Nữ CEO đưa công ty từ bờ vực phá sản đến doanh nghiệp có giá cổ phiếu tăng 1.300%

01/04/2020 20:50

Kể từ khi Lisa Su trở thành CEO của AMD vào tháng 10/2014 đến nay, giá trị cổ phiếu của công ty đã tăng hơn 1.300%. Trong khi Su đang chèo lái con tàu AMD quay lại với thời kỳ thịnh vượng thì đối thủ chính của công ty, Intel, lại đang gặp phải những vấn đề.

Cho dù ở thời điểm đó, công ty đang “chảy máu” nghiệm trọng nguồn tiền mặt, gánh trên vai nhiều khoản nợ và có nguy cơ phải tuyên bố phá sản, nhưng việc trở thành CEO của công ty chuyên sản xuất chip điện tử Advanced Micro Device (AMD) lại giống như một giấc mở trở thành hiện thực đối với Lisa Su.

“Khi bạn lớn lên là một người dành tình yêu lớn cho ngành công nghệ và đã làm việc lâu năm trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, việc trở thành CEO của một công ty, trong bối cảnh nước Mỹ không có nhiều công ty sản xuất chất bán dẫn lớn, là điều hết sức hứng thú đối với tôi”, Su chia sẻ với CNN Business.

Bà thích cái cảm giác đi xung quanh một siêu thị trong hệ thống BestBuy, nhìn thấy những sản phẩm máy tính xách tay, mang trong mình sức mạnh cung cấp bởi các con chip và bộ vi xử lý sản xuất bởi công ty mà bà đang chèo lái.

Không phải ai cũng có được sự nhiệt huyết như của Lisa Su. Khi bà đảm nhận trọng trách chèo lái AMD vào năm 2014, giá cổ phiếu của công ty đang ở rất gần với mức thấp kỷ lục trong lịch sử công ty.

Nhưng Su, giờ đây là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong làng công nghệ, lại là người ưa thích những thử thách. Bà cho biết đó là lý do mà bà đã chọn trở thành một kỹ sư công nghệ trong những ngày đầu sự nghiệp. Su phải “đặt cược” vào những chiến lược đầy rủi ro, một vài trong số đó phải đến 5 năm sau mới phát huy tính hiệu quả, nhằm mục đích cứu vớt con tàu đắm AMD.

“Lý do tại sao lại lâu như vậy? Là bởi vì đây là một quá trình vô cùng phức tạp”, Su cho biết. “Dòng chip mới nhất của cúng tôi sử dụng trong các trung tâm dữ liệu là sự cấu thành của 40 tỷ bóng bán dẫn, và chúng tôi phải đảm bảo rằng từng bóng bán dẫn hoạt động một cách chính xác, do đó, quá trình sản xuất đòi hỏi rất nhiều công tác kỹ thuật”.

165-2995-1585663594.jpg

Lisa Su, người vực dậy AMD từ bờ vực phá sản. Ảnh: CNN

Su là một phụ nữ đầy học thức. Bà có bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ ngành kỹ thuật điện tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT). Bà đã quyết định rằng công ty phải có những bước tiến đột phá khi phát minh ra những công nghệ phục vụ các ứng dụng máy tính cấu hình cao. Điều đó đã giúp AMD tiến gần hơn đến những công nghệ của tương lai như điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và trò chơi điện tử.

Những công nghệ trên sẽ bùng nổ vào năm 2020. Nhưng Su mới chỉ bắt tay vào công việc từ năm 2014.

Ngành công nghiệp rủi ro

Ngành công nghiệp chất bán dẫn chắc chắn đầy rẫy những rủi ro. Mỗi chu kỳ phát triển sản phẩm mới chỉ kéo dài từ 3 đến 5 năm, do đó, các công ty phải chắc chắn một điều rằng những công nghệ mà họ đang phát triển phải đúng là những gì mà khách hàng tìm kiếm trong vòng một vài năm tới và những công nghệ này phải đánh bại được những sản phẩm đến từ các công ty đối thủ.

Ngành công nghiệp này không bao gồm khái niệm “ngủ mơ trên chiến thắng”. Các khách hàng lớn luôn yêu cầu các công ty phải có những kế hoạch dài hạn, nhằm thuyết phục họ rằng họ sẽ luôn nhận được những bản cập nhật mới nhất đồng thời là những sản phẩm mới có chất lượng cao.

“Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi trong năm 2014 đó là việc chọn đúng thị trường mà công ty có thể đáp ứng những sản phẩm tốt nhất”, Su chia sẻ. “Đó không phải là điều mà bạn làm ở một thời điểm nhất định. Bạn phải làm điều đó từng năm, từng năm một, sau khi bạn đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường”.

Những đánh cược của bà cuối cùng đã phát huy tác dụng. Hiện tại, AMD đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Kể từ khi Su trở thành CEO của công ty vào tháng 10/2014, giá trị cổ phiếu của công ty tăng đến 1.300%, cho dù, cũng giống như nhiều công ty công nghệ khác, AMD cũng là một “nạn nhân” của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung trong thời gian vừa qua, và giờ đây là dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng trên quy mô toàn cầu.

Trong tháng trước, giá cổ phiếu của AMD chạm ngưỡng cao kỷ lục ở mức 59 USD/cổ phiếu. Đây là mã cổ phiếu được đánh giá có bước tăng trưởng tốt nhất trên sàn S&P 500 trong năm 2019, khi giá trị đã tăng 150%.

284-2471-1585663594.jpg

Từ khi Su đảm nhận vị trí CEO, cổ phiếu AMD đã tăng hơn 1.300%. Ảnh: CNN

Tìm ra “sở trường” của AMD

Một vài năm trước khi Su đảm nhiệm vai trò CEO của công ty, AMD phải thực hiện những biện pháp nhằm cắt giảm chi phí thông qua việc rút khỏi một số phân khúc kinh doanh nhất định, trong đó bao gồm việc thoái vốn khỏi một nhà máy chuyên sản xuất các chất bán dẫn cho công ty.

Khi Su lên nắm quyền điều hành, một trong những quyết định quyết liệt nhất của bà đó là sàng lọc xem công ty có thể được làm những gì?

“Điều đó là rất quan trọng khi xác định được điều gì bạn có thể làm tốt nhất, chứ không phải là có bao nhiều điều bạn có thể làm được. Bạn cần xác định những lĩnh vực mà bạn có thể là những người dẫn đầu”, Su cho biết. “Đó sẽ là những lĩnh vực mà công ty sẽ dồn toàn nguồn lực. Đó có thể coi là DNA của công ty, qua đó chúng tôi có thể nâng công ty lên một tầm cao mới”.

Thực hiện được kế hoạch đó đồng nghĩa với việc công ty phải tìm ra những lĩnh vực mà AMD có thể giữ vai trò tiên phong. Công ty đã chọn phương án không theo đuổi việc phát triển những công nghệ phục vụ cho các sản phẩm như điện thoại thông minh hoặc các cảm biến sử dụng trong các cỗ máy “internet vạn vật”. Bà không phủ nhận đó là những lĩnh vực đầy hứa hẹn, nhưng tiếc rằng chúng lại không nằm trong khả năng của AMD.

Thay vào đó, công ty quyết định “đặt cược” vào những cấu trúc máy tính cấu hình cao, trong đó bao gồm việc phát triển các bộ vi xử lý đầy sức mạnh, những con chip đồ họa phục vụ cho các tựa game nặng, trí tuệ nhân tạo, siêu máy tính và nhiều công nghệ tiên tiến khác. AMD đang cho phát triển những con chip có hiệu năng cao, trong khi đó, lại có giá thành dễ chịu hơn so với các công ty đối thủ.
Chiến lược này rất quan trọng đối với một công ty vốn trong quá khứ vẫn loay hoay đi tìm hướng đi của riêng mình trên một thị trường bị áp đảo bởi một vài doanh nghiệp lớn.

Các sản phẩm của AMD có chất lượng tốt đến nỗi bộ Năng lượng Mỹ đã chọn những con chip của công ty cho dự án siêu máy tính của mình tại phòng thí nghiệm quốc gia Oak Rigde. Công nghệ của công ty cũng trợ giúp đắc lực cho hệ thống siêu máy tính đang được triển khai tại phòng thí nghiệm Lawrence Livermor. Đây sẽ là hệ thống máy tính giúp chống lại các vụ tấn công hạt nhân.

Tick Tock

Các công ty hoạt động trong ngành công nghiệp chất bán dẫn từ lâu đã không còn xa lạ gì với thuật ngữ “chu kỳ phát triển tick tock”, ý ám chỉ thời gian của mỗi chu kỳ phát triển sản phẩm sẽ diễn ra rất nhanh chóng.

Các công ty sẽ thay phiên nhau thực hiện 2 công đoạn cải thiện quá trình sản xuất các sản phẩm chip và nâng cấp những chi tiết thiết kế bên trong mỗi con chip. Theo cách đó, nếu như có sự cố xảy ra, các công ty sẽ dễ dàng phát hiện ra phần nào của hệ thống đang hoạt động “lạc nhịp”.

Nhưng AMD từng là một công ty bên bờ tuyệt vọng, hy vọng bùng nổ luôn tiềm ẩn trong suy nghĩ của họ, do đó, công ty này đã quyết định áp dụng cả 2 quá trình trên cùng một lúc, nhằm tạo ra một danh mục sản phẩm hoàn toàn mới.

“Họ đã chơi một ván bài lớn với các công nghệ xử lý, cấu trúc và khâu đóng gói”, theo Hans Mosesmann, Giám đốc công ty Rosenblatt Securities.

“Đó là điều mà không phải lúc nào bạn cũng có thể làm được. Ngay từ đầu, các khách hàng tiềm năng  của công ty đã phải đặt ra câu hỏi rằng liệu công ty có thể hiện thức hóa được kế hoạch đầy tham vọng của mình không?.

“Có một số điểm khiến họ bị thuyết phục”, Su cho biết. “Hãy để tôi nói cho các bạn biết điều mà chúng tôi sẽ làm và nó sẽ mất khoảng 3 năm trước khi chúng ta nhìn thấy những thành quả đầu tiên, nhưng tôi sẽ luôn chia sẻ với các bạn, cho các bạn thấy những gì chúng tôi đang làm”, Su chia sẻ. “Đó thực sự là những gì chúng tôi đã làm”.

3100-1229-1585663594.jpg

AMD vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển. Ảnh: CNN

AMD đã cho ra mắt thế hệ đầu tiên các danh mục sản phẩm mới sau những nỗ lực kể trên, trong đó bao gồm bộ vi xử lý máy tính để bàn Ryzen và bộ vi xử lý hệ thống mạng có tên Epyc, trong năm 2017. Công ty cũng đã cho ra mắt thế hệ thứ 3 bộ vi xử lý Ryzen trong năm 2019.

“Những thế hệ đầu tiên của Ryzen và Epyc giống như “Okay, chúng tôi nghĩ anh đã làm khá tốt? Tiếp theo sẽ là gì”, thì thế hệ thứ hai, đã hoàn toàn chinh phục thị trường rằng AMD hoàn toàn nghiêm túc trong công tác phát triển sản phẩm.

Công ty lên kế hoạch cho ra mắt thế hệ Epyc thứ 3 phục vụ các trung tâm dữ liệu vào cuối năm nay.

AMD và Intel

Trong khi Su đang chèo lái con tàu AMD quay lại với thời kỳ thịnh vượng thì đối thủ chính của công ty, Intel, lại đang gặp phải những vấn đề.

Intel đang phải chật vật trong công tác chuyển từ các dòng sản phẩm chip 14 nm sang các dòng chip 10 nm. Trong quá trình này, nguồn cung các loại chip 14 nm của công ty sử dụng trong các sản phẩm máy tính cá nhân không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường, buộc công ty đã phải đưa ra lời xin lỗi đến các khách hàng.

Trong khi đó, AMD đã đưa ra thị trường dòng sản phẩm chip 10 nm với sức mạnh tương đương với các sản phẩm chip 14 nm. Họ cũng đã xây dựng nên một quy trình sản xuất, cho phép công ty giữ chi phí sản xuất ở mức thấp.

Những thách thức của Intel đã tạo cơ hội cho AMD trỗi dậy và chiếm lấy “miếng bánh” to hơn trên những thị trường chủ chốt.

“Sự thiếu quyết đoán của Intel cũng như những nỗ lực không ngừng nghỉ của AMD chính là yếu tố quyết định thị phần của mỗi công ty trên thị trường trong vài năm tới”, Mosesmann cho biết. “Tôi sẽ không hề cảm thấy ngạc nhiên nếu như AMD có thể chiếm lĩnh đến 50% thị phần thị trường trung tâm dữ liệu”.

Thị trường trung tâm dữ liệu là một trong những ưu tiên của AMD, khi mà ngày càng có nhiều các doanh nghiệp mong muốn chuyển các hoạt động của mình lên nền tảng đám mây, và các công nghệ thế hệ mới, ví dụ như 5G, sẽ bùng nổ trong tương lai.

Đó là một thị trường có giá trị lên đến từ 20 tỷ USD đến 30 tỷ USD đối với các doanh nghiệp chất bán dẫn trong vòng vài năm tới, theo Mosesmann.

Thử thách tiếp theo: Covid-19

Covid-19, và những thiệt hại do dịch bệnh đã ảnh hưởng nặng nề lên các nền kinh tế trên toàn cầu, đã đặt ra những câu hỏi về tương lai của nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, Krewell cho biết, các công ty chất bán dẫn sẽ được hưởng lợi vì quy trình sản xuất các sản phẩm của họ hầu như đã được tự động hóa.

Trong ngắn hạn, Covid-19 có thể mang lại những điểm tích cực cho công ty khi mà ngày càng có nhiều người chọn các sản phẩm máy tính và các trò chơi, trong đó sử dụng các con chip của AMD, để phục vụ nhu cầu công việc và giải trí, Krewell cho biết.

AMD vẫn còn rất nhiều dư địa để có thể phát triển trong một vài năm tới.

“Đó thực sự là một canh bạc “liều ăn nhiều” và mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục khiến các khoản đặt cược của mình phát huy hiệu quả qua từng năm”, Su cho biết.

“Tôi tự hào về những gì mình đã làm được trong 5 năm vừa qua. Thị trường trong vòng 5 năm nới chắc chắn sẽ khốc liệt hơn, và chúng tôi tiếp tục phải đặt cược. Chúng tôi đã quá quen với điều này trong quá khứ. Mỗi ngày chúng tôi đều trao đổi về việc: làm thế nào chúng tôi có thể xây dựng được một lộ trình phát triển cho tương lai? Và đó là thế giới của chúng tôi”, bà chia sẻ.

Trọng Đại/NDH