất cứ bối cảnh lịch sử nào.

Ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch Vietnam Consuting Group (VCG)

Trong buổi liên hoan kỷ niệm 35 năm thành lập một doanh nghiệp tư nhân tổ chức cùng câu lạc bộ doanh nhân tại Sài Gòn, có một người đàn ông nay đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" nhìn lên sân khấu xem dàn đồng ca hàng trăm người vốn là nhân viên kỳ cựu của mình với ánh mắt đầy trìu mến và ấm áp.

Trầm ngâm và bình yên bên cạnh người bạn đời, ông tưởng nhớ lại chặng đường kinh doanh đã qua nhiều lúc tưởng chừng vô vọng của mình. Nay đã thành đạt là vậy mà vẫn khiêm tốn nói rằng chúng tôi chỉ là một trong những “người cuối cùng trụ vững” (theo tựa phim “Last man standing”) của thời đại mình. Ông đã ví von khi trích dẫn Kinh Thánh rằng “tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin”.

CEO thời trước đổi mới

Khởi sự kinh doanh từ trước thời kỳ đổi mới, ông chưa biết đến khái niệm CEO - chỉ các lãnh đạo điều hành doanh nghiệp - mà chỉ có lớp tư thương, thời ấy thường được hiểu theo nghĩa xấu.

Cùng thế hệ giáo sư của ông, nhiều bạn bè sau giờ đứng lớp lại ra đầu chợ bán từng gói thuốc tây trong các giỏ xách, rồi sau mới mở tiệm thuốc tây. Có người thất nghiệp lại ra xếp hàng từ sáng sớm gần sân bay để nhận đồ viện trợ của thân nhân từ nước ngoài, rồi mang ra chợ Nguyễn Thông hay Tạ Thu Thâu bán lại, riết mà thành nghề nhập khẩu.

Có giảng viên đạp xích lô dấu bên trong yên ghế thùng hóa chất về chiết pha xà bông phân phối hết các tỉnh thành mãi cũng thành nghề sản xuất hóa mỹ phẩm. Có người nghe gia đình ngoài Bắc khuyên nên đi kinh tế mới, hàng tháng lại về thành phố quấn thịt heo quanh người từ miền Tây mang về chợ Tân Bình để bán, có khi tới trạm Tân Hương bị bắt lại mà mang tiếng thành gian thương thời bao cấp.

Ở miền Nam là vậy, miền Bắc cũng có những tư thương từng có thời nổi lên như Vua Lốp, cũng nhiều người long đong ba chìm bảy nổi; một số đã trụ lại đến bây gi, đã đến tuổi về hưu để lại di sản những chuỗi bán lẻ toàn quốc, những tập đoàn hóa chất, hay phân phối dược phẩm… nhưng tựu chung đều giống nhau từ một xuất phát điểm.

Họ không được gọi là CEO theo bất kỳ hệ số nào, vì đã tồn tại trước khi tầng lớp doanh nhân Việt Nam được pháp luật hiện hành thừa nhận. Trong suy nghĩ của giới doanh nhân Việt, ngày 20/9/2004 được xem là thời điểm quan trọng với họ khi Thủ tướng Phan Văn Khải ký Quyết Định 990/QĐ-TT lấy ngày 13/10 hàng năm làm Ngày doanh nhân Việt Nam; mặc dù trước đó rất lâu, Luật Doanh nghiệp đã được ban hành và sửa đổi vài lần.

Họ là người "sống sót tồn tại" (The survivors) trước lớp doanh nhân Việt Nam ngày nay, được ví như những "anh hùng" của thời kỳ đổi mới.

Andrew Young, một chính trị gia đảng Dân Chủ từng là đại sứ gốc Phi đầu tiên của Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc (1977) và thị trưởng thành phố Atlanta (1981) nơi nổi tiếng có đông đảo cộng đồng người da đen một thời là nô lệ, đã từng nói “(trong môi trường luật pháp chưa hoàn hảo) Sẽ không có gì là phi pháp khi một trăm doanh nhân quyết định thực hiện cùng một việc”.

Và ở nửa vòng trái đất phía bên kia bờ Thái Bình Dương, có một quốc gia nhỏ, có một số đông những con người nhỏ, mang trong lòng ước mơ lớn, bắt đầu từ những công việc nhỏ để xây dựng một bức tranh kinh tế lớn của Việt Nam ngày nay. Thời đại của doanh nhân, tầng lớp từng được xếp cuối cùng trong phẩm trật Tứ Dân (Sĩ – Nông – Công – Thương) nay đang khẳng định vị thế và có sức ảnh hưởng lớn đến kinh tế xã hội.

CEO Việt Nam thời đổi mới 1.0

Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có các CEO đúng theo định nghĩa từ điển Oxford, tuy nhiên do thói quen sử dụng mà chữ CEO ngày càng phổ biến trên các danh thiếp, được hiểu là các doanh chủ, giám đốc… có lẽ vì nghe nó hội nhập hơn. Phóng tác từ câu nói của Andrew Young – “cái gì mà được hơn trăm doanh nhân sử dụng, sẽ trở thành tiêu chuẩn”.

Ngược dòng lịch sử, hãy bắt đầu với các CEO 1.0, thời đất nước mới mở cửa theo phong trào đổi mới và cải tổ kiểu Liên Xô - “Glasnost and Perestroika” bắt đầu từ những năm 1980. Họ xuất thân là cán bộ khoa học đang làm cho nhà nước, từng du học ở các nước XNCN có các công trình khoa học từ hóa mỹ phẩm đến chế phẩm nông nghiệp tại các viện nghiên cứu, hay trường đại học. Họ tìm được các nguồn tài trợ hay đầu tư từ nước ngoài và bắt đầu liên doanh liên kết làm ăn.

Hai là nhóm các thủy thủ viễn dương chuyên buôn bán “hàng nghĩa địa” Nhật Bản; từ xe Cub, xe du lịch tay lái nghịch, rồi TV, tủ lạnh, máy lạnh, máy tính… sau khi “tích lũy tư bản” theo cách nói ngày ấy, họ lên bờ mở doanh nghiệp rồi cũng liên doanh liên kết với nước trong nước ngoài.

Tiếp nữa là nhóm chủ nhiệm các hợp tác xã xuất khẩu mây, tre, lá, thêu, đan, dệt may, cơ khí… trong các chuyến đi nước ngoài bắt đầu mang hàng mẫu, “hàng xách tay” về theo quota, từ đó bổ sung mẫu mã, hay nhập chính ngạch linh kiện SKD, CKD, IKD… từ đó mở rộng sản xuất cung ứng cho thị trường trong nước. Cuối cùng là nhóm du học sinh và lao động Việt Nam tại Nga và Đông Âu, một thời “cửu vạn” quần bò, mì gói, xe đạp, xe máy, bếp điện… rồi thành những ông chủ doanh nghiệp theo nhóm ngành nghề, nay tìm đường về nước.

Điểm chung của các CEO thế hệ 1.0 này là chạy xe CUB81 nghĩa địa, hiểu biết và quan hệ sâu rộng với hệ thống quản lý, để có đặc quyền tiếp cận nguồn cung cầu từ môi trường quốc tế giới hạn. Tận dụng cơn khát vô tận của thị trường, họ nhập ủy thác qua các doanh nghiệp nhà nước, rồi để có quota nhập khẩu trực tiếp, họ thành lập các công ty liên doanh liên kết, trong đó họ vừa là tổng giám đốc vừa là chủ doanh nghiệp, dù có liên doanh, họ chiếm cổ phần đủ lớn để điều hành, quyết định (The decision makers) trong một môi trường còn “tranh tối, tranh sáng”của thời kỳ mới mở cửa, thế hệ CEO đầu tiên của nước Việt Nam đổi mới đã xây các đế chế quyền lực của mình từ con đường giao thương, xuất nhập khẩu là chính.

Có những người thành công, có những người thất bại và phải trả giá bằng máu của chính mình hay chôn thân tù tội, đứng trước tòa, khi án đã tuyên, mà tay vẫn cầm mảnh giấy ghi mô hình phát triển kinh tế trên nền tảng địa ốc sau này, khi thị trường này chưa từng được biết đến, hay chưa được thừa nhận về luật pháp mặc dù có đã sự tồn tại mặc nhiên của nó.

CEO thời 2.0

Cuối những năm 1989-1990, các vũ trường Sài Gòn bắt đầu có sự xuất hiện của các chàng Việt kiều đi taxi vàng, mặc áo vest, sơ mi cổ cồn, thắt cà vạt, tiếng Anh như gió, với các tay chơi nội địa chạy xe tay lái nghịch, chen lẫn với các thương nhân ngoại đến từ Hồng Kông, Đài Loan, hay Hàn Quốc. Hiếm lắm mới thấy các chàng tóc vàng mũi cao vào thời ấy và nếu có họ cũng thường xuyên bị kiểm soát bởi lực lượng an ninh chứ không thoải mái như dân Á Châu.

Họ là CEO theo danh thiếp, đại diện các công ty nước ngoài đầu tiên đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội làm ăn, hay mang những công nghệ mới về chuyển giao phát triển đất nước theo lời kêu gọi của Chính phủ. Đa số là dân Sài Gòn cũ, và không ít người xuất thân từ các gia đình quyền lực một thời trước 1975, từng mất hết mọi thứ khi ra đi, nay trở về có vốn liếng dành dụm tuy không nhiều nhưng cũng đủ để bảo đảm công chuyện làm ăn và vị thế ảnh hưởng của mình (The influencers) khi kết hợp với học thức, và quan hệ quốc tế rộng rãi;

Họ trở thành đối tác chiến lược của nhóm doanh chủ trong nước trong các liên doanh nước ngoài và hình thành nên lực lượng CEO 2.0 tập trung vào kinh doanh các ngành nghề liên quan đến công nghệ và trang thiết bị máy móc “cũ người mới ta” giúp cho Việt Nam nhanh chóng bắt kịp thế giới về góc độ đa dạng chủng loại hàng hóa nhắm vào nhóm đối tượng khách hàng đòi hỏi chất lượng cao, giá bán rẻ “pay less, get more!”.

Sẽ không đầy đủ nếu không nhắc đến một lực lượng trí thức Việt Kiều khác, họ không làm kinh doanh nhưng hoạt động rất mạnh trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, họ là các giáo sư, tiến sỹ quốc tế về nước với danh nghĩa đại diện các NGO, họ hợp tác sâu rộng với các học viện, trường đại học để tài trợ cho các chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ, bắt đầu từ các trang thiết bị, máy móc cho thư viện, phòng thí nghiệm và học bổng cho sinh viên, các nhà khoa học, và mở cho riêng mình các công ty tư vấn khoa học công nghệ và đào tạo có văn phòng là nhà riêng hay bên trong cổng trường đại học.

Không ồn ào tiếp thị như các ngành nghề khác nhưng hàng trăm triệu USD từ các tổ chức quốc tế đã chảy về Việt Nam trong giai đoạn này nhờ các nỗ lực bền bỉ vô vị lợi của họ để cho các thế hệ trẻ Việt Nam có cơ hội nâng cao kiến thức, du học, mở mang quan hệ và sau này có thể phát triển bền vững.

CEO thời 3.0

1994 - 1995 là một cột mốc quan trọng cho việc hình thành tầng lớp CEO 3.0, khi Việt Nam được Mỹ dỡ bỏ cấm vận kinh tế (Lift Embargo), mở đầu cơ hội toàn cầu hóa Việt Nam. Khi ấy, rất nhiều doanh chủ trong nước thành đạt từ xuất nhập khẩu bắt đầu mở rộng hoạt động qua sản xuất. Các khu công nghiệp bắt đầu phát triển, cùng với các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu tiến vào Việt Nam tìm kiếm nhân sự các cấp. Đòi hỏi chuyên môn và nhu cầu về kiến thức trong tổ chức kinh doanh của thị trường cộng với khát vọng cá nhân, mà phong trào du học nước ngoài tăng dần từ vài trăm đến vài ngàn sinh viên mỗi năm.

Đến đầu thiên niên kỷ, có thể tìm thấy trên trang web việc làm vietnamwork.com, một lực lượng lao động mới là khối ứng viên quản lý người Việt Nam trở về nước từ các trường danh giá của Mỹ, Anh, Úc… Họ đại diện cho một thế hệ chuyên gia hàng Việt Nam chất lượng cao, đầy tiềm năng cho thị trường mới nổi (emerging market), đặc biệt trong ngành tài chính, ngân hàng. Họ bắt đầu thực tập (internship) từ mùa hè đầu tiên, và không ít trong số đó kiếm được việc làm ngay khi ra trường trong các tập đoàn quốc tế. Các MBA Việt tốt nghiệp nước ngoài thường được bộ phận nhân sự của tập đoàn xếp vào chương trình “Fast track” tạm gọi là “nhân sự cơ cấu”.

Trong vòng hai năm, họ được luân chuyển qua các phòng ban, các chi nhánh để chuẩn bị cho vị trí CEO sau này tại Việt Nam. Thách thức của họ đối với Hội Đồng Quản Trị bắt nguồn từ việc giải trình hiệu quả công việc sao cho tương xứng với mức lương cao hơn gấp nhiều lần các đồng nghiệp trong nước. Chỉ cần bộ phận nhân sự để lọt thông tin thu nhập ra ngoài, ngay lập tức sẽ thấy sự tẩy chay bất hợp tác giữa nhóm “hàng nội” và “hàng gia công nước ngoài”.

Chưa hết, họ còn là mục tiêu tấn công trong "cuộc chiến chính trị" của Tổng công ty (Global Head Quarter) và nhóm lãnh đạo khu vực (Regional) hay tổng đại lý từng khai mở thị trường Việt Nam, nay muốn cát cứ, hay ly khai với lợi ích của văn phòng điều hành toàn cầu.

Do đó để trở thành CEO Việt của một công ty nước ngoài, một cá nhân sẽ phải điều tiết thời gian của mình vừa phát triển thị trường nội địa cạnh tranh với các nhãn đối thủ, đạt chỉ tiêu vừa đủ thỏa mãn lực lượng kinh doanh phân phối trong nước phát triển bền vững, vừa để thỏa hiệp với các thế lực quốc tế luôn cạnh tranh nội bộ.

Chính vì sự phức tạp đó, một số khác sau khi du học về nước và trở lại làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân trước đây của mình, và đối mặt với một vấn đề khác – một khi bạn rời khỏi chốn cũ, bạn sẽ không bao giờ được đón nhận khi trở lại như là người cũ. Bỏ qua bằng cấp quốc tế từ bất cứ học viện ưu tú nào, bạn sẽ lại phải khiêm tốn, hòa đồng vượt qua thời gian “huấn nhục” có khi còn hơn cả những nhân viên mới toanh, để có được sự tin tưởng và thừa nhận từ lãnh đạo cũ, hội đồng quản trị cũ, nay tệ hơn khi đã thay bằng các thành viên mới.

Những câu chuyện thành công của lớp quản lý người Việt mới giỏi ngoại ngữ, biết ứng dụng các mô hình kinh tế hiện đại như SWOT, BCG, 5Forces giúp doanh nghiệp Việt thời mở cửa…. và không ít các bài học thất bại chua cay trong thử thách mà nhiều người gọi vui là cuộc thi Olympic 5 môn phối hợp tại doanh nghiệp như “đâm sau lưng chiến sĩ”, “gắp lửa bỏ tay người”, “qua cầu rút ván”, “ném đá dấu tay” … Và nếu một người đã có thể vượt vũ môn thành công trong học tập nước ngoài, nay trở về Việt Nam lên được vị trí CEO, chắc chắn đó là một người vô cùng xứng đáng.

Đối trọng với nhóm du học sinh nước ngoài trở về ngày ấy, là các thanh niên trẻ trưởng thành từ phong trào đoàn, đội và các hội đoàn trong nước. Vượt qua các kỳ thi đại học thời bao cấp khi tỷ lệ tuyển chọn dưới 1% vào các trường nổi tiếng theo thứ tự “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa…”

Họ đi làm thêm ngoài giờ khi còn đi học, và học hỏi từ kinh nghiệm trường đời, lớp thanh niên trẻ này sớm trưởng thành, tích lũy kinh nghiệm, quan hệ xã hội rộng rãi. Một số học biết thêm ngoại ngữ từ các lớp đêm và bắt đầu làm cho các doanh nghiệp nước ngoài, học hỏi chuyên môn, hoàn thiện bằng cấp ngoài giờ trong các chương trình tại chức, đào tạo từ xa quốc tế để leo lên các vị trí cao hơn nhờ đạt chỉ tiêu thành tích cụ thể trong kinh doanh (sales), quản trị nhân sự, hay điều hành nhà máy.

Song song với nhóm du học về thường chuyên làm kế hoạch chiến lược tiếp thị (CMO), hay xây dựng các mô hình tài chính (CFO). Sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai nhóm nhân lực cao cấp này phấn đấu hướng đến chiếc ghế CEO sẽ tùy vào tài điều phối khéo léo của các lãnh đạo cao hơn cho dù là doanh nghiệp trong hay ngoài nước.

Dẫu sao chăng nữa, nền kinh tế trong nước giai đoạn này vẫn thuộc chủ yếu về các doanh nghiệp nhà nước, là ước mơ của các sinh viên mới ra trường muốn ổn định cuộc sống. Vậy nên cuộc đua từ chạy trường, chạy chỗ, đến chạy chức của các phụ huynh vẫn tiếp diễn không hồi kết, tuy không phải là đề tài đang bàn ở đây.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả: Ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch Vietnam Consuting Group (VCG)

- Đón đọc bài tiếp cùng chuyên đề: CEO thời 4.0: “Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì…hên xui đi”

Đoàn Hữu Đức*

Theo TheLeader