Nếu Vinasun thắng, các công ty taxi khác cũng kiện Grab thì sao?

24/10/2018 13:21

Trong tâm bão vụ Vinasun kiện Grab, một câu hỏi được đặt ra là: Nếu Vinasun thắng kiện và Grab buộc phải bồi thường 41 tỷ đồng, các công ty taxi khác cũng quay ra kiện Grab thì các cơ quan quản lý sẽ xử lý thế nào?


Trong tâm bão vụ Vinasun kiện Grab, một câu hỏi được đặt ra là: Nếu Vinasun thắng kiện và Grab buộc phải bồi thường 41 tỷ đồng, các công ty taxi khác cũng quay ra kiện Grab thì các cơ quan quản lý sẽ xử lý thế nào?

Chia sẻ với phóng viên ICTnews trong tâm bão vụ việc Vinasun kiện và đòi Grab bồi thường hơn 41 tỷ đồng, ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO của ứng dụng gọi xe FastGo cho biết: “Vụ kiện giữa Grab và Vinasun là hai trường hợp điển hình trong ngành này”. Tuy nhiên, ông Tuất cũng cho rằng vụ việc sẽ không gây ảnh hưởng lớn đến thị trường. “Không có Grab, không có Vinasun sẽ có các doanh nghiệp khác hoạt động và họ vẫn tuân thủ theo các quy định pháp lý".

Ông Nguyễn Hữu Tuất bày tỏ quan điểm: “Việc coi các doanh nghiệp Grab hay FastGo như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải không đúng. FastGo không phải là kinh doanh vận tải mà chỉ đơn thuần là một nền tảng kết nối, liên kết các bên đủ điều kiện cung cấp dịch vụ vận tải tham gia vào bao gồm cả các công ty taxi, gia đình…”.

Vị CEO FastGo cũng đặt ra một câu hỏi: “Nếu Vinasun thắng kiện và Grab buộc phải bồi thường 41 tỷ đồng, các công ty taxi khác cũng quay ra kiện Grab thì cơ quan quản lý sẽ xử lý thế nào? Điều quan trọng là các nhà quản lý phải xây dựng quy định chung của ngành này vì tương lai chung của nền kinh tế bởi kinh tế chia sẻ tạo ra nhiều công ăn việc làm”.

Ông Nguyễn Hữu Tuất chia sẻ thêm: "Kinh tế chia sẻ là lĩnh vực mà hoạt động kinh doanh thực tiễn đi trước công tác làm luật. Việt Nam nên cởi mở và điều chỉnh các khung pháp lý theo hướng ủng hộ và hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới trên cơ sở chấp nhận có kiểm soát. Chính phủ nên có chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương tham gia vào mô hình kinh tế chia sẻ để phát triển kinh tế tư nhân, tạo công ăn việc làm mới cho xã hội. Hơn nữa các doanh nghiệp địa phương sẽ giúp Chính phủ hoàn thiện các khung pháp lý theo hướng đảm bảo môi trường kinh doanh phù hợp với Việt Nam, vì quyền lợi chung của đất nước”.

Trước đó, trong phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (GrabTaxi, Grab) chiều 23/10, Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.

Cụ thể, đại diện Viện Kiểm sát cho biết đây là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã được nguyên đơn chứng minh trong quá trình xét hỏi.

Mặc dù theo đề án 24, Grab chỉ cung cấp nền tảng kết nối nhưng giấy đăng ký kinh doanh của Grab thể hiện lĩnh vực đăng ký kinh doanh vận tải. Đồng thời cũng điều hành dịch vụ vận tải taxi: thu tiền cước, quản lý tài xế, quyết định mức chiết khấu, thưởng phạt với tài xế,… Grab thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó có cả cuốc xe 0 đồng. Từ đây có đủ cơ sở xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, kinh doanh không đúng đề án 24.

Trên cơ sở các con số được điều tra và tính toán, đại diện Viện Kiểm át đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.


Theo Duy Vũ

ICTNews