Mua đất để dành - thói quen tích lũy quá mức thay vì đầu tư

23/04/2020 23:23

Người Việt có thói quen tích luỹ quá mức cần thiết thay vì đầu tư khiến nền kinh tế kém lưu thông, mua đất để dành là ví dụ điển hình.

Nếu một người đã theo nghề đất thì theo hẳn, quá trình tìm người mua người bán xác minh tính hợp pháp cũng trần ai lắm, đất lên xuống, đứng giá cũng đủ cả. Tôi biết lãi suất không bù được giá nhà tăng nhưng với trường hợp của người cần tư vấn đã có một nhà ở, một nhà cho thuê và hai miếng đất với 600 triệu đồng tiền tiết kiệm thì phải cần nghĩ khác đi.

Tác giả hỏi bây giờ muốn chuyển về làm gần nhà, dùng 600 triệu xây căn hộ cho thuê thì lượng tiền mặt tất cả từ các nhà cho thuê chỉ 15 triệu/ tháng. Tác giả đang tính kiếm việc gần nhà nghĩa là vẫn chưa ổn định.

Vậy 15 triệu cho 3 người thì sao đủ, trong lúc đọc bài thì thấy tác giả viết đã mệt mỏi. Căn nhà cho thuê có đồng ra đồng vào, còn hai mảnh đất đó nằm không đó làm gì mà không bán đi gửi tiền lấy lãi suất để đỡ cày cuốc thêm?

Vừa làm việc công ty vừa chạy coi nhà coi đất thì thân xác xơ là phải. Nếu tác giả làm trong ngành mua bán đất thì tôi đâu cần nói là bán hai miếng đất đi vì đó là nghề của người ta rồi. Đang thiếu tiền mặt, sức khoẻ không tốt mà lại để hai miếng đất không thì chẳng phải là sống chết vì đất sao?

Người Việt vẫn được xem là có thói quen tích luỹ quá mức cần thiết và khiến nền kinh tế kém lưu thông, chỉ vì tích luỹ cho con chứ không phải đầu tư cho con trở thành ưu việt. Mọi thứ có thể mất nhưng kiến thức, bản lĩnh, kỹ năng của bản thân thì không ai lấy đi được.

Nhiều bạn tập trung tính toán lời lãi bao nhiêu mà không nghĩ hiện tại tác giả cần chi tiêu bao nhiêu, tiền thiếu lấy ở đâu đắp vào mà ôm đất như vậy. Thiếu tiền, chi tiêu chật vật, vợ chồng cãi cọ, chi phí học hành đào tạo cho con cũng hạn hẹp, đến lúc bán đất giá cao thì thời gian cần phát triển của con đã bị bỏ lỡ. Lo nghĩ quá cũng chỉ dùng tiền chữa bệnh mà gia đình có khi cũng chẳng còn.

Thực Tế

Theo Vnexpress