Những nông dân trở thành tỷ phú USD nhờ dịch vụ giao hàng nhanh

24/02/2018 20:15

Từ bàn tay trắng, hàng loạt nông dân ở một huyện thuần nông tại Trung Quốc lần lượt lập công ty giao hàng nhanh và trở thành tỷ phú USD nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử ở đại lục.

Đồng Lư, một huyện nông thôn thuộc thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, có dân số khoảng 400.000. Trong hơn 20 năm qua, Đồng Lư thúc đẩy sự phát triển của ngành giao hàng nhanh ở đại lục.

Trong 3 năm liên tiếp từ 2015, người dân Trung Quốc gọi Đồng Lư là “huyện hạnh phúc nhất đại lục”.

Phát triển kinh tế là một trong 5 chỉ số mà Viện Cạnh tranh Đô thị Trung Quốc sử dụng để quyết định mức hạnh phúc của một huyện. Chỉ với chỉ số ấy, Đồng Lư đã vượt mọi đối thủ.

Một máy bay chở hàng của STO Express, một doanh nghiệp giao hàng nhanh ở huyện Đồng Lư, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: China Daily

4 trong số những công ty giao hàng lớn nhất Trung Quốc - STO Express, YTO Express, ZTO Express và Shanghai Yunda Express – đặt trụ sở ở Đồng Lư. Nếu di chuyển theo đường G25 và vượt qua 88 km, người ta sẽ gặp trụ sở của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.

4 công ty ấy – mang biệt danh “tứ đại gia Đồng Lư” – xử lý tổng cộng 15,4 tỷ kiện hàng trong năm 2016, cao hơn 18% so với tổng lượng kiện hàng mà các công ty ở Mỹ xử lý (13 tỷ kiện) trong cùng năm.

Mặc dù Alibaba và đối thủ đáng gờm của họ - tập đoàn JD.com – đã ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo để tăng hiệu quả giao hàng, khâu cuối cùng trong quá trình giao vẫn cần tới con người – những nhân viên vận chuyển – để hàng tới tay người mua.

Nhu cầu đối với nhân viên vận chuyển tạo điều kiện để các doanh nhân ở Đồng Lư biến một huyện ven song Fuchun thành động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành giao hàng nhanh ở Trung Quốc, nơi các công ty xử lý tới 101 triệu kiện hàng trong năm ngoái. Trung quốc là thị trường lớn nhất trong lĩnh vực giao hàng nhanh từ năm 2014.

Nie Tengfei, người từng làm việc trong một xưởng nhuộm, thành lập công ty giao hàng nhanh ở Đồng Lư vào năm 1993 và đặt tên là STO Express. Vợ của ông, Chen Xiaoying, bạn bè và người thân tham gia công việc kinh doanh khi công ty phát triển.

Sau khi Nie qua đời vì tai nạn xe hơi vào năm 1998, bà vợ Chen Xiaoying và em trai của bà, ông Chen Dejun, tiếp quản quyền điều hành công ty.

Nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử, giờ đây STO Express trở thành một trong những công ty giao hàng nhanh lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: ECNS

STO Express trở thành doanh nghiệp giao hàng nhanh ở Trung Quốc niêm yết cổ phiếu vào năm 2015.

Cổ phần của Chen Xiaoying trong công ty biến bà trở thành tỷ phú với khối tài sản 1,5 tỷ USD tính tới ngày 22/2, theo tạp chí Forbes. Người em trai Chen Dejun của bà có khối tài sản 1,7 tỷ USD.

Khi STO Express thành công, đương nhiên họ không quên người sáng lập. Công ty đã xây cầu mang tên Tengfei ở Đồng Lư để tưởng nhớ người tiên phong trong ngành giao hàng nhanh.

Nie Tengyun, em trai của Nie Tengfei, rời STO Express sau khi anh trai qua đời và thành lập công ty giao hàng mang tên Shanghai Yunda Express vào năm 1999.

Shanghai Yunda Express chào bán cổ phiếu lần đầu vào năm 2016. Tạp chí Forbes cho biết, tổng tài sản của Nie Tengyun và gia đình ông là 3,4 tỷ USD, tính tới ngày 22/2.

Lai Meisong thành lập ZTO Express vào năm 2002 sau khi làm việc cho STO Express. Ông là bạn cùng lớp của Chen Dejun, Chủ tịch STO Express.

ZTO Express thu về 1,4 tỷ USD trên Sàn giao dịch chứng khoán New York trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu năm 2016. Theo Forbes, tính tới ngày 22/2, tài sản của Lai đạt giá trị 3,2 tỷ USD.

Zhang Xiaojuan, người cũng là bạn cùng lớp với Chen Dejun, từng đảm nhiệm chức giám đốc tài chính của STO Express.

Vào năm 2000, Zhang cùng chồng, ông Yu Huijiao, thành lập công ty giao hàng YTO Express. Yu là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành công ty.

Năm 2015, công ty nhận một khoản đầu tư từ tập đoàn Alibaba và quỹ đầu tư mạo hiểm Yunfeng Capital. Tỷ phú Jack Ma, ông chủ của tập đoàn Alibaba, cũng là người đồng sáng lập quỹ Yunfeng Capital.

YTO Express chào bán cổ phiếu lần đầu vào năm 2016. Tính tới ngày 22/2, bà Zhang sở hữu khối tài sản 1,7 tỷ USD, còn Yu sở hữu 4,1 tỷ USD.

Kim Cương

Theo Kinh tế & Tiêu dùng