Ông Phạm Văn Tam bật khóc: 'Asanzo nuôi 2000 công nhân không phải để bóc tem'

15/08/2019 16:47

Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam đã bật khóc trước hàng trăm người tại sự kiện sáng nay. Theo ông Tam, nói ông nhập linh kiện Trung Quốc về là rất oan uổng, ông nuôi 2000 công nhân không phải để bóc tem.

Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam đã bật khóc trước hàng trăm người tại sự kiện sáng nay. Theo ông Tam, nói ông nhập linh kiện Trung Quốc về là rất oan uổng, ông nuôi 2000 công nhân không phải để bóc tem.

Chia sẻ buổi sinh hoạt chuyên đề với chủ đề “Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo”, do Câu lạc bộ Truyền thông số tổ chức ngày 15/8, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo cho biết, những chiếc tivi đầu tiên của Asanzo ra đời dựa trên ý tưởng từ những lần cung cấp hàng điện tử cho các vùng miền Tây. Ở đây họ thiếu điện nên phải tạo ra những chiếc tivi sử dụng ắc quy để phục vụ.

Ông Phạm Văn Tam- Chủ tịch Asanzo

“Tôi luôn tâm niệm Asanzo được thành lập để phục vụ cho những người tiêu dùng bị bỏ quên chứ không phải dành cho người tiêu dùng hiện đại. Tại sao tivi xuất phát từ đáp ứng nhu cầu cho người bị bỏ quên lại bị gọi là hàng Trung Quốc?”, ông Tam nói.

Cũng theo ông Tam, toàn bộ bo mạch của tivi Asanzo được thiết kế lại, không hề giống với bất kỳ hãng nào trên thế giới. Công ty cũng thiết kế lại giao diện của smart tivi (tivi thông minh). Bên cạnh đó, tivi còn được “may đo” theo vùng miền, mỗi nơi một khác. Chẳng hạn người dân miền Tây, ở vùng cao nguyên thích tivi màu đỏ, vàng; người miền Bắc lại thích tivi có màu đen sang trọng.

“Nói tôi nhập linh kiện Trung Quốc về là rất oan uổng, tôi cần động viên những cái mà tôi đã làm ra. Tôi nuôi 2000 công nhân, trong đó 600 người ở khâu lắp ráp, sản xuất không lẽ nuôi từng đó con người chỉ để bóc tem, điều đó là không đúng, rất vô lý. Chúng tôi khẳng định quy trình lắp ráp không có bóc tem”, ông Tam nhấn mạnh.

Ông Tam cũng chia sẻ rằng sau những chuyện vừa qua, ông rất buồn và khủng hoảng.

Cũng theo ông Tam, hiện công ty có 15.000 cửa hàng, điểm bán, đây là điều mơ ước mà không hãng nào có thể làm nổi trong vòng 4-5 năm. Kể cả siêu thị cũng thích sản phẩm của Asanzo vì phục vụ cho đối tượng khách hàng bình dân.

“15.000 điểm bán chưa ai một lần kêu tôi mất uy tín, làm ra sản phẩm không tốt. Đây là điều tôi rất tự hào và mong được mọi người khuyến khích những người, những doanh nghiệp như tôi đang làm ăn, đang kiếm ngõ hẹp để đi, kiếm một đối tượng khách hàng bị bỏ quên để phục vụ họ”, ông Tam nhấn mạnh.

“Nhà máy Asanzo ở quận 9 tôi đầu tư 400 tỷ, tôi muốn khẳng định rằng, một người đi buôn sản xuất được hàng điện tử”, nói đến đây ông Tam bật khóc.

Hiện nay Bộ Công Thương đang đưa ra dự thảo Thông tư xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, theo đó hàng hóa phải đạt giá trị gia tăng 30% được coi là hàng hóa Việt Nam? Vậy Asanzo có đáp ứng quy định này.

Theo đại diện Asanzo với 30% này thì Asanzo tự tin là được. Việc ghi nhãn “made in Vietnam” của Asanzo là đúng.

Vậy vì sao ông Tam từng thừa nhận “sản phẩm của Asanzo không phải hàng Việt Nam” trên báo Tuổi trẻ, ông Tam cho biết câu trả lời đã lời này đã bị cắt cúp và đây là một trong số nội dung nằm trong hồ sơ khởi kiện của Asanzo.

Như trên quảng cáo có nói tivi Asanzo đỉnh cao công nghệ Nhật Bản? Công nghệ này giai đoạn nào?

Trả lời câu hỏi này, đại diện Asanzo cho biết, Asanzo có ký một số hợp đồng hợp tác với công ty con của Sharp, chuyển giao công nghệ lắp đặt, đào tạo kỹ sư, công nhân đúng chuẩn của họ. Ngoài ra có nhiều mẫu hàng tivi của Asanzo sử dụng màn hình của Sharp (15%) và tương lai tỷ lệ này sẽ tăng lên.

Cũng theo đại diện Asanzo, trong 2 tháng qua kể từ khi có bài báo cáo buộc Asanzo là hàng Trung Quốc đội lốt, khiến Asanzo bị tê liệt, thiệt hại hơn 30 tỷ đồng, công ty không làm gì vẫn phải trả lương cho 2.000 công nhân.

Tuy nhiên, thực tế thiệt hại có thể lên tới 1.000 tỷ đồng bao gồm thiệt hại về thương hiệu, doanh số, tiền phạt với đối tác, các đối tác trả hàng....

Diệu Thùy