'Nội chiến' giành tài sản của gia đình vua sòng bài Macau

27/05/2020 15:56

Không chỉ có gia sản lớn và tầm ảnh hưởng rộng, ông Stanley Ho còn có một gia đình cũng lớn không kém với 4 người vợ và 17 người con.

Stanley Ho Hung-sun, tài phiệt lãnh đạo đế chế casino lớn nhất châu Á SJM Holdings qua đời ở tuổi 98 hôm qua (26/5). Tỷ phú này từng là một trong những người giàu nhất châu Á suốt hàng thập kỷ. Tài sản của ông ước tính vào khoảng 50 tỷ đôla Hong Kong (6,4 tỷ USD) khi nghỉ hưu năm 2018.

Ông có 4 người vợ và 17 người con. Cuộc đấu đá quyền lực giữa các thành viên xuất hiện rõ nét từ khi sức khỏe ông suy yếu và kéo dài hàng thập kỷ.

Các thành viên trong gia đình ông Stanley Ho, với các gia đình vợ 1 đến vợ 4 từ trái qua phải.

Các thành viên trong gia đình ông Stanley Ho, với các gia đình vợ thứ nhất đến vợ thứ tư từ trái qua phải.

Đáng chú ý nhất trong cuộc nội chiến gia tộc họ Ho là giai đoạn 2009-2011. Khi ấy, các thành viên trong gia đình đã tung những lá thư cáo buộc lẫn nhau, với mục tiêu chung là cố gắng chiếm giữ 18% cổ phần của chồng tại SJM Holdings. Khi ấy, số cổ phần có giá trị 1,7 tỷ USD. Các tài sản của SJM năm 2011 bao gồm 20 sòng bạc, bốn phòng chờ máy đánh bạc và hai khách sạn.

Trung tâm của "cuộc chiến là hai nữ doanh nhân nổi tiếng và quyền lực nhất châu Á bấy giờ. Một người là bà vợ thứ tư của ông, tên Angela Leong và Pansy Ho, con gái lớn trong 5 người con của bà vợ thứ hai.

Bà Angela Leong. Ảnh: Bloomberg

Bà Angela Leong, vợ thứ tư của ông Stanley Ho. Ảnh: Bloomberg

Là cựu vũ công và nhà lập pháp địa phương, bà Leong giữ vị trí điều hành trong hoạt động sòng bạc hàng đầu của gia đình. Quyền lực của bà càng được củng cố khi ông Ho trao cho bà sở hữu 8% cổ phần vào cuối năm 2010, giúp bà trở thành ứng cử viên hàng đầu có khả năng kiểm soát đế chế kinh doanh sòng bạc của gia đình.

Ở bên kia chiến tuyến, Pansy Ho, được xem là người đứng đầu gia đình vợ hai của ông Ho. Bà Pansy sở hữu hệ thống nhượng quyền sòng bạc của riêng mình và là CEO của công ty bất động sản Shun Tak Holdings do cha bà thành lập.

Anh chị em của bà Pansy như Daisy và Maisy cũng giữ các vị trí điều hành tại Shun Tak. Em trai của bà, Lawrence Ho, đã thành lập một sòng bạc đối thủ tại Macau. Cùng nhau, 5 anh chị em gia đình vợ hai tạo thành một khối liên minh trong đế chế kinh doanh sòng bạc phức tạp của ông Ho.

Cuộc chiến nhen nhóm khi ông Ho bắt đầu bệnh vào tháng 8/2009, làm dấy lên câu hỏi ai sẽ là người thừa kế chủ chốt đế chế của ông. Đến năm 2011, khi ông phải phẫu thuật não và rút lui khỏi công việc điều hành hàng ngày, phe cánh của bà vợ bốn Leong và nhóm 5 người con của bà vợ hai Lucina Laam dần đối đầu trực diện để cố gắng chiếm quyền kiểm soát SJM.

Một nguồn tin gần gũi với gia đình ông Ho cho biết, bà Pansy đã liên kết với người vợ thứ ba vốn yếu thế của ông là Ina Chan, để cùng chống lại quyền lực đang lên của bà Leong. Trong thư từ được công khai bởi gia đình vợ hai và vợ ba, ông Ho nói sẽ tặng cổ phần cho hai gia đình này.

Bà Pansy Ho. Ảnh: Bloomberg

Bà Pansy Ho, con gái lớn trong 5 người con của vợ hai ông Stanley Ho. Ảnh: Bloomberg

Trong một hồ sơ pháp lý được công bố ngày 20/6/2011, ông Ho đã chia đôi cổ phần tại SJM của mình, với chưa đến một nửa dành cho con của người vợ 2 và phần còn lại cho vợ 3 và ông gần như không giữ lại gì.

Nhưng sau đó, các luật sư đại diện cho ông Ho tuyên bố thân chủ của họ đã phủ nhận cách chia chác này và cáo buộc gia đình vợ hai và vợ ba đã "cướp" cổ phần của ông và đe dọa sẽ kiện các người con này để đòi lại cổ phần.

Thay vì chia hai, ông Ho nói trong một lá thư được cung cấp bởi các luật sư rằng ông luôn có kế hoạch chia cổ phần của mình thành 4 phần bằng nhau giữ các gia đình vợ. "Đây luôn là ý định và mong muốn của tôi", ông Ho viết trong một lá thư ngày 5/1/2011, được đưa ra bởi công ty luật đại diện cho ông là Oldham, Li & Nie.

Đáp lại, hôm 21/6/2011, đại diện gia đình vợ 2 và vợ 3 đã tiết lộ các thông tin liên lạc cá nhân giữa ông Ho và 4 gia đình vợ để chứng minh căn cứ đòi cổ phần kiểm soát của họ tại Lanceford là xác đáng. Lanceford là công ty nắm giữ một phần ba cổ phần của Sociedade de Turismo e Diversoes de Macau (STDM), công ty kiểm soát SJM.

Tuy nhiên, sáng sớm hôm sau, đại diện gia đình vợ hai và vợ ba lại công bố hai lá thứ bằng tiếng Hoa, với một trong số đó được ông Ho viết tay hôm trước, nói rằng đã chấm dứt thuê đại diện hãng luật Oldham, Li & Nie và việc chuyển nhượng cổ phần đã không diễn ra.

"Sự khuấy động gần đây đối với gia đình họ Ho đã gây ra sự náo động. Tôi nghĩ đã đến lúc chấm dứt chuyện này", vua sòng bạc Macau nói trong bức thư viết tay. "Các vấn đề gia đình không nên liên quan đến luật sư, và kiện nhau ra tòa là rắc rối!", ông tuyên bố.

Sau khi ông Ho dàn xếp, cả Pansy Ho và Leong đều từ chối đưa ra bình luận. Giới quan sát cho rằng, các thành viên gia đình đã tìm được cách để tránh kiện tụng nhau. Billy Ma, một luật sư chuyên về các vụ án di chúc và thừa kế tại Hong Kong, nói rằng việc đấu khẩu qua lại có thể phát triển thành một cuộc chiến pháp lý. "Bất kỳ động thái nào trong giai đoạn này đều có khả năng kích hoạt một chuỗi các vụ kiện. Đây là một khoản tiền khổng lồ", vị luật sư nói.

Tuy nhiên, "sóng ngầm" không bao giờ kết thúc bên trong gia đình vua sòng bạc Macau. Hai nhân vật chủ chốt là bà Angela Leong và bà Pansy Ho vẫn "tám lạng, nửa cân". Tuy nhiên, sau khi ông Ho từ chức SJM Holdings vào tháng 6/2018 và trao chức chủ tịch kiêm CEO lại cho cô con gái Daisy Ho thì cán cân quyền lực hơi nghiêng về phía bà Pansy Ho.

Bà Daisy Ho. Ảnh: Bloomberg

Bà Daisy Ho. Ảnh: Bloomberg

Giữa năm ngoái, khi em gái đã giữ ghế chủ tịch và CEO SJM Holdings, bà Pansy Ho tuyên bố cổ phần kết hợp của bà cùng với các anh chị em trong liên minh và Quỹ Henry Fok đã nắm giữ 53% tại Sociedade de Turismo e Diversoes de Macau, công ty kiểm soát SJM Holdings.

Trong khi đó, quyền lực và độ giàu có cá nhân của bà Leong cũng không nhỏ và chưa có dấu hiệu lép vế đáng kể. Bà Leong vẫn giữ ghế đồng chủ tịch của SJM và là giám đốc STDM. Cá nhân bà còn là một nữ tỷ phú USD.

Ngoài ra, bà còn sở hữu bộ sưu tập các bất động sản giá trị như các tòa nhà bao gồm Entertainment Building, Bank of China Insurance Tower (Hong Kong), L’Avenue Shanghai (Trung Quốc) và L’arc Macau (Macau).

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/noi-chien-gianh-tai-san-cua-gia-dinh-vua-song-bai-macau-4105662.html

 

Bạn đang đọc bài viết "'Nội chiến' giành tài sản của gia đình vua sòng bài Macau" tại chuyên mục Featured.