Những 'ông chủ' trẻ sẽ tạo ra một bộ mặt mới cho doanh nghiệp Việt

11/10/2018 10:27

'Vai trò doanh nghiệp tư nhân rất quan trọng, đặc biệt là những ông chủ doanh nghiệp trẻ tuổi. Các chương trình khởi nghiệp tôi thấy rất hào hứng với nhiều đề tài và thú vị họ bắt đầu suy nghĩ đến tính độc đáo, tính sáng tạo. Tôi nghĩ điều này sẽ tạo ra một bộ mặt mới cho doanh nghiệp Việt', ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nói.

'Vai trò doanh nghiệp tư nhân rất quan trọng, đặc biệt là những ông chủ doanh nghiệp trẻ tuổi. Các chương trình khởi nghiệp tôi thấy rất hào hứng với nhiều đề tài và thú vị họ bắt đầu suy nghĩ đến tính độc đáo, tính sáng tạo. Tôi nghĩ điều này sẽ tạo ra một bộ mặt mới cho doanh nghiệp Việt', ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nói.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN TP.HCM.

Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, BizLIVE đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), người gắn bó đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố.

Ông có nhận định gì về môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay? Đâu là những điểm cần hoàn thiện?

Môi trường kinh doanh hiện nay rất tốt, đặc biệt từ khi có Nghị quyết 35 của Chính phủ, sau đó có Quyết định 19 hàng năm đánh giá và đưa lại phương hướng mới để cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam tiến bộ hơn.

Tuy nhiên còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Thứ nhất, người ta lo lắng điều kiện kinh doanh, nói như Thủ tướng là các bộ ngành phải cắt giảm 50% đến nay làm chưa được nhiều chỉ một hai bộ có tiến bộ còn rất nhiều nơi chưa chuyển biến. Điều này gây khó cho các doanh nghiệp đặc biệt cái bỏ đã ít lại còn đẻ thêm những điều kiện khác, giấy phép con, giấy phép cháu tiếp tục nhiều ra khiến môi trường kinh doanh không tốt.

Thứ hai, khi phát triển đất nước hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhỏ và siêu nhỏ rất nhiều. Nhà nước có luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa ra 7 chương trình hỗ trợ khối doanh nghiệp này. Thực sự luật có nhưng sự đồng bộ giữa các bộ ngành, UBND các tỉnh thành chưa phối hợp do đó đưa ra nhiều như thế nhưng cũng không hỗ trợ được bao nhiêu. Chẳng hạn, như tiếp cận vốn cũng không tiếp cận được nhiều, tiếp cận đất đai cũng tương tự, một doanh nghiệp nhỏ hay doanh nghiệp lớn làm thủ tục vay vốn hay thủ tục đất đai giống nhau do đó việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ chưa rõ ràng.

Thứ ba, lượng thông tin hội nhập rõ ràng doanh nghiệp ít biết thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp bám sát thị trường để phát triển. Thanh long hôm nay bán 1.000 đồng/kg cũng là như vậy, doanh nghiệp, người nông dân không hiểu thị trường.

Có thể thấy môi trường kinh doanh chúng ta càng lúc càng thuận lợi cho doanh nghiệp FDI mà lại ít thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp kia có thể mang ô nhiễm vào nước chúng ta, chuyển giá chuyển thuế đi ra nước ngoài, có thể giành được những khu đất những vị trí rất tốt ở các hệ thống bán lẻ… thì đối với doanh nghiệp chúng ta càng ngày càng yếu thế rõ ràng khiến cho các doanh nghiệp nội địa phát triển cũng khó.

Do đó tôi nghĩ còn nhiều vấn đề nhà nước cần giải quyết. Trong đó vấn đề chủ trương chính sách phải làm cho rõ ràng, đồng bộ. Thứ hai những người thực thi chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước về cải cách thủ tục hành chính như thế nào đặc biệt trong vấn đề kiểm tra giám sát. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa và kể cả lớn người ta rất sợ vấn đề công an, thuế vụ, kiểm soát môi trường….

Nói như Thủ tướng thì 1 năm được thanh kiểm tra một lần nhưng thực sự không phải vậy, ông này thanh tra, ông kia kiểm tra, giám sát khiến cho doanh nghiệp rất vất vả, lo lắng. Một trong những rủi ro của doanh nghiệp là rủi ro về mặt pháp lý. Pháp lý nhiều, biện pháp chế tài xử phạt lớn mà biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp cạnh tranh, phát triển lên thì ít đi.

Hiện nay chúng ta hay đề cập đến cạnh tranh, hội nhập. Ông có bình luận gì về vấn đề thâu tóm doanh nghiệp Việt của nhà đầu tư ngoại?

Thực sự việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp là chuyện bình thường trong một đất nước phát triển. Do đó chúng ta cũng không nên hạn chế tại vì cái áo ta mặc không vừa thì ta may cái áo lớn hơn khi doanh nghiệp có nhu cầu phát triển lớn hơn nữa mà ta không đủ lực thì nước ngoài bỏ vốn vào thâu tóm là chuyện bình thường.

Điều đáng nói, doanh nghiệp Việt có 2 vấn đề, một là doanh nghiệp nhỏ và vừa không chịu lớn. Doanh nghiệp vừa thì không muốn lớn lên bởi sợ lớn lên sẽ phức tạp hơn, gặp nhiều chuyện hơn thà bình bình như vậy, đó là rất dở. Và nếu ông nào làm khá khá lên thì nước ngoài nhảy vô thâu tóm kể cả những ông mạnh như Bia Sài Gòn Sabeco, Kinh Đô… là những thương hiệu lớn mà doanh nghiệp ngoại đã vào mua.

Nhưng rõ ràng ở trong nước có nhiều thương hiệu rất lớn của nước ngoài vào chẳng hạn như Samsung, CP rồi hàng loạt doanh nghiệp lớn khác vào Việt Nam. Họ vào nhưng không kích thích được doanh nghiệp Việt đặc biệt các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển. Họ đi kéo theo những vệ tinh của họ mang theo để phục vụ cho họ hơn là người ta làm ở Việt Nam. Do đó có những doanh nghiệp lớn họ xuất khẩu số 1, số 2 mà không kéo theo doanh nghiệp Việt phát triển cùng lớn. Cái đó mới đáng ngại và là vấn đề đặt ra.

Cái nữa là Trung ương, các bộ ngành, địa phương chưa xác định được cái nào là mặt hàng chủ lực của Việt Nam, đâu là mặt hàng chủ lực của TP.HCM. Như thành phố cứ nói 4 ngành trọng điểm nhưng hỏi cơ khí được cái nào là chủ lực, lương thực thực phẩm, công nghệ thông tin hay điện tử cái nào chủ lực thì chúng ta không thấy rõ ràng cái nào trở thành đầu tàu kéo theo các doanh nghiệp khác để phát triển.

Bia Sài Gòn là doanh nghiệp lớn doanh số cao lợi nhuận lớn đùng cái giờ người ta nói Bia Bia Sài Gòn là của Thái Lan. Vậy cái gì là của Việt Nam? Chúng ta chưa có những sản phẩm gọi là chủ lực của Việt Nam mang thương hiệu Việt mà thế giới người ta biết đến. Vinamilk lớn như thế nhưng so với các hãng sữa khác cũng chưa phải là doanh nghiệp tầm cỡ.

Nhà nước cần xây dựng được đâu là sản phẩm chủ lực. Với sản phẩm như thế cần tạo điều kiện để liên kết tạo thành chuỗi nhiều doanh nghiệp, nhiều nhà cung ứng hỗ trợ sản phẩm lớn đi ra đấu với thị trường thế giới. Chứ giờ cứ để các ông lớn đơn phương độc mã đấu thì thế nào cũng bị "nuốt".

Ngày càng xuất hiện thêm nhiều các doanh nhân trẻ, ông đánh giá sự đóng góp của họ tới sự phát triển kinh tế chung?

Đảng, Nhà nước đánh giá cao vai trò, sự phát triển kinh tế tư nhân và những năm gần đây khối này phát triển rất tốt. Giải quyết công ăn việc làm hiện nay vẫn là các doanh nghiệp tư nhân là chính. Còn các doanh nghiệp bấy lâu nay chúng ta gọi là doanh nghiệp FDI vào để giải quyết lao động thực ra bây giờ không phải là mô hình đẹp. Hầu hết người ta đối xử với lao động cũng không tốt, tận dụng nhân công sức trẻ đến độ tuổi 30- 40 bắt đầu sa thải, tiền lương thấp,...

Vai trò doanh nghiệp tư nhân rất quan trọng, đặc biệt là những ông chủ doanh nghiệp trẻ tuổi. Các chương trình khởi nghiệp tôi thấy rất hào hứng với nhiều đề tài và thú vị, họ bắt đầu suy nghĩ đến tính độc đáo, tính sáng tạo. Tôi nghĩ điều này sẽ tạo ra một bộ mặt mới cho doanh nghiệp Việt.

Đặc biệt đi vào kinh doanh gắn với công nghệ, thời đại này ăn thua là công nghệ, mà công nghệ mà những ông già nua thì rất khó chuyển biến nhưng sức trẻ họ làm tốt. Do đó nhà nước cũng nên tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, những startup đi sâu vào công nghệ có điều kiện phát triển lên. TP.HCM hiện có nhiều chương trình hỗ trợ đặc biệt là có một quỹ để hỗ trợ những doanh nghiệp này phát triển tôi thấy điều này rất tốt.

Ông có đánh giá gì về những tác động từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới kinh tế, doanh nghiệp Việt?

Tôi thấy cuộc chiến tranh thương mại có nhiều vấn đề đặt ra. Đây là cuộc chiến tranh mà có thể gây tác động lớn tới toàn thế giới. Chúng ta nhớ giai đoạn năm 1997 đã xảy ra khủng hoảng tiền tệ tại Thái Lan kéo theo khủng hoảng kinh tế thế giới huống hồ hiện là 2 cường quốc kinh tế đấu đề nhau về kinh tế chắc chắn tác động nhiều. Vậy Việt Nam có lợi, hại gì trong bối cảnh này?

Đối với thị trường Mỹ khi Mỹ áp thuế 200 tỷ USD lên hàng Trung Quốc hầu hết không phải mặt hàng thế mạnh của Việt Nam chỉ có một vài mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ với số lượng không lớn lắm. Bây giờ muốn thế chân của Trung Quốc cũng không thế nổi tại vì mức độ sản xuất của ta chỉ có nhiêu đó. Do đó tôi cho rằng để tận dụng cơ hội này cũng không nhiều.

Thậm chí nếu Trung Quốc không xuất được vào Mỹ thì họ bán ngược lại thị trường trong nước tranh giành sức mua trong nước khiến cho sức mua trong nước giảm so với hàng Việt xuất sang đó. Không những thế, họ sẽ đẩy hàng đi các nước lân cận và VN là dễ xuất nhất. Vấn đề nữa là họ đưa qua đội lốt hàng Việt. Chẳng hạn đồ gỗ họ tháo ra từng bộ phận qua Việt Nam gắn "Made in Vietnam" rồi xuất đi và nếu phát hiện những việc như thế doanh nghiệp Việt cũng sẽ bị trừng phạt.

Quan ngại nữa đó là Trung Quốc sẽ đẩy những công nghệ lạc hậu đi vào Việt Nam, nếu không có bộ lọc tốt ta tiếp nhận công nghệ lạc hậu thì rất nguy hiểm.

Về phía doanh nghiệp, rõ ràng các doanh nghiệp trong nước đang thiếu thông tin và cũng không hiểu được những mặt hàng nào tác động, mặt hàng nào cần đề phòng, mặt hàng nào có cơ hội. Tôi nghĩ cần có sự phối kết hợp giữa các hiệp hội trong nước, các tham tán thương mại ở các nước, các chuyên gia kinh tế và Bộ Công Thương, có thông tin liên tục cho các doanh nghiệp thì may đâu mới có cơ hội cho các doanh nghiệp đồng thời tránh các rủi ro.

Xin cảm ơn ông!

HUYỀN TRÂM

Theo BizLive