Ông Tập Cận Bình lên án vấn nạn bắt nạt trước cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump

28/06/2019 11:07

Trong Hội nghị Thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo châu Phi bên lề G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên án chủ nghĩa bảo hộ và các "hành vi bắt nạt".

Dai Bing, quan chức Ngoại giao phụ trách Vụ châu Phi của Trung Quốc, cho biết, tuyên bố của ông Tập được đưa ra trong cuộc họp với lãnh đạo các nước châu Phi trước khi G20 chính thức bắt đầu chương trình nghị sự. Theo ông Dai, bất cứ nỗ lực nào nhằm đưa lợi ích riêng của một người lên vị trí hàng đầu và làm suy yếu các nước khác đều sẽ không thể được chấp nhận.

Tuyên bố của ông Tập được đưa ra chỉ một ngày trước cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực giải quyết cuộc chiến thương mại. Ngoài ra, vấn đề Huawei hay biển Đông chắc chắn cũng sẽ trở thành một phần trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung.

Hiện tại, các nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới đang tập trung tại Nhật Bản để dự hội nghị được cho là sẽ định hướng nền kinh tế toàn cầu và tạo ra khác biệt giữa chiến tranh và hòa bình trên các điểm nóng địa chính trị.

Tâm điểm của G20 năm nay là cuộc chiến thương mại leo thang chưa từng có giữa Mỹ - Trung Quốc; nỗ lực ngăn chặn căng thẳng gia tăng trong mối quan hệ Mỹ - Iran cũng như hành động cụ thể của các quốc gia nhằm giải khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng như ô nhiễm rác thải nhựa trên các đại dương.

Ngoài cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump cũng sẽ có cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Trước đó, ông Trump cũng đã có cuộc gặp với hai nhà lãnh đạo của Ấn Độ và Nhật Bản. Sau cuộc gặp, ông Trump bày tỏ kỳ vọng về thỏa thuận thương mại rất lớn của Mỹ với cả Nhật Bản và Ấn Độ.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có vài điều lớn lao để công bố. Đó là một thỏa thuận thương mại lớn với Ấn Độ. Chúng ta cũng sẽ công bố các giao dịch thương mại với Nhật Bản. Họ đang chuyển một số nhà máy tự động hóa vào Mỹ. Họ sẽ công bố sáng nay", ông Trump cho biết.

Giống những gì đã thực hiện với nhiều quốc gia, ông Trump đẩy nhanh tốc độ đàm phán thương mại bằng cách đe dọa áp thuế với hàng hóa nhập khẩu. Với Nhật Bản, ông Trump dọa đánh thuế nhằm vào xe ô tô trong khi với Ấn Độ là những hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ. Việc đạt thỏa thuận cũng đồng nghĩa với những khoản thuế này sẽ chấm dứt hoặc ngừng được triển khai.

Không lâu trước đó, các nguồn thạo tin cho biết ông Trump đã ngừng kế hoạch đánh thuế bổ sung với hơn 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc để tìm tiếng nói chung trong cuộc chiến thương mại. Một số nguồn tin cho rằng thời hạn đình chiến có thể kéo dài tới hết năm. Thông tin chính thức sẽ được công bố sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

theo Bloomberg