Ông Đặng Văn Thành: ‘Cuộc đời tôi giống như những đốt của cây mía’

29/01/2020 00:35

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công là một trong những doanh nhân hiếm có được công nhận thành công trên nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, từ tài chính, ngân hàng tới nông nghiệp, bất động sản. Nói về cuộc đời mình, ông Thành ví như những đốt của cây mía, phải vấp váp mới trưởng thành.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công)

Mất tiền là chưa mất gì hết

Nếu bạn đã từng nghe một ai đó nói “mất tiền là chưa mất gì hết” hẳn sẽ rất ít người tin rồi phẩy tay cho rằng sáo rỗng. Nhưng nếu bạn đã từng nghe câu này từ chính ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, cựu Chủ tịch Sacombank thì bạn sẽ tin đó là sự thật, bởi cuộc đời của ông Thành chính là minh chứng chắc chắn nhất cho câu nói ấy.

Ông Đặng Văn Thành từng ví "cuộc đời mình giống như những đốt của cây mía". Cho tới thời điểm hiện tại, khi ông Thành đã 60 tuổi - đã qua bên kia sườn dốc cuộc đời, câu nói này có lẽ vẫn đúng.

Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960, là người Việt gốc Hoa, gia đình truyền thống làm nghề đông y nhưng ông lại mang trong mình máu kinh doanh từ nhỏ. Ông tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh rồi khởi nghiệp với cở sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỉ đường từ cuối thập niên 1980 – tiền thân của Tập đoàn Thành Thành Công ngày nay.

Đến năm 1989, ông Thành bắt đầu bước chân vào làng tài chính với vai trò Chủ nhiệm hợp tác xã Tín dụng Thành Công. Cũng từ đây ông tham gia sáng lập Ngân hàng Sacombank với số vốn điều lệ 3 tỷ đồng, từ đó dày công xây dựng ngân hàng này trở thành ngân hàng thương mại cổ phần phát triển mảng bán lẻ lớn nhất Việt Nam một thời.

Nhớ lại Sacombank thời hoàng kim, ông Thành cho biết: "Hồi ấy có nhiều cơ hội kinh doanh và Sacombank trở thành ngân hàng tiên phong niêm yết vào năm 2006. Nói đến niêm yết là nhắc về một cuộc chơi đẳng cấp". Không chỉ tiên phong niêm yết cổ phiếu, Sacombank cũng là ngân hàng đầu tiên lập công ty quản lý quỹ và công ty cho thuê tài chính.

“Ngân hàng là nghề mà tôi say sưa lắm, những gì cao quý nhất tôi sẵn sàng dành hết cho nó. Tôi không dám nói mình thành công, nhưng tôi tự hào là gần 80% giáo viên của cả nước là khách hàng của Sacombank, gần 80% nhà vệ sinh công cộng tiêu chuẩn bốn sao là của Sacombank xây dựng”, ông Thành nói.

Được biết, khi vận hành Sacombank, ông Thành thường chỉ tuyển người mới về đào tạo chứ không lấy người của ngân hàng khác. Nên một thành công nữa của ông Thành là đội ngũ cán bộ ngân hàng do đích thân Sacombank đào tạo trở thành nguồn cung ứng nhân sự lớn cho ngành ngân hàng về sau.

Yêu ngành ngân hàng, yêu Sacombank tới như vậy, nhưng rồi lại đến một ngày ông bị chính người bạn - người đã được ông dạy cho cách làm ngân hàng “hất cẳng” ra khỏi Sacombank một cách âm thầm và đầy đau đớn. Đó là cuộc chiến giành giật cô "hoa hậu" của làng ngân hàng Sacombank trong suốt 2 năm giữa nhóm ông Thành và một nhóm "bí ẩn" (sau này khi ngã ngũ nhóm ông Trầm Bê mới lộ diện).

Sinh ra và lớn lên ở Trà Vinh trong một gia đình khó khăn, dù không am tường chữ nghĩa nhưng ông Trầm Bê đã bắt đầu dấn thân vào con đường kinh doanh và tạo nên một đế chế vững mạnh trong nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật có đồ gỗ và bất động sản. Sau khi đạt được không ít thành công, vào năm 2004, đại gia gỗ và bất động sản Trầm Bê dù không có nghề ngân hàng nhưng nhờ có tiền đã trở thành thành viên HĐQT Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).

Ông Thành là người đã hướng dẫn và hỗ trợ ông Bê bước vào ngành ngân hàng. Cái bắt tay lớn nhất của cả hai vị doanh nhân này bắt đầu từ thời điểm ông Trầm Bê mời ông Thành làm người giảng dạy cho cán bộ nhân viên Southern Bank lúc thời điểm những năm 2004 - 2005.

Từ giữa năm 2011, trên thị trường bắt đầu ồn ào những đồn đoán xung quanh việc Sacombank bị một nhóm nhà đầu tư nội thâu tóm. Giai đoạn 2011-2012, một cuộc rượt đuổi tranh giành quyền kiểm soát đã diễn ra giữa 2 bên: Thâu tóm là Trầm Bê và phòng thủ là ông Đặng Văn Thành.

Sau nhiều chiêu thức, thương vụ sát nhập Southern Bank và Sacombank đã hoàn tất, "ván cờ" kết thúc cũng là lúc tình bạn thân thiết nhiều năm giữa hai doanh nhân gốc Hoa này thực sự chấm dứt.

Trong những năm đầy biến động đó, ông Đặng Văn Thành cùng tập thể lãnh đạo chủ chốt phải rời Sacombank trước sự tấn công vũ bão của nhóm ông Trầm Bê được cho là đã gom đủ 51% cổ phần. Hàng loạt các thông tin không mấy tích cực ảnh hưởng tới uy tín của ông Đặng Văn Thành, nhất là về các khoản dư nợ của nhóm doanh nghiệp liên quan Tập đoàn Thành Thành Công của gia đình ông.

Khi ông Thành rời đi (năm 2012), Sacombank lãi 4 nghìn tỷ với quy mô 417 chi nhánh, 9 công ty thành viên, quy mô hoạt động trên 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia.

Mất Sacombank, ông Thành chưa lúc nào thôi day dứt và luôn nhận là người có lỗi khi không thể giữ được ngân hàng do mình sáng lập và dày công chăm sóc. Có nhiều đồn đoán ở thời điểm đó cho rằng ông Thành phải nhập viện vì suy sụp, “mất tích” và tưởng rằng sự nghiệp của doanh nhân tuổi Canh Tý tới đó là chấm dứt. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau ông Thành đã chứng minh điều ngược lại, đúng như ông từng nói “mất tiền là chưa mất gì hết”.

Một nhà quản trị biết trồng mía

(Nhà quản trị ở đây là nhà quản trị giỏi và trồng mía là trồng mía thật như một anh nông dân).

Nếu ai đã từng được nghe ông Thành chia sẻ về những kinh nghiệm quản trị ngân hàng, vận hành cỗ máy hàng chục nghìn tỷ với nhiều nghìn lao động dưới quyền thì có thể khẳng định rằng ông là một nhà quản trị giỏi, chuyên nghiệp và bản lĩnh.

Sau khi đánh mất "đứa con" đã phải dành biết bao tâm huyết Sacombank, ông Thành quay trở lại với pháp nhân lõi là Tập đoàn Thành Thành Công. Ở thời điểm đầu năm 2019, ông Thành cho biết, đang quản lý 5 lĩnh vực với quy mô đa ngành, vốn điều lệ của Thành Thành Công đạt khoảng 18 nghìn tỷ đồng…nhưng ông vẫn có thời gian chơi golf .

Tại nhiều buổi chia sẻ với doanh nghiệp SME và Startup, ông Thành hay nói về 5 điều tạo nên giá trị của doanh nghiệp tư nhân: Một là tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội qua cân bằng cán cân thương mại; hai là tạo giá trị gia tăng cho khách hàng, để tạo năng lực cạnh tranh; ba là tạo giá trị gia tăng cho nhân viên; bốn là tạo giá trị giá tăng cho nhà đầu tư và thứ 5 là phải nộp ngân sách nhà nước, đóng góp cho cộng đồng xã hội.

Ngoài ra, ông còn chia sẻ 12 nguyên tắc đối với quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp và hiệu quả với những điểm nhấn rất rõ nét.

Đọc và nghe những chia sẻ của ông Thành người ta sẽ hiểu tại sao ông Thành có thể vận hành ngân hàng Sacombank từng thành công tới như vậy, và tiếp theo là Thành Thành Công.

Không những chỉ là một nhà quản trị giỏi cả về lý thuyết và thực tiễn, ông Thành còn được biết đến là một anh nông dân chính hiệu khi kể vanh vách về nghề trồng mía.

Hưởng ứng chương trình cổ phần hoá các doanh nghiệp đường của Nhà nước vào cuối năm 1980, từ nhà thương mại, ông Thành chuyển sang sản xuất với điều kiện tiên quyết phải sở hữu vùng nguyên liệu.

Trong khi thị trường thường “quen” với các thương vụ doanh nghiệp nước ngoài mua doanh nghiệp Việt, thì năm 2007, ông Đặng Văn Thành lại đi ngược, khi mua 2 nhà máy đường của nhà đầu tư Pháp là Bourbon Tây Ninh và Bourbon Gia Lai.

Dựa trên cánh đồng mẫu lớn, tăng tỷ lệ cơ giới hoá, ông Thành đã sử dụng chu trình sản xuất khép kín để mọi thành phần cấu tạo nên cây mía đều có thể dùng được. “Mía là một loại cây chung thuỷ, đền ơn cho nông dân tức khắc, ngay khi đốn mía bán cho nhà máy phát điện sinh khối. Vừa đem cây mía vô là ra điện cho dân xài. Rồi tôi nghĩ đến việc sản xuất rỉ ra cồn, tách 10% CCS (chữ đường) ra làm đường cát, 90% còn lại được tách ra làm nước mía đóng chai”, ông Thành chia sẻ.

Thành Thành Công còn tự nghiên cứu lai tạo ra giống mía phù hợp cho từng khu vực tùy theo điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng. Trong quá trình canh tác, để giảm sử dụng thuốc trừ sâu, ông Thành còn thành lập cả CTCP Nghiên cứu Ứng dụng Mía đường TTC.

Ông kể về phương pháp “cày sâu 6 tấc” học được từ người Thái đã giúp năng suất bình quân mỗi ha mía tăng thêm 5 tấn so với trước đây. Với giải pháp này, cây mía không chỉ tận dụng tối đa dinh dưỡng trong lòng đất, mà khi rễ bén sâu, cây mía có thể đứng vững, giữ nước, giữ độ ẩm, thì ít cần phải thay gốc trong vụ kế tiếp.

“Cây mía cũng như con người, cơ thể khoẻ mạnh, sức đề kháng cao thì không có bệnh và đó là điều kiện tiên quyết để đạt năng suất cao. Những kỹ thuật này phải đi học chứ có trên trời rơi xuống đâu. Nông dân mình ngày xưa thiếu thông tin này, còn những người làm ngành mía đường cũng không học vì thời đó sản xuất còn thuộc doanh nghiệp Nhà nước”, ông Thành nói.

Kinh doanh là sản xuất ra sản phẩm thị trường cần, vì vậy, để đáp ứng nhu cầu thị trường, TTC có đường đen nữ hoàng làm trà sữa, đường que, đường phèn, đường organic,… Ông Thành khẳng định, tại Việt Nam, hầu hết đường que uống cà phê đều do TTC cung cấp. Mỗi năm TTC có khoảng 1,6-1,7 triệu tấn đường được sản xuất, trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 1,5 triệu tấn còn xuất khoảng 200.000 tấn.

Nếu được nghe ông Thành kể về cây mía và cách trồng mía, mấy ai nghĩ rằng ông đang là ông chủ vận hành doanh nghiệp có giá trị lên tới 18 nghìn tỷ đồng.

So sánh cuộc đời mình với cây mía, ông Thành cho biết, "nhiều người nghĩ tù tội mới là thất bại, khái niệm thất bại của tôi rộng hơn nhiều. Một dự án đầu tư không thành công cũng là thất bại. Tôi có quá nhiều thất bại. Cuộc đời tôi giống như những đốt của cây mía, phải vấp váp thì mới trưởng thành, nhưng vấp thôi, không được ngã".

Vẫn thiếu một mảnh ghép

Tuột tay Sacombank nhưng ông Thành chưa bao giờ nguôi suy nghĩ trở lại với nghề buôn tiền. Ông vẫn đầy nhiệt huyết, đam mê, say sưa khi kể về Sacombank những ngày còn rực rỡ. Vào những năm 2016, 2017 chia sẻ tại các diễn đàn, ông cũng không ngần ngại cho biết “sẵn sàng trở lại ngân hàng khi có cơ hội”.

Thời gian gần đây, có nhiều đồn đoán cho rằng ông có thể trở thành thành viên HĐQT Sacombank – ngồi chung thuyền với ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, điều đó mới chỉ dừng lại ở mức “đồn đoán”.

Đến thời điểm hiện tại, Thành Thành Công đang vận hành trên 5 lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế với những slogan rất ấn tượng “Nông nghiệp là nền tảng, bất động sản là mái ấm, du lịch là xu hướng, năng lượng là nhu cầu, giáo dục là tương lai”.

Về mía đường, Thành Thành Công đang đầu tư 9 nhà máy và vùng nguyên liệu 62 ngàn hecta đất vừa là chủ sở hữu, vừa đầu tư cho nông dân, chiếm khoảng gần 50% thị phần trong nước về đường với thương hiệu nổi tiếng như Đường Boutbon Tây Ninh, Đường Biên Hòa, Đường Ninh Hòa, Đường Phan Rang, Đường Nước Trong, Đường La Ngà…

Về năng lượng, Thành Thành Công dành hết ngân sách, nhân lực và tài lực cho năng lượng sạch, sản xuất điện sinh khối từ bã mía. Cây mía, cây dừa đã được Thành Thành Công tận dụng hết từ chính phẩm đến phụ phẩm, tạo ra những sản phẩm mang tính cạnh tranh cao trong xu hướng trở lại với sản phẩm sạch, organic. Bốn năm trước Thành Thành Công đã chuẩn bị rất kỹ cho đầu tư điện mặt trời và điện gió, sở hữu 13 nhà máy thủy điện, và đang chuẩn bị làm điện gas cùng với đối tác nước ngoài.

Về du lịch, cơ hội đất nước chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường đã giúp Thành Thành Công đón đầu được thị trường vốn, dành nguồn ngân sách lớn tham gia chương trình cổ phần hóa của chính phủ, để đầu tư du lịch theo mô hình khép kín khác biệt với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, vừa có những không gian thiên nhiên rộng lớn như Thung lũng tình yêu, Tà Cú, vừa có khách sạn cao cấp và trung cấp phục vụ đủ mọi phân khúc du lịch, lữ hành.

Thành Thành Công cũng đầu tư khép kín từ mẫu giáo đến cao đẳng, đại học, với chiến lược dài hơi từ này đến 2025, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phục vụ từ nông thôn đến thành thị.

Về đầu tư bất động sản, Sacomreal mà nay đổi tên thành TTC Land là đơn vị hạt nhân. Thành Thành Công đang chuẩn bị sáp nhập hàng loạt các doanh nghiệp có liên quan đến bất động sản về một đầu mối thành Tổng công ty địa ốc Thành Thành Công Land, với ba KCN lớn nhất ở Trảng Bàng, Phú Quốc.

Tuy nhiên, trong hệ sinh thái của Thành Thành Công có lẽ đang thiếu một mảnh ghép, cũng là một thế mạnh rất lớn của ông Thành đó là tài chính, ngân hàng. Đây có lẽ là mảnh ghép lớn cuối cùng sẽ được ông Thành sử dụng để hoàn thiện bức tranh.

Tại Hội nghị tổng kết Sacombank cuối năm 2019, ông Dương Công Minh nói “vẫn là Thành Sacombank” và ngỏ ý mời công Thành về hỗ trợ cho ông Minh tìm lại thời huy hoàng của Sacombank - từng nằm trong top đầu của hệ thống nhà băng ngoài quốc doanh.

Nguồn Nhà đầu tư: https://nhadautu.vn/doanh-nhan-tuoi-canh-ty-ong-dang-van-thanh-cuoc-doi-toi-giong-nhu-nhung-dot-cua-cay-mia-d32988.html