Ông Nguyễn Đăng Quang: ‘Masan không hoàn hảo’

24/04/2019 16:02

Chủ tịch HĐQT Masan cho biết định hướng phát triển đối mặt nhiều chông gai nhưng chưa bao giờ hoài nghi về lựa chọn của mình.

Chủ tịch HĐQT Masan cho biết định hướng phát triển đối mặt nhiều chông gai nhưng chưa bao giờ hoài nghi về lựa chọn của mình.

Mở đầu phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 24/4, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) dành nhiều thời gian chia sẻ về chiến lược trước đây và định hướng phát triển đến năm 2022.

"Masan không hoàn hảo, cũng không phải là người giỏi nhất nên cần thêm những đóng góp từ nhà đầu tư lẫn người tiêu dùng. Con đường đang đi nhiều chông gai, thử thách nhưng chưa giây phút nào chúng tôi hoài nghi về lựa chọn của mình. Thỉnh thoảng có người đồng ý hoặc phản đối, nhưng chúng tôi tin nếu kiên trì bước đi thì sớm muộn mọi người sẽ hiểu", ông Quang nói.

Trả lời chất vấn của cổ đông về những thông tin bất lợi liên quan đến nước mắm, ông Quang khẳng định điều này không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh năm 2019 vì hệ thống sản phẩm của công ty tương đối đa dạng. Bên cạnh đó, quá trình cao cấp hoá sản phẩm cũng mới bắt đầu khi tầng lớp trung lưu lẫn chi tiêu cho sinh hoạt đều tăng lên.

Ông Quang cho rằng nguyên nhân hình thành sự cố này xuất phát từ chính việc "Masan không hoàn hảo" và chưa chủ động, cởi mở với truyền thông.

Ông Nguyễn Đăng Quang: ‘Masan không hoàn hảo’

Tương tự, việc tương ớt Chisun bị thu hồi tại Nhật Bản, ban lãnh đạo công ty cũng cho rằng đây là sự cố không lường trước và được truyền thông chia sẻ quá nhanh.

Masan đặt mục tiêu năm nay ngành hàng tiêu dùng vẫn đóng vai trò chủ đạo và "lấy" khoảng 19-21 USD chi tiêu của mỗi người tiêu dùng Việt Nam. Ngành hàng này dự kiến tăng trưởng doanh thu khoảng 21-35% so với năm trước dù mới gặp sự cố và đối mặt rủi ro các phát kiến mới thất bại, chậm chinh phục khách hàng.

Kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty năm nay lần lượt là 45.000-50.000 tỷ đồng và 5.000-5.500 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 18-31% và 44-58% so với năm trước.

Trong tương lai dài hạn, ban lãnh đạo Masan cho biết hai mảnh ghép chiến lược tiếp theo là sản phẩm chăm sóc cá nhân, gia đình và bán lẻ. Đối với chăm sóc cá nhân và gia đình, đây là mảng người Việt dành nhiều chi tiêu nhất nhưng đang bị các công ty nước ngoài thống lĩnh. Trong khi đó, thị trường bán lẻ cũng còn manh mún và chưa đơn vị nào tìm ra đáp án cho câu hỏi nên tập trung vào mô hình truyền thống, hiện đại hay thương mại điện tử.

Masan sẽ kết hợp tất cả mô hình này dựa trên nền tảng các điểm bán hàng sẵn có, kết hợp nền tảng công nghệ vượt trội. Ban lãnh đạo kỳ vọng công ty trong tương lai là hệ sinh thái tiêu dùng độc nhất với các mảng thức ăn – đồ uống, thực phẩm tươi sống, tài chính, năng lượng, y tế, thông tin liên lạc, giáo dục... và tiết kiệm tối thiểu 5% cho người tiêu dùng.

Để tập trung cho kế hoạch này, Masan đề nghị đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch không chia cổ tức năm nay. Lý giải về điều này, ông Quang cho biết công ty đang cần nguồn lực và phải chắt chiu tài chính để tạo ra giá trị cho tương lai. Ông hứa sẽ cân nhắc việc chia cổ tức khi lượng tiền mặt đủ lớn và ban lãnh đạo không có năng lực sử dụng hiệu quả.

Phương Đông

Theo Vnexpress