Nguồn gốc tài sản tỷ USD của ông Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang

04/01/2020 23:10

Ông Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang là hai doanh nhân nổi tiếng với hàng chục năm kinh doanh cùng nhau từ thời Đông Âu, đồng thời là hai ông chủ lớn nhất tại Techcombank và Masan.

Ông Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang là hai doanh nhân nổi tiếng với hàng chục năm kinh doanh cùng nhau từ thời Đông Âu, đồng thời là hai ông chủ lớn nhất tại Techcombank và Masan.

Đầu năm 2019, Tạp chí Forbes công bố danh sách tỷ phú USD thế giới trong đó Việt Nam xuất hiện thêm 3 doanh nhân gồm ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Công ty CP Ôtô Trường Hải và hai doanh nhân liên quan tới Tập đoàn Masan là các ông Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh.

Hai vị doanh nhân này cũng đang đảm nhiệm vai trò lãnh đạo cao nhất tại Ngân hàng Techcombank.

Sở hữu ngân hàng tư nhân có vốn lớn nhất

Trong nhóm ngân hàng TMCP tư nhân tại Việt Nam, Techcombank không phải nhà băng có tài sản cao nhất, nhưng đây có vốn điều lệ lớn nhất.

Đến cuối tháng 9 năm nay, vốn điều lệ của ngân hàng này đạt 34.966 tỷ đồng, lớn thứ 3 trong hệ thống ngân hàng. Mức vốn này chỉ xếp sau Vietinbank và Vietcombank (cùng trên 37.000 tỷ đồng) và cao hơn hai ngân hàng quốc doanh khác là BIDV và Agribank.

Tại Techcombank, ông Hùng Anh và Đăng Quang đang là hai lãnh đạo cao nhất với vai trò Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐQT.

Hiện ông Quang chỉ nắm trực tiếp 0,26% vốn ngân hàng nhưng là đại diện sở hữu 15% vốn cho cổ đông lớn Tập đoàn Masan, nơi ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc.

Trong khi đó, ông Hùng Anh nắm giữ trực tiếp 1,12% cổ phần, tương đương hơn 900 tỷ đồng theo thị giá cổ phiếu. Tuy nhiên, người thân trong gia đình ông đều là những cổ đông cá nhân lớn nhất tại Techcombank. Tổng cộng, gia đình ông Hùng Anh đang nắm giữ khoảng 17% vốn ngân hàng, tương đương hơn 14.000 tỷ đồng giá trị thị trường.

Hai vị doanh nhân nói trên cũng là những lãnh đạo có vai trò quan trọng nhất trong việc đưa Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân hàng đầu như hiện nay.

Với tổng tài sản đến cuối quý III ước đạt 367.538 tỷ đồng, Techcombank nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân có quy mô tài sản lớn, tương đương Sacombank, MBBank, VPBank, SHB và ACB.

Xét về hiệu quả kinh doanh, Techcombank nhiều năm liền nắm giữ vị trí dẫn đầu và trở thành nhà băng tư nhân đầu tiên cán mốc 10.000 tỷ lợi nhuận trước thuế vào năm 2018. Con số này đã tăng 86% so với năm 2017 và chỉ xếp sau Vietcombank trong toàn hệ thống ngân hàng.

Chiến lược kinh doanh bán lẻ của Techcombank thể hiện rất rõ khi nhắm tới nhóm khách hàng cá nhân trung lưu và các sản phẩm vay mua nhà. Trong đó, nhà băng này đang có số dư cho vay tại các dự án bất động sản của Vingroup lớn nhất. Hiện tổng dư nợ bán lẻ của ngân hàng đạt gần 99.000 tỷ đồng, trong đó cho vay mua nhà chiếm 82%, tương đương khoảng 81.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Techcombank còn hưởng lợi nhiều từ chiến lược miễn phí giao dịch ngân hàng điện tử. Đến cuối năm nay, tỷ lệ số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tại ngân hàng đã ở mức cao nhất hệ thống, đạt 30%.

Hệ số CASA cao giúp nhà băng này giảm được chi phí vốn, giúp NIM (chênh lệch lãi cho vay và lãi đi vay) đạt 4,2% kỳ vừa qua và là một trong những mức NIM ngân hàng cao nhất hiện nay.

Tập đoàn Masan và bài toán tăng trưởng

Bên cạnh lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp nổi tiếng gắn với tên tuổi hai đại gia này là Tập đoàn Masan.

Tập đoàn này hiện sở hữu đa số vốn tại Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (vốn hóa 50.000 tỷ đồng); Công ty CP Masan MEATLife (vốn hóa 21.000 tỷ đồng); Công ty CP Tài nguyên Masan (vốn hóa 14.000 tỷ đồng). Masan cũng là cổ đông lớn nhất sở hữu 15% vốn Techcombank.

Trong cơ cấu cổ đông, CTCP Masan và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương sở hữu tổng cộng 44,48% vốn Masan. Cả hai doanh nghiệp này đều liên quan tới ông Hùng Anh và Đăng Quang.

Cá nhân ông Hùng Anh cũng gắn bó với ông Quang trong việc xây dựng Masan và từng giữ chức Phó chủ tịch tập đoàn nhưng đã rời đi từ tháng 4/2018.

Về hiệu quả kinh doanh, doanh thu 3 năm gần nhất của tập đoàn này đều xấp xỉ 40.000 tỷ đồng. Với biên lãi gộp 30%/năm, sau khi trừ chi phí, Masan mang về cho các ông chủ của mình hơn 5.600 tỷ đồng lãi ròng năm gần nhất. Hai năm trước đó, con số lãi ròng cũng đạt trên 3.600 tỷ đồng.

Tăng trưởng doanh thu của Masan chững lại từ năm 2017 đến nay.

Tuy nhiên, thị trường hàng tiêu dùng bão hòa khiến Masan đang gặp khó với bài toán tăng trưởng.

Trong khi giai đoạn trước năm 2016, doanh thu của tập đoàn này đều tăng trưởng 2 chữ số qua từng năm, từ 2017 đến nay, doanh thu của doanh nghiệp này đi ngang. Năm 2017, doanh thu của Masan giảm 14% và sang năm 2018 cũng chỉ tăng vỏn vẹn 1%.

9 tháng từ đầu năm, doanh nghiệp này ghi nhận 27.422 tỷ đồng doanh thu, mức tương đương cùng kỳ nhưng biên lãi gộp đã giảm về mức 28,7% (cùng kỳ đạt 31,3%). Phải nhờ hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận từ hoạt động khác (thắng kiện Jacobs Group) mà lãi sau thuế của Masan mới tăng 6%, đạt 4.616 tỷ đồng.

Thương vụ sáp nhập với Vingroup

Áp lực trước bài toán tăng trưởng và nhu cầu mở rộng điểm bán cho công ty mới niêm yết - Masan MEATLife được cho là một trong những nguyên nhân khiến Masan nhận sáp nhập chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ của Vingroup.

Theo đó, hai bên đã thống nhất một thỏa thuận về việc VinCommerce (chủ sở hữu VinMart, VinMart+), VinEco và Masan Consumer cùng hoán đổi cổ phần để sáp nhập thành một tập đoàn trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng. Trong đó, Masan sẽ nắm quyền kiểm soát công ty mới và Vingroup đóng vai trò cổ đông.

Hiệu quả kinh doanh trái ngược của mảng bán lẻ tại Vingroup sáp nhập vào Masan.

Tham vọng của hai tập đoàn này rất lớn khi đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhận sáp nhập một chuỗi bán lẻ có số điểm bán lớn nhất thị trường.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh mảng bán lẻ Vingroup và hàng tiêu dùng Masan lại trái ngược nhau.

Trong khi Masan Consumer duy trì lợi nhuận đều đặn 3.000-4.000 tỷ đồng mỗi năm, mảng bán lẻ của Vingroup (chủ yếu từ VinMart và VinMart+) lại đang thua lỗ.

Với nguồn thu chính từ 2 chuỗi siêu thị và cửa hàng này, năm 2018, mảng bán lẻ của Vingroup đạt doanh thu 19.326 tỷ đồng, chiếm 16% doanh thu hợp nhất. Tuy nhiên, kinh doanh chưa đạt điểm hòa vốn, cùng năm bộ phận này lỗ trước thuế 5.121 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính những năm gần đây của Vingroup đều cho biết bán lẻ là một trong những mảng thua lỗ nhiều nhất. Dù doanh thu bán lẻ vẫn tăng trưởng trong 9 tháng từ đầu năm nay nhưng vẫn lỗ trước thuế thêm 3.461 tỷ đồng. Số lỗ lũy kế ở bộ phận này của Vingroup đã vượt ngưỡng 17.000 tỷ đồng từ năm 2014 đến nay.

Thương vụ sáp nhập này cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu MSN đã giảm liên tục từ đầu tháng 12. Đến nay, MSN đã giảm 25% từ ngày thương vụ được công bố, đỉnh điểm là phiên giảm sàn 7% ngay trong ngày 3/12.

Quang Thắng

Theo Zing