Những nữ CEO gốc Việt khởi nghiệp và thành danh trên đất Mỹ: Thành công nhờ làm điều mà các đồng nghiệp nam thường bỏ qua

08/03/2019 23:13

Họ còn rất trẻ nhưng đã làm được những điều khiến mọi người ngưỡng mộ.


Họ còn rất trẻ nhưng đã làm được những điều khiến mọi người ngưỡng mộ.

Trong vài năm trở lại đây, tuy có nhiều nhà đầu tư cam kết rót vốn cho những startup do nữ giới sáng lập nhưng theo quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups, con số này vẫn chiếm tỷ trọng khiêm tốn.

Tạp chí Fast Company cho biết năm 2017, chỉ có "2% vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đổ vào startup có nhà sáng lập nữ". Còn theo Mastercard Index of Women Entrepreneurs 2018, ở Việt Nam, nữ giới "sở hữu 31,3% số lượng doanh nghiệp và giữ 25% số vị trí CEO hoặc hội đồng quản trị".

Mục đích của 500 Startups là tìm kiếm và hỗ trợ các nhà sáng lập nữ. Ứng dụng học tiếng Anh ELSA của Văn Đinh Hồng Vũ, Copper Cow Coffee của Debbie Mullen và Littlefund của Mimi Chan đều là những khoản đầu tư của quỹ này. Ba cô gái trẻ cũng tham gia vào cộng đồng các nhà đồng sáng lập của 500 Startups.

Văn Đinh Hồng Vũ – Nhà đồng sáng lập ELSA

ELSA là tên viết tắt của "English Language Speech Assistant" (Tạm dịch: trợ lý phát âm tiếng Anh). Cuối tháng 2 vừa qua, ứng dụng học nói tiếng Anh với công nghệ trí tuệ nhân tạo của Văn Đinh Hồng Vũ đã huy động thành công 7 triệu USD trong vòng Series A tại thung lũng Silicon. Tính đến thời điểm hiện tại, ELSA đã gọi vốn thành công tổng cộng 12 triệu USD.

Ứng dụng được đồng sáng lập năm 2015 bởi Văn Đinh Hồng Vũ, người có bằng MBA và bằng Thạc sĩ Giáo dục của Stanford. Thông qua trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nhận diện giọng nói, ELSA giúp chỉnh phát âm tiếng Anh của người dùng. Ứng dụng có hơn 600 bài giảng và hàng ngàn từ vựng thuộc nhiều chủ đề khác nhau. Kể từ khi ra mắt đến nay, ELSA đã có 4 triệu lượt người dùng từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó một nửa đến từ Đông Nam Á và Việt Nam chiếm khoảng 1/4.

Những nữ CEO gốc Việt khởi nghiệp và thành danh trên đất Mỹ: Thành công nhờ làm điều mà các đồng nghiệp nam thường bỏ qua - Ảnh 1.

Một điều thú vị mà nữ CEO chia sẻ là cô từng dành nhiều thời gian trước khi đi ngủ để nói chuyện với trợ lý ảo Siri của Apple "cho vui". Và cô bắt đầu tự hỏi mình có thể làm điều gì có ý nghĩa hơn với công nghệ như Siri không và có thể giúp dạy mọi người học tiếng Anh hiệu quả hơn không. Đó chính là ý tưởng đã cho ra đời ELSA.

Chia sẻ về cách để có 7.000 người đăng ký vào danh sách chờ của ELSA, Văn Đinh Hồng Vũ cho biết: "Tôi đã viết một ghi chú trên Facebook về hành trình học tiếng Anh của mình bao gồm vấn đề về giọng nói của mình kèm hashtag #LoveMyVoice".

Hồng Vũ chính là người đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa cái nhìn đa chiều vào Thung lũng Silicon. Trong cuộc phỏng vấn với Forbes, cô nhận xét rằng các công ty ở khu vực vịnh San Francisco thường không quan tâm đến việc học ngôn ngữ bởi họ chủ yếu là người Mỹ.

Sinh ra tại miền Trung Việt Nam trong gia đình có cha mẹ làm nghề kinh doanh, nữ CEO chia sẻ: "Từ khi còn nhỏ, tôi đã biết rằng mình cần chấp nhận rủi ro. Cha mẹ không khen ngợi khi chúng tôi đạt điểm cao ở trường mà vì đam mê và nỗ lực của mình. Sau này khi trở thành một nhà đồng sáng lập, tôi luôn nhờ sự giúp đỡ khi cần thiết. Hãy dựa vào đồng nghiệp và những người bạn mà bạn tin tưởng".

Debbie Mullin – Nhà sáng lập Copper Cow Coffee

Chia sẻ về nguồn gốc của Copper Cow Coffee, Debbie Mullin cho biết: "Khi quyết định rời bỏ vị trí quản lý quốc tế tại Ngân hàng Thế giới để làm một điều gì đó sáng tạo hơn, tôi biết rằng nó sẽ phải liên quan đến việc giới thiệu hương vị Việt Nam vào thị trường Mỹ".

Những nữ CEO gốc Việt khởi nghiệp và thành danh trên đất Mỹ: Thành công nhờ làm điều mà các đồng nghiệp nam thường bỏ qua - Ảnh 2.

Năm 2016, Mullin trở về TP. Hồ Chí Minh, quê hương của mẹ cô để tìm nguồn cà phê tốt nhất, giàu mùi vị tự nhiên và có hương thơm đậm chất Việt Nam. Kết quả là cô đã cho ra đời thương hiệu Copper Cow Coffee. Mỗi tách cà phê được phục vụ không chỉ mang hương vị mà còn cả lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Mullin cho biết Copper Cow Coffee là hãng cà phê duy nhất do phụ nữ làm chủ và có mạng lưới phân phối rộng khắp nước Mỹ. Sản phẩm của họ được bán trực tuyến và có mặt tại các chuỗi bán lẻ như Cost Plus, HEB và Macy’s ở Mỹ.

Mimi Chan – Nhà sáng lập Littlefund

Trong buổi phỏng vấn phát trực tiếp tại sở giao dịch chứng khoán New York, Mimi Chan chia sẻ: "Chúng tôi nhận được rất nhiều quà tặng từ bạn bè và gia đình khi con gái của tôi chào đời. Nhưng tôi lại cảm thấy áy náy. Mỗi năm có tới 96% đồ chơi mà trẻ em được tặng và 80 tỷ món quần áo bị vứt đi".

Đây chính là lý do khiến cô tạo nên một nền tảng mới cho việc tặng quà. Littlefund giúp các gia đình và bạn bè đóng góp cho mục tiêu và ước mơ của trẻ em như Disneyland, một chuyến tham quan bảo tàng hay xa hơn nữa là học đại học.

Những nữ CEO gốc Việt khởi nghiệp và thành danh trên đất Mỹ: Thành công nhờ làm điều mà các đồng nghiệp nam thường bỏ qua - Ảnh 3.

Trước khi thành lập Littlefund, Mimi là nhà sáng lập và CEO của ứng dụng chia sẻ ảnh và cửa hàng thương mại điện tử Thread (được mua lại năm 2013). Ngoài ra, cô cũng là thành viên sáng lập và COO của tổ chức phi lợi nhuận Pencils of Promise đã xây dựng 400 ngôi trường trên thế giới.

Mimi trả lời trong một cuộc phỏng vấn gần đây: "Đam mê tạo ra những công ty có ảnh hưởng mạnh mẽ của tôi đến từ tuổi thơ lớn lên là con gái của người nhập cư từ Việt Nam. Chúng tôi đi từ trại tị nạn ở Philippines đến Houston, Texas. Cha mẹ tôi thường nhấn mạnh 3 điều mà theo họ sẽ giúp chúng tôi thành công dù xuất thân của mình như thế nào là nhân quả, giáo dục và tiết kiệm".

Cô là ví dụ điển hình của những nữ doanh nhân đang tìm cách giải quyết vấn đề mà các đồng nghiệp nam có xu hướng bỏ qua. Anu Duggal, đối tác tại Female Founders Fund nhận xét: "Chúng tôi đã thấy những nhà sáng lập nữ xây dựng đội ngũ đa dạng hơn về cả giới tính và quan điểm văn hóa. Nhiều người trong số đó đã giải quyết những vấn đề mà họ từng trực tiếp trải qua và điều này đã giúp họ tạo ra thương hiệu gần gũi với khách hàng của mình".


Gia Vũ

Theo Trí Thức Trẻ/500 Startups