Ông chủ lò bánh mì bỏ mối khắp các tỉnh miền Tây ở tuổi 24

15/08/2019 07:21

Mỗi ngày lò bánh mì của Phan Dương Nhật Hảo (24 tuổi) sản xuất được 3.000-4.000 bánh, cung cấp nhiều tỉnh miền Tây, mỗi tháng thu lãi hơn 60 triệu đồng.

Mỗi ngày lò bánh mì của Phan Dương Nhật Hảo (24 tuổi) sản xuất được 3.000-4.000 bánh, cung cấp nhiều tỉnh miền Tây, mỗi tháng thu lãi hơn 60 triệu đồng.

Phan Dương Nhật Hảo, ông chủ lò bánh mì ở tuổi 24 - Ảnh: Lê Nam

Nhà có điều kiện nhưng… tự thích kinh doanh

Bố mẹ đều là cán bộ, cậu ruột là giám đốc một công ty dược lớn ở Đồng Tháp, Phan Dương Nhật Hào, 24 tuổi, cử nhân ngành Nuôi trồng thủy sản, Trường ĐH Đồng Tháp, được bố mẹ định hướng chỉ cần học xong là có việc làm ổn định. Nhưng Hảo khước từ và muốn tự thân khởi nghiệp theo con đường kinh doanh.

“Mình thích kinh doanh từ năm nhất ĐH. Khi đó mình có hứng thú với công việc buôn bán, nhập hàng hóa. Những gì liên quan đến kinh doanh mình đều thử qua và làm từ năm nhất ĐH đến bây giờ”, Hảo nói.

Hảo trong một dứ án khởi nghiệp khi còn là sinh viên của Trường ĐH Đồng Tháp - Ảnh: Lê Nam

Lúc sinh viên, thay vì đi làm thêm như nhiều bạn khác, cậu tự lên Sài Gòn nhập trang sức về bán. Sau đó, cậu cũng rủ bạn bè cùng tham gia nhiều mô hình khởi nghiệp của các anh chị đi trước tại tỉnh nhà. Từ làm mứt vỏ trái cây, làm trà thanh nhiệt giải độc cho đến dự án làm nhang sinh học của một cô giáo cấp 2… cậu đều góp sức.

Sau khi trừ hết chi phí sản xuất, nhà xưởng, nhân công, mỗi tháng thu nhập của cậu dao động từ 60-100 triệu đồng - Ảnh: Lê Nam

Cách đây 2 năm, sau khi tốt nghiệp ĐH, Hảo không đi theo con đường đã vạch sẵn hoặc làm đúng ngành nghề mà khởi nghiệp với một xe bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ. Bố mẹ Hảo là người phản đối rất nhiều. “Học thủy sản mà đi bán bánh mì, nghĩ gì thế con?”, cậu vẫn nhớ như in lời bố nói.

Video: Quang cảnh làm việc tại lò bánh mì của ông chủ 24 tuổi - Ảnh:

9X quyết tâm làm bằng được để chứng minh cho bố mẹ thấy lựa chọn theo con đường kinh doanh của cậu là đúng đắn. Cửa hàng đầu tiên của Hảo mở tại Vĩnh Long cùng một người bạn buôn bán rất thuận lợi. Sau đó, cậu nhượng lại và về Sa Đéc (Đồng Tháp) mở một xe bánh mì khác gần nhà. Mỗi ngày Hảo bán được từ 600-700 cái bánh mì kẹp thịt. Món bánh có xuất xứ từ đất nước khinh khí cầu được “thuần việt”, với đế bánh giòn và hương vị từ thịt nướng thơm ngon hấp dẫn khẩu vị của người địa phương. Đến nay, Hảo mở thêm một xe bánh mì tại Tân Châu, An Giang, lượng khách đến ăn cũng khá đông.

Thị trường rộng khắp miền Tây

Số tiền thu được qua vài năm tập tành kinh doanh được Hảo đổ dồn cho lò bánh mì mới mở được 2 tháng tại Cần Thơ. Lò bánh với 5 nhân công, đều là các bạn còn rất trẻ, có người là bạn học của Hảo. Mỗi ngày công suất của lò từ 3.000-4.000 chiếc. Không chỉ cung cấp nguyên liệu cho 2 cửa hàng của mình tại Đồng Tháp và An Giang, lò bánh của Hảo còn cung cấp cho nhiều tỉnh miền Tây, như Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tiền Giang, Kiên Giang… cho đến cả Phú Quốc.

“Hiện tại vào mùa hè nên công suất đạt chưa cao, khi năm học mới bắt đầu, các bạn học sinh đi học lại, doanh thu hằng ngày có thể gấp đôi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, Hảo nói.

Mỗi ngày lò bánh sản xuất từ 3.000-4.000 chiếc - Ảnh: Lê Nam

Mai Phước Trí, hiện làm việc cho Hảo, ho biết tại lò bánh, Trí vận chuyển bánh ra bến xe Cần Thơ để chuyển cho khách hàng tỉnh mỗi ngày. Trí cũng phụ Hảo thêm nhiều việc không tên khác tại lò bánh. Trí và Hảo gắn bó với nhau từ thời sinh viên, cùng tham gia nhiều dự án khởi nghiệp, cùng trải qua nhiều biến cố nhưng cũng không ít câu chuyện thú vị.

Những chiếc đế bánh mì kẹp mới ra lò - Ảnh: Lê Nam

“4 năm trước Hảo chỉ là một sinh viên, 4 năm sau đã là một ông chủ. Tương lai sẽ đi xa hơn. Cách làm việc của Hảo, mình học được nhiều điều, từ chí tiến thủ, sự lanh lợi trong suy nghĩ… Ngoài đời, Hảo sống giản dị, vui tính và hòa đồng với anh em”, Trí nói.

Lò bánh cung cấp cho nhiều tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tiền Giang, Kiên Giang... - Ảnh: Lê Nam

Ở tuổi 24, với việc sở hữu 1 lò bánh mì và quản lý 2 cửa hàng bánh mì kẹp Thổ Nhĩ Kỳ tại Đồng Tháp và An Giang, Hảo cho biết sau khi trừ hết chi phí sản xuất, nhà xưởng, nhân công, mỗi tháng thu nhập của cậu dao động từ 60-100 triệu đồng. Hầu hết công việc sản xuất Hảo đều giao cho nhân viên và tập trung quản lý, đồng thời chuẩn bị cho những dự định mới.

“Sau khi mình làm được hơn 2 năm thì cũng có những thành quả đầu tiên. Bố mẹ không còn phản đối mà đã bắt đầu đồng ý và ủng hộ mình trong con đường kinh doanh”, ông chủ tuổi 24 mỉm cười nói.

Lê Nam