Nữ doanh nhân Phương Thảo: 'Tôi từng lang thang vì hết tiền'

11/03/2019 02:27

Thị trường thực phẩm hữu cơ có tiềm năng lớn nhưng để chinh phục được người tiêu dùng không dễ.

Thị trường thực phẩm hữu cơ có tiềm năng lớn nhưng để chinh phục được người tiêu dùng không dễ.

“Từng có những lúc tôi đi lang thang, bất định ngoài đường vì không còn tiền và không nhìn thấy lối ra cho công ty”. Bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Organica (sở hữu chuỗi cửa hàng hữu cơ Organic), chia sẻ như vậy khi trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM về chặng đường đầy khó khăn khi dấn thân vào lĩnh vực sản xuất hữu cơ.

Từng có lúc bế tắc

. Phóng viên: Thưa bà,những thăng trầm kinh doanh thường “đồng hành” với những người khởi nghiệp. Vậy với bà thì sao?

+ Bà Phạm Phương Thảo: Khởi nghiệp đã khó khăn mà chọn làm hữu cơ còn khó hơn. Tôi bắt tay làm sản phẩm hữu cơ từ năm 2013 và trải qua một chặng đường có thể được xem đã có lúc đi đến đáy. Đến giữa năm 2015 thì hết sạch tiền, không còn sự trợ giúp và tôi nghĩ đến chuyện đóng cửa công ty.

Nhưng đến cuối năm 2015, sau khi tiêu tốn nhiều nguồn lực, thời gian để đáp ứng các điều kiện về chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ - những tiêu chuẩn phổ biến và khắt khe nhất trên thế giới, công ty bắt đầu hồi sinh. Bởi vì khách hàng đã có niềm tin là mình làm hữu cơ thật, từ đó giúp công ty có nhiều khách hàng hơn.

Cũng trong năm 2015, trang trại rau hữu cơ Organica Long Thành (Đồng Nai) được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu. Đây là trang trại rau nhiệt đới đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận này.

. Được biết bà từng bán nhà để tiếp tục duy trì con đường kinh doanh hữu cơ?

+ Đúng vậy. Có thời điểm tôi hoang mang, trăn trở, suy nghĩ nhiều lắm. Thậm chí không biết mình phải bắt đầu từ đâu, đi con đường nào cho đúng hướng.

Bà Phạm Phương Thảo: “Từng có thời điểm tôi mất phương hướng, không biết mình phải bắt đầu từ đâu cho đúng”. Ảnh: QUANG HUY

May mắn là đến nay, ngoài chuỗi cửa hàng hữu cơ chúng tôi đã có hơn 10 trang trại gồm đầu tư trực tiếp và liên kết canh tác rau củ quả hữu cơ có chứng nhận hữu cơ quốc tế hoặc đang trong quá trình chuyển đổi.

. Vậy đến thời điểm này, bà có nghĩ công ty của mình đã thật sự mạnh vì đã bắt tay được với đối tác nước ngoài mà mới nhất là một quỹ đầu tư lớn của Mỹ?

+ Không đơn giản như mọi người thấy hai bên bắt tay tươi cười hợp tác dưới sự chứng kiến của giới truyền thông đâu.

Thực ra đến năm 2016, chúng tôi khởi sắc về doanh thu. Lúc đó nhiều nhà đầu tư quốc tế đến tìm hiểu và đặt vấn đề hợp tác. Tuy vậy, sự xúc tiến hợp tác giữa các bên chưa thể diễn ra vì quy mô công ty còn quá nhỏ, không đáp ứng được các quy định đầu tư của họ. Nhưng từ giữa năm 2016, Quỹ đầu tư SEAF (Mỹ) tiếp cận chúng tôi. Lúc đầu tôi cũng không để ý vì đã quá nhiều lần gặp các quỹ đầu tư mà không đi đến đâu. Do vậy tôi vẫn có ý định tiếp tục một mình bươn chải, cố gắng, nỗ lực để đưa kinh doanh công ty đi đúng hướng.

Tuy nhiên, khi đọc thư mà họ gửi có dòng sứ mệnh và tầm nhìn của quỹ hướng đến phụ nữ làm chủ và những công ty có nhiều phụ nữ tham gia, có tác động tốt đến môi trường và xã hội; chỉ mỗi dòng giới thiệu về quỹ như vậy, tôi quyết định gặp gỡ họ. Đến giữa năm 2018, tôi quyết định chấp nhận các điều khoản và để họ đi vào kiểm toán công ty.

Con đường phía trước còn rất dài và nhọc nhằn

. Việc hợp tác với một quỹ lớn như vậy hẳn không dễ dàng, thưa bà?

+ Đúng vậy. Tôi để cho họ thoải mái làm theo cách của quỹ đầu tư, nghĩa là dẫn họ đi phỏng vấn từ nông dân cho đến cấp quản lý, minh bạch mọi số liệu và mình cũng nói hết những điểm yếu, điểm mạnh của công ty. Tôi nhận thấy quỹ rành mạch, rõ ràng trong từng chi tiết nhưng cũng vừa sẵn sàng lắng nghe câu chuyện phát triển của doanh nghiệp. Do đó, tôi cảm thấy được chia sẻ và hai bên có sự đồng cảm, thấu hiểu nhau hơn.

Trước khi gặp gỡ quỹ đầu tư, tôi cũng thuê công ty kiểm toán nội bộ. Khi nhìn vào báo cáo kiểm toán, tôi nhận thấy trên đó còn quá nhiều thứ mang đậm dấu ấn cá nhân và gia đình, chưa thật sự chuyên nghiệp. Có thời điểm công ty tôi sống dựa trên dòng tiền mà lại không biết mình đang lỗ bao nhiêu, mình có lợi nhuận bao nhiêu.

. Có quỹ đầu tư đồng hành và có nguồn lực, vậy “chướng ngại vật” nào khó nhất mà thực phẩm hữu cơ đang phải đương đầu, thưa bà?

+ Hữu cơ là lĩnh vực có tiềm năng do thu nhập người tiêu dùng tăng lên, quan tâm hơn các vấn đề về sức khỏe cho chính mình và gia đình. Nhưng vẫn còn quá nhiều rào cản để mọi người tiếp cận và hiểu về sản phẩm hữu cơ. Tôi từng chứng kiến những ông bố, bà mẹ mua chút thực phẩm hữu cơ cho con nhỏ của mình nhưng sau đó khi con lớn lên một chút họ quay lại những sản phẩm thông thường, vì thu nhập hoặc vì giá cả sản phẩm hữu cơ đang còn cao.

Do vậy, tôi nhận thấy không phải có tiền là có thể làm nhanh được mọi thứ mà phải đi từng bước vì còn liên quan rất nhiều đến nhận thức của người tiêu dùng. Đáng mừng là ngày càng nhiều doanh nghiệp cũng làm organic, thị trường sôi động hơn. Từ đó giúp lan tỏa nhận thức đến người tiêu dùng hơn, thay đổi cách sống, chú trọng nhiều hơn cho sức khỏe.

. Xin cám ơn bà.

“Tôi may mắn luôn có gia đình bên cạnh”

Bà Thảo kể hồi đầu, bà cũng dằn vặt nhiều lắm vì ít có thời gian dành riêng cho gia đình. Có một lần công ty đi du lịch, bà đưa chồng con đi cùng. Lúc đó, có một bạn hỏi chồng bà: “Chị đi suốt như thế thì làm gì có thời gian chăm sóc anh lẫn em bé?...”. Lúc đó bà cũng khựng lại. Quả thật không phải không nghĩ đến điều đó nhưng cứ lao theo công việc và cảm thấy hối lỗi với điều đó, không thoải mái tư tưởng dù chồng bà rất ủng hộ.

Trang trại trồng rau hữu cơ của Công ty Cổ phần Đầu tư Organica. Ảnh: PM

“Tôi cảm thấy rất may mắn khi luôn có gia đình bên cạnh những lúc khó khăn nhất. Đã có thời điểm tôi không còn một đồng nào nên không dám đến cửa hàng vì sợ đối mặt với nhân viên, sợ nghe nhân viên nói hôm nay đến hạn thanh toán cho người này, trả tiền cho nhà cung cấp kia mà mình lại không có tiền. Vậy là mình cứ đi lang thang ngoài đường.

Lúc đó mình chỉ dám nhắn tin cho chồng và chồng chạy đến đưa mình về. Mọi việc lại êm thấm!” - bà Thảo cười.

PHƯƠNG MINH - QUANG HUY thực hiện

Theo PLO