Nghịch lý trong 'thảm họa ngân hàng' Mỹ

15/03/2023 07:16

Hậu quả từ các đợt tăng lãi suất dồn dập của Fed đã được phơi bày trong thảm họa SVB. Và điều này mang lại tin tốt cho một số thị trường.

null

Nhà băng lớn thứ 16 nước Mỹ vừa sụp đổ. Ngành ngân hàng nước này chứng kiến vụ phá sản lớn thứ 2 trong lịch sử. Nhóm cổ phiếu ngân hàng của Mỹ tụt dốc không phanh. Tổng giá trị vốn hóa của các cổ phiếu tài chính trên toàn cầu bốc hơi 465 tỷ USD trong vỏn vẹn 3 ngày.

Nhưng trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần, chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ của Mỹ đã tăng gần 50 điểm, tương đương 0,45%, lên 11.188,84 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones và S&P 500 chỉ giảm nhẹ.

Trên sàn New York, giá vàng vọt lên 1.913,9 USD/ounce, đánh dấu mức cao nhất trong vòng hơn một tháng. Thị trường tiền mã hóa cũng khởi sắc, giá Bitcoin vọt lên gần 11% trong 24 tiếng.

Theo chuyên gia quốc tế, thảm họa mang tên Silicon Valley Bank (SVB) là minh chứng rõ ràng nhất cho tác động của các đợt tăng lãi suất dồn dập. Đây là điều mà giới quan sát đã lo ngại từ lâu.

Thảm họa SVB

Trong cuộc phỏng với với Zing, ông Edward Moya - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - cho rằng nguyên nhân chính dẫn tới sự sụp đổ của SVB là năng lực quản lý rủi ro yếu kém.

"Thật không may, họ không kịp chuyển đổi các khoản vay và chứng khoán sang tiền mặt. Và phần còn lại là vụ phá sản lớn thứ 2 lịch sử ngân hàng Mỹ", ông nhận xét.

Nhưng SVB thất bại không phải do những quyết định đầu tư sai lầm, mà là vì không tính đến kịch bản lãi suất tăng mạnh nhằm đối phó với lạm phát.

Theo ông, cuối cùng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đã nhìn thấy những tác động của các đợt tăng lãi suất dồn dập. "Các khoản đầu tư của SVB không hề tồi tệ. Nhưng nguồn cơn khủng hoảng của họ là 'cuộc tháo chạy tiền gửi' từ các khách hàng trong lĩnh vực kỹ thuật số", vị chuyên gia giải thích với Zing.

"Các khoản đầu tư của SVB không hề tồi tệ. Nhưng nguồn cơn khủng hoảng của họ là "cuộc tháo chạy tiền gửi" từ các khách hàng trong lĩnh vực kỹ thuật số" - Chuyên gia tài chính Edward Moya

SVB tham gia hoạt động kinh doanh cho vay tương tự hầu hết ngân hàng khác. Họ vay ngắn hạn từ khách gửi và đầu tư dài hạn vào các tài sản như trái phiếu và cấp tín dụng cho doanh nghiệp.

Lợi nhuận của họ là phần chênh lệch giữa lãi vay và lãi gửi. Không may là các công ty khởi nghiệp công nghệ chiếm phần lớn trong số khách hàng của SVB.

Khi lãi suất tăng lên và nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cạn kiệt, các khách hàng khát vốn của SVB bắt đầu rút tiền, buộc nhà băng này phải bán chứng khoán để đảm bảo tính thanh khoản.

Hơn nữa, lãi suất tăng lên cũng kéo tụt các khoản nắm giữ của ngân hàng này. Tính đến cuối năm ngoái, khoản lỗ theo thị giá của SVB đối với những chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn đã vượt quá 15 tỷ USD, gần như bằng toàn bộ vốn chủ sở hữu 16,2 tỷ USD.

Với sự cố vấn của Goldman Sachs Group, SVB quyết định bán lỗ khoản đầu tư và huy động thêm 2,25 tỷ USD. Động thái này kích hoạt làn sóng tháo chạy vốn khiến ngân hàng sụp đổ chớp nhoáng.

"SVB đáng lẽ phải chú ý tới những điều cơ bản trong hoạt động của ngân hàng. Các khách hàng gửi tiền giống nhau sẽ hành động theo những cách giống nhau vào cùng một thời điểm. Các chủ ngân hàng luôn đánh giá quá cao mức độ trung thành của khách hàng", ông Daniel Cohen - cựu Chủ tịch The Bancorp - bình luận.

Fed khó tăng lãi suất

Ông Moya tin rằng cuộc khủng hoảng thanh khoản sẽ được ngăn chặn kịp thời và không lan rộng toàn ngành. Các cơ quan quản lý đã can thiệp nhanh chóng. Nhưng giới quan sát chỉ ra Fed khó hành động mạnh tay trong cuộc họp chính sách tiếp theo.

"Khả năng Fed tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm đã hoàn toàn bị loại bỏ. Ngân hàng trung ương Mỹ nên nâng 0,25 điểm phần trăm nếu lạm phát vẫn nóng", ông Moya nhận định.

"Một số người đang đặt cược vào khả năng Fed tạm dừng tăng lãi suất. Nhưng đó có thể là một sai lầm chính sách của Fed", vị chuyên gia nói thêm.

Điều này tạo nên nghịch lý của vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ 2 lịch sử nước Mỹ. Sự kiện SVB phá sản đã đảo ngược đà sụt giảm của một số thị trường, điển hình là vàng.

Kim loại quý bật tăng mạnh mẽ trong bối cảnh USD lao dốc mạnh và dòng tiền đổ xô vào nơi trú ẩn an toàn.

tham hoa ngan hang anh 1

Biến động của giá vàng trong phiên giao dịch ngày 13/3. Ảnh: Kitco.com.

"Các thị trường tin rằng vào thời điểm này, Fed khó tăng lãi suất mạnh tay như những gì được dự báo cách đây vài ngày", ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại Markets.com (London, Anh) - trả lời Zing.

Trong khi đó, đồng bạc xanh chịu áp lực lớn. USD Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các tiền tệ lớn khác - giảm mạnh xuống 103,65 điểm, đánh dấu mức thấp nhất kể từ giữa tháng 1.

Giới quan sát cho rằng lúc này, vàng đã phát huy đúng vai trò của một tài sản trú ẩn an toàn. Trước khi SVB phá sản, thị trường kim loại quý chịu áp lực bán tháo lớn do các nhà đầu tư tin rằng Fed buộc phải "diều hâu" hơn nữa nhằm kìm hãm lạm phát.

Bởi ngày càng nhiều dấu hiệu chỉ ra lạm phát tại Mỹ vẫn còn nóng. Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng cá nhân của Mỹ trong tháng 1 đều cao hơn dự báo.

Các thị trường tin rằng vào thời điểm này, Fed khó tăng lãi suất mạnh tay như những gì được dự báo cách đây vài ngày - Ông Neil Wilson - Trưởng bộ phận phân tích thị trường tại Markets.com (London, Anh)

Trong khi đó, doanh thu bán lẻ và các dữ liệu về thị trường việc làm cho thấy sức chống chịu cao của nền kinh tế Mỹ.

Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn cho 2 cuộc điều trần mới đây tại Đồi Capitol, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã cảnh báo rằng lãi suất điều hành có thể tăng vượt dự kiến của các nhà hoạch định chính sách.

Thống đốc Fed Christopher Waller cũng cho biết các dữ liệu kinh tế mới nhất chỉ ra một thị trường lao động "mạnh mẽ quá mức", nhu cầu tiêu dùng vẫn cao và áp lực lạm phát còn dai dẳng.

Theo ông, điều này có thể buộc ngân hàng trung ương đẩy lãi suất điều hành vượt mức 5,1-5,4% như dự báo hồi tháng 12 năm ngoái.

Nhưng giờ, ngày càng nhiều nhà đầu tư tin rằng Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Đây cũng là dự đoán của các chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm vừa ghi nhận ngày giảm lớn nhất kể từ đầu những năm 1980. Điều này có thể giúp cổ phiếu trở nên hấp dẫn hơn so với trái phiếu phi rủi ro.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Theo Thảo Cao/VNF
Bạn đang đọc bài viết "Nghịch lý trong 'thảm họa ngân hàng' Mỹ" tại chuyên mục Tài chính.