Một tuần tăng giá chưa từng có: Nhân tố 'bí ấn' khiến vàng liên tục phá đỉnh

12/03/2024 07:00

Không riêng Việt Nam, nhu cầu mua vàng của người dân trên toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc tăng mạnh đã đẩy giá vàng toàn cầu lên ngưỡng cao chưa từng thấy.

Dân Trung Quốc tăng cường trữ vàng

Trong tuần 3 – 8/3, giá vàng trên toàn cầu nóng hơn bao giờ hết. Giá vàng liên tiếp xô đổ những kỷ lục trước đó và neo ở mức cao khó tin. Vào ngày 5/3, giá vàng thế giới đã phá kỷ lục được thiết lập vào tháng 12/2023 và liên tiếp neo ở mức cao mới trong những ngày tiếp theo.

Theo Bloomberg, cơn sốt giá vàng trong tuần qua bắt nguồn từ nhu cầu mua vàng tăng mạnh tại thị trường Trung Quốc. Nhiều người tại đây tin rằng giá vàng sẽ sớm tăng vọt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục phát đi những tín hiệu sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm nay.

Chuyên gia Bernard Dahdah, nhà phân tích hàng hoá tại công ty Natixis, nhận định: “Thị trường vàng không được thúc đẩy bởi các nhà đầu tư phương Tây. Trong cả năm 2023 và 2024, Trung Quốc vẫn là động lực chính thúc đẩy giá vàng tăng”.

Bloomberg cho rằng bản chất của đợt tăng giá vàng trong tuần trước là rất đặc biệt. Thông thường, với vai trò là một loại tài sản trú ẩn an toàn, vàng thường có xu hướng tăng giá trước những biến động về kinh tế hoặc địa chính trị gây chấn động toàn cầu.

Người dân Trung Quốc tăng cường mua vàng.

Tuy vậy, vào tuần trước, thế giới không có bất kỳ sự biến động nào lớn nào. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến lãi suất tiến vào một mặt bằng cao mới.

Tại Trung Quốc, nhìn nhận của người dân về vàng đã thay đổi đáng kể, nhất là sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chững lại. Vào những năm 2019, không ít những bài báo nói rằng “người trẻ Trung Quốc không có hứng thú mua vàng” thì nay người trẻ Trung Quốc lại là đối tượng tích cực mua vàng dự trữ nhất.

Cơn sốt vàng của giới trẻ Trung Quốc nóng đến mức nó làm thay đổi cả quan điểm về tiết kiệm và quản lý tài chính cá nhân. Nhiều người thậm chí còn bỏ uống trà sữa, không màng đồ hiệu, thậm chí “ngó lơ” nhẫn kim cương, chỉ để dành tiền để mua vàng.

Theo báo cáo chuyên sâu về ngành trang sức vàng Trung Quốc, chỉ trong vòng 5 năm qua, tỷ lệ người trẻ Trung Quốc mua vàng đã tăng từ 16% lên 59%. Không chỉ người trẻ, những nhà đầu tư vốn đang chán nản với thị trường bất động sản và chứng khoán trầm lắng cũng đổ tiền vào vàng.

Lượng mua vàng của Trung Quốc tăng 30% vào năm 2023. Mặc dù “người mua chính” là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhưng không thể phủ nhận nhu cầu của người dân cũng góp phần không nhỏ vào mức tăng này.

Vậy điều gì khiến người dân Trung Quốc trở nên “yêu” vàng?

Người dân Trung Quốc thường có nhu cầu tích trữ tài sản cao. Tài sản phổ biến nhất ở Trung Quốc là bất động sản, chứng khoán và vàng. Hiển nhiên khi hai kênh đầu tư là bất động sản và chứng khoán suy yếu, vàng sẽ lên ngôi khi người dân có xu hướng bảo vệ tài sản trước những rủi ro có thể phát sinh.

Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố tháng 1/2024, giá nhà mới tại Trung Quốc ghi nhận mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2015 trong khi doanh số bán bất động sản tính theo diện tích sàn cũng giảm 23% trong tháng 12/2023 so với cùng kỳ năm trước đó.

Vốn đầu tư vào bất động sản tính theo tháng cũng đã giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2000. Trong cả năm 2023, tổng vốn đầu tư bất động sản tại Trung Quốc đã giảm 9,6%.

Vàng lên ngôi khi các kênh đầu tư khác chững lại.

Những cơn gió ngược như khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc, áp lực giảm phát đang gia tăng và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có dấu hiệu sớm dừng lại đã gây áp lực không nhỏ lên thị trường chứng khoán Trung Quốc. Trong đầu năm 2024, đã có khoảng 6,3 nghìn tỷ USD giá trị thị trường của chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đã bị xóa sổ kể từ mức đỉnh đạt được vào năm 2021.

Giá vàng Việt Nam tiếp tục leo đỉnh

Những gì đang diễn ra tại Trung Quốc cũng khá giống với ở Việt Nam hiện nay. Thị trường bất động sản chững lại cùng với khó khăn chung của nền kinh tế khiến người dân quay sang gửi tiết kiệm và đầu tư vào vàng.

Mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng những biến động trên thị trường vàng trong nước vừa qua đã phần nào chứng minh được sức hấp dẫn ngày càng lớn của kim loại quý này.

Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng SJC trong nước đã tăng tới 8 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng 10,8%. Giá vàng nhẫn cũng tăng tới 7,7 triệu đồng/lượng chỉ trong chưa đầy 3 tháng. Giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC lần lượt lập đỉnh mới, lên tới 71 triệu đồng/lượng và 82 triệu đồng/lượng – những mức cao nhất từ trước đến nay trên thị trường vàng trong nước.

Tình trạng khan hiếm vàng cũng quay trở lại. Ở nhiều cửa hàng kinh doanh vàng, người mua phải xếp hàng dài. Thậm chí, có những người phải đặt cọc trước cả tháng mới có thể cầm vàng trên tay.

Theo PGS – TS Đinh Trọng Thịnh, lãi suất gửi tiết kiệm thấp, bất động sản gặp nhiều khó khăn nên nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào vàng. Chưa kể, với tính chất phòng thủ, vàng trở thành lựa chọn tích trữ tài sản an toàn của người dân trong bối cảnh địa chính trị ở nhiều nơi còn căng thẳng và kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn chung.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Trần Đình Phương nhận định vàng là khoản đầu tư trú ẩn an toàn nên trong thời điểm nền kinh tế có nhiều bất ổn thì nhà đầu tư thường đổ xô vào kim loại quý này.

Theo Khánh Tú/VNF