Ông Trương Gia Bình: Startup là luồng gió mới của kinh tế tư nhân

18/04/2018 11:42

Kể từ khi được "cởi trói" nhờ Đổi mới năm 1986, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang vươn lên không ngừng và đóng góp quan trọng vào nền kinh tế.

Hiện nay, trong bối cảnh phong trào khởi nghiệp và cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển rất nhanh trên thế giới và dần manh nha hình thành ở Việt Nam, thì công cuộc phát triển kinh tế tư nhân không thể tách rời các yếu tố mới này. Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT về chủ đề trên.

Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ khởi nghiệp thế giới, và vai trò của khởi nghiệp đối với phát triển kinh tế tư nhân ra sao, thưa ông? 

Ông Trương Gia Bình: Hiện chúng ta có khoảng 1.500 doanh nghiệp khởi nghiệp (Startup). Rõ ràng so với những quốc gia như Israel thì chưa bằng, nhưng với Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia hay Indonesia thì đây là tỷ lệ tương đối tốt.

Theo tôi, Việt Nam chỉ có một số lĩnh vực có thể cạnh tranh toàn cầu, và chúng ta phải tập trung nguồn lực phát triển theo hướng đó. Thứ nhất là công nghệ thông tin, thứ hai là nông nghiệp và thứ ba là du lịch. Tôi có thể tự tin nói rằng Việt Nam đã có vị thế trong ngành công nghệ thông tin thế giới. Nhìn sang Singapore, trình độ công nghệ thông tin của họ chỉ đủ đáp ứng trong nước, còn người Việt đã làm khắp nơi trên toàn cầu. Đó là một niềm tự hào để chúng ta bước tiếp.

Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự tích hợp của rất nhiều tri thức, vừa phải có tri thức về công nghệ thông tin, tri thức vật lý, hoá học, sinh vật, vừa cần tri thức tự động hoá sản xuất, tri thức mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo...Việt Nam chúng ta có lợi thế về toán, nên có thể đi đầu tiên vào trí tuệ nhân tạo, từ đó ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ kết nối tất cả và tất cả sẽ trở nên thông minh hơn. Nhưng hãy đi từng bước nhỏ, chậm mà chắc. Chúng ta đang thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Quá trình này theo tôi không thể tách rời với phong trào khởi nghiệp cũng như cách mạng công nghiệp 4.0 đang có hiệu ứng tích cực trên toàn cầu. Nói dễ hiểu, Startup là luồng gió mới của kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

Lợi thế và thách thức của Startup hiện nay, thưa ông?

Ông Trương Gia Bình: 30 năm trước, khi Việt Nam tiến hành đổi mới, thì thế hệ đầu tiên tham gia là chúng tôi. Lúc ấy bọn tôi không biết gì về khởi nghiệp cả, vừa làm vừa học và dần vươn lên. Chúng ta không có một lịch sử về kinh tế thị trường, và khi chập chững bắt đầu thì cũng không được ai bày vẽ, phải tự mày mò và đi lên.

Điều đáng mừng là thế hệ trẻ ngày nay được học hành rất bài bản. Có những bạn đủ năng lực làm việc ở các tập đoàn hàng đầu thế giới như Boeing, Airbus, Citi... mà cách đây vài chục năm chúng ta mơ cũng không tới. Tuy nhiên, các bạn có thể thiếu đi tinh thần khởi nghiệp, tinh thần quật cường, dám dấn thân. Các bạn phải lương thưởng thu nhập đầy đủ rồi mới tính tiếp. Khác với thế hệ ban đầu chúng tôi, làm gì có lương, nhưng mình được sống cùng với đam mê, chứng kiến đứa con tinh thấn lớn lên từng ngày, để rồi đạt được thành quả. Nếu kết hợp được hai thế hệ này thì chúng ta sẽ xây dựng được một nền tảng vững chắc, và tôi tin là chúng ta sẽ làm được.

Một khó khăn lớn các bạn trẻ khởi nghiệp thường gặp là vấn đề tài chính. Theo tôi, các bạn có thể bắt đầu bằng số vốn nhỏ của bản thân hoặc hỗ trợ từ gia đình, bạn bè. Các bạn có ý tưởng là rất tốt, nhưng cần thực tế hoá thành sản phẩm ở một hình hài nhất định. Lúc ấy sẽ dễ dàng kêu gọi đầu tư hơn.

Chúng ta kêu gọi khởi nghiệp, song dường như chính sách hỗ trợ vẫn chưa rõ ràng, thưa ông?

Ông Trương Gia Bình: Tôi cho rằng cần tạo khung pháp lý riêng cho khởi nghiệp. Các Startup có nét giống nghệ sĩ. Cách thức, tư duy họ sáng tạo là khác với những doanh nghiệp truyền thống. Thế nên nếu bắt họ phải tuân thủ những chuẩn mực khắt khe về thủ tục hành chính thì nói chung là họ không làm được.

Ngoài ra, một trong những việc cấp bách cần làm là rút ngắn thời gian đăng ký, thành lập doanh nghiệp và áp dụng mức phí thấp. Bên cạnh đó cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước có thể rút vốn nhanh chóng. Nếu làm được điều này thì sẽ có rất nhiều Startup được mở ra và dễ dàng gọi vốn từ các quỹ đầu tư.

Ông có lời khuyên nào cho các bạn trẻ khởi nghiệp?

Ông Trương Gia Bình: Tôi nghĩ đã là tuổi trẻ thì phải có "máu" đam mê và theo đuổi đam mê đó. Rất nhiều bạn trẻ ngày nay mang trong mình hoài bão lớn. Họ không an phận với một cuộc sống bình thường, mà muốn thoả mãn ước mơ sáng tạo. Đấy là nhu cầu của họ. Những tư tưởng đột phá ra đời như thế và đã tạo nên những công ty hàng đầu thế giới như Facebook, Uber, Airbnb... Dĩ nhiên sẽ có người thành công và có người thất bại thất bại, song đối với những bạn trẻ hoài bão như vậy thì đánh đổi là thứ họ luôn sẵn sàng.

Thứ nữa, các Startup không nên đặt vấn đề là làm được những việc như FPT. Mà chúng ta nên bắt đầu từ những ý tưởng nhỏ, nhưng giúp xã hội tích cực hơn như giao hàng nhanh, cung cấp bữa trưa... Tức là giải quyết những nhu cầu trong xã hội bằng cách hoàn toàn mới, tốt hơn và tích cực hơn. Đấy chính là khởi nghiệp.

Ông vừa được bổ nhiệm làm Trưởng ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nơi tập hợp những doanh nhân kỳ cựu hàng đầu của Việt Nam. Ông có thể chia sẻ thêm về mục đích và tầm nhìn hoạt động của Ban?

Ông Trương Gia Bình: Ban có ba nhiệm vụ quan trọng, thứ nhất là nghiên cứu và tạo ra một môi trường tốt hơn cho khối kinh tế tư nhân, hướng tới hàng đầu Đông Nam Á và rồi là châu Á. Làm thế nào để xây dựng một môi trường giúp doanh nghiệp phát triển thuận lợi nhất. Thứ hai là có những đề xuất để kinh tế Việt Nam có vị thế nhất định trên thế giới, ví dụ thúc đẩy công nghệ thông tin sớm đi vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Thứ ba là để kết nối các doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm cả khi thành công lẫn thất bại của họ, cũng là để truyền cảm hứng cho các thế hệ đi sau.

Trước mắt, Ban sẽ là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân làm việc với các hiệp hội để tạo ra một trí tuệ tập thể, nhằm rà soát lại những việc cần làm nhất lúc này. Chứ nếu đặt vấn đề rộng quá thì chúng ta không làm nổi.

Theo ông, có nên hỗ trợ xây dựng những tập đoàn Việt có thể vươn ra tầm thế giới hay không? 

Ông Trương Gia Bình: Vấn đề này sẽ được Ban xem xét, tuy nhiên tôi nhấn mạnh rằng tập đoàn muốn được Nhà nước hỗ trợ thì nó phải có ý nghĩa, không chỉ với bản thân nó mà còn với cộng đồng. Ví dụ, Toyota là tập đoàn Nhật Bản nhưng đã tạo ra muôn vàn công ăn việc làm cho muôn vàn công ty khác trên thế giới. Chúng ta phải xây dựng được những doanh nghiệp có sức lan toả tích cực như thế. Chứ tập đoàn lớn mà mà không tạo động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp khác nói riêng và xã hội nói chung thì chắc là Ban sẽ không đề xuất, cổ vũ.

Xin cảm ơn ông!

Nghi Điền/Nhà Đầu Tư