Trong nghị quyết kết luận nội dung phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023, Chính phủ đã giao cho các Bộ, ngành nhanh chóng xây dựng và triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, trong đó dự kiến đào tạo khoảng 30.000 - 50.000 nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Là ngành công nghiệp tỷ USD, nhưng bán dẫn đồng thời cũng đang là ngành khát nhân lực trên toàn cầu. Theo dự đoán của các chuyên gia về nhân lực toàn cầu, tới năm 2030 ngành bán dẫn sẽ thiếu 1 triệu nhân lực.
"Hiện tại, khi lực lượng nhân sự được đào tạo từ 4 cường quốc về bán dẫn là Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc không đáp ứng đủ, thì thị trường Đông Nam Á đặc biệt là Việt Nam có cơ hội nắm bắt nhu cầu toàn cầu này để vươn lên trong bảng xếp hạng cả về giáo dục ngành lẫn cung ứng nhân sự chất lượng cao của ngành”, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Công ty Bán dẫn FPT cho biết.
Trên thực tế, Việt Nam cũng đã trở thành một trong hai quốc gia hàng đầu mà các nhà sản xuất bán dẫn trên thế giới có kế hoạch lựa chọn đầu tư cho thế hệ tiếp theo.
Trước thực trạng thiếu nhân lực của ngành bán dẫn, trường Đại học FPT vừa kết hợp với Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (FPT Semiconductor) thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này và thực hiện các nghiên cứu về vi mạch và bán dẫn.
Dự kiến Khoa Vi mạch và Bán dẫn của Trường Đại học FPT sẽ chính thức đào tạo lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024, với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch và thực hiện các nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.
“Ngành bán dẫn bùng nổ và sự khan hiếm nguồn lực là một cơ hội lớn để nhân sự trẻ Việt Nam tự tin bước ra thế giới với năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam dần học hỏi, làm chủ công nghệ và thiết kế ra những dòng chip riêng của quốc gia”, đại diện Trường Đại học FPT cho biết.