Phạm Kim Hùng - Thần đồng toán học từ chối Silicon Valley về nước khởi nghiệp chinh phục thị trường toàn cầu trị giá 1.300 tỷ USD

23/09/2018 15:29

Cách đây hơn 10 năm, Phạm Kim Hùng được mọi người gọi là “cậu bé vàng” của Toán học Việt Nam với 2 năm liên tiếp đoạt huy chương vàng, bạc Olympic Toán quốc tế. Hôm nay, hãy cùng tìm hiểu, lý do “cậu bé vàng” năm nào lại từ chối thung lũng Silicon và về nước khởi nghiệp nhé.

Phạm Kim Hùng được biết tới là "cậu bé vàng" của toán học Việt Nam, tốt nghiệp ĐH Stanford, hiện là CEO & Nhà sáng lập TechElite và BASE Inc.

Sinh năm 1987, quê ở Ý Yên, Nam Định, Hùng nguyên học sinh khối chuyên Toán - Tin, trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) từng đoạt huy chương vàng và bạc Olympiad Toán học thế giới, đồng thời là tác giả của một cuốn sách toán học được xuất bản bốn thứ tiếng, là cựu sinh viên của ĐH Stanford (Mỹ).

Như vậy cũng đủ hiểu cơ hội ở xứ cờ hoa rộng mở với Hùng thế nào. Nhưng gác lại mọi thứ, Hùng quyết định về Việt Nam thực hiện giấc mơ của riêng mình, cùng một vài người bạn đam mê khoa học, và thành lập nên startup TechElite.

Kim Hùng tại lễ tốt nghiệp của ĐH Stanford.

TechElite có thể hiểu là một công ty SAAS (Software as a services – gia công phần mềm dịch vụ), giúp các doanh nghiệp tổ chức vận hành hiệu quả, thông minh hơn.

Thành lập năm 2013, ban đầu TechElite gặp nhiều khó khăn. "Khó khăn luôn luôn song hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp. Ban đầu chưa có gì cả, phải dùng vốn tự có của bản thân từ tài chính đến trí tuệ, quan trọng nhất là thuyết phục được những người giỏi tham gia với mình", Hùng chia sẻ.

Năm 2014, với sự giúp đỡ của Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì), startup của Phạm Kim Hùng có cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư.

Từ nguồn vốn đầu tư ít ỏi ban đầu, năm 2014, TechElite của Hùng và những người bạn được các nhà đầu tư định giá 1,8 triệu USD.

Trong đó, nhiều sản phẩm mà TechElite đã và đang được ghi nhận trên thị trường như: Worktime - không gian làm việc và cộng tác nội bộ doanh nghiệp, TeamUp.vn - nền tảng quản lý dự án cho doanh nghiệp, hay Bigtime - giải pháp công nghệ toàn diện để tổ chức, quản lý và phân phối vé sự kiện.

"Từ chối cơ hội làm việc ở Silicon Valley, tôi chưa từng hối tiếc về quyết định của mình"

Phạm Kim Hùng - topITworks.com

 

Trong thời đại công nghệ số, doanh nghiệp phải dùng rất nhiều phần mềm cho các hoạt động kinh doanh, sản xuất và quản trị. Mỗi công đoạn khác nhau như: sales, tuyển dụng, marketing, hệ thống bán hàng ... đều cần một phần mềm chuyên dụng khác nhau.

Sau thời gian phát triển, khi doanh nghiệp lớn lên, các hoạt động trở nên phức tạp, và số lượng các phần mềm cần tích hợp ngày một tăng lên. Hệ quả là dữ liệu ngày một lớn, sự kết nối trở nên rời rạc, và các doanh nghiệp nói chung đều gặp phải bài toán khó: làm sao để đồng bộ dữ liệu và kết hợp tất cả các ứng dụng trên một môi trường thống nhất?

"Ứng dụng càng nhiều, nhân viên càng khó sử dụng, doanh nghiệp càng khó vận hành. Ngay việc nhớ tài khoản, mật khẩu của từng ứng dụng cũng đã quá khó rồi. Do vậy, chúng ta cần một tảng chung. Đó phải là một nền tảng rất mở để có thể đồng bộ tất cả những ứng dụng mà một doanh nghiệp cần dùng", Phạm Kim Hùng - Base Inc. phân tích.

Nhận ra được nhu cầu này, từ cách đây nhiều năm, anh cùng các cộng sự của mình đã bắt tay tạo ra một nền tảng doanh nghiệp mở có tên là Base Platform.

Bài toán mà Base muốn giải quyết là tích hợp ứng dụng của nhiều nhà cung cấp khác nhau trên cùng một môi trường và nền tảng, dù các ứng dụng này có thể được xây dựng bằng các ngôn ngữ và cấu trúc riêng biệt. Việc dùng chung một nền tảng sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng phần mềm rất, ngoài ra danh sách các ứng dụng sẽ được cá nhân hóa theo từng người sử dụng.

Còn ở góc độ quản lí, nhà điều hành có thể nhìn thấy được bức tranh tổng quan của doanh nghiệp mình thông qua dữ liệu thực tế, từ đó đưa ra những quyết định chính xác hơn để gia tăng hiệu suất công việc, giảm chi phí (thời gian, nhân lực, vật lực), tăng doanh thu...

Phạm Kim Hùng - topITworks.com

 

Một nền tảng tốt cần những ứng dụng tốt

Về vấn đề này, Phạm Kim Hùng cho biết, tính mở là ưu tiên hàng đầu trong quá trình thiết kế nền tảng Base. Các ứng dụng trên Base không chỉ do startup này tự phát triển, mà còn bao gồm sản phẩm của các đối tác ở Việt Nam và quốc tế, một số đã nổi tiếng trên thị trường. Theo lộ trình, trong năm 2017, Base sẽ ra mắt khoảng 20 ứng dụng doanh nghiệp được tích hợp sẵn cho tất cả các doanh nghiệp.

"Với nền tảng Base, chúng tôi cam kết một sự đồng hành lâu dài với doanh nghiệp.Nếu doanh nghiệp có thể tự phát triển hoặc đã mua sẵn các phần mềm, chúng tôi có thể tích hợp vào Base. Nếu chưa có sẵn, chúng tôi sẽ giữ vai trò là cầu nối để tìm kiếm các giải pháp tốt nhất trên thị trường cho doanh nghiệp đó", Phạm Kim Hùng chia sẻ.

Theo nhà sáng lập này, sau thời gian làm việc với nhiều CEO tại Việt Nam, anh nhận ra tất cả các lãnh đạo trong doanh nghiệp luôn luôn khao khát có thể áp dụng công nghệ vào doanh nghiệp của mình. Họ cũng sẵn sàng tìm kiếm và chi rất nhiều tiền cho các sản phẩm tốt. Do đó, thị trường rất cởi mở, và bài toán là phải tạo ra được những sản phẩm thực sự tốt, thực sự hiệu quả.

"Tỉ lệ dùng phần mềm doanh nghiệp ở Việt Nam rất nhỏ so với thế giới. Nói riêng các sản phẩm cloud (đám mây - PV), chỉ khoảng 1% doanh nghiệp Việt Nam sử dụng, thấp hơn nhiều so với thế giới là 40%. Do đó, khoảng trống này là cơ hội lớn để các công ty cùng tham gia gải quyết", Phạm Kim Hùng phân tích.

Theo Aaron Levie, nhà sáng lập của Box.com – một phần mềm doanh nghiệp đình đám ở thung lũng Sillicon, tổng giá trị thị trường công nghệ dành cho doanh nghiệp trị giá 1.300 tỷ USD. Dự kiến Base sẽ mở rộng sang các nước khác trong khu vực Châu Á vào Q1/2018 sau khi đặt mục tiêu thu hút hơn 2.000 công ty Việt Nam.

Đổi lại, thách thức lớn nhất đối với nền tảng mở Base đó là thời gian phát triển.

CEO này bộc bạch, ý tưởng Base đã hình thành cách đây 5 năm, nhưng phải 1 năm gần đây mới có thể bắt đầu. Để hoàn thành nền tảng này, đội ngũ 15 kỹ sư & cố vấn của Base đã tập trung mọi nguồn lực để làm việc ngày đêm.

"Startup giống như một chiếc đồng hồ cát. Những nhà sáng lập cần phải cần cù tìm kiếm thật nhiều “cát” để đổ vào. “Cát” có thể hiểu là trải nghiệm, là sự thấu hiểu thị trường và khả năng xây dựng sản phẩm. Ngày bạn “start” chính là ngày chiếc đồng hồ cát bắt đầu quay ngược. Do đó, người có nhiều cát sẽ có khả năng thành công cao hơn", CEO Base Inc. chia sẻ.

Phạm Kim Hùng - topITworks.com

Về Phạm Kim Hùng, dù hiện tại hay quá khứ, cái tên ấy vẫn gắn với những danh hiệu luôn làm người khác ngưỡng mộ. Đặc biệt, trong ngành toán học ít ai lại không biết đến anh. Phạm Kim Hùng sinh năm 1987, nổi tiếng ở Việt Nam khi đạt HCV Olympic Toán học quốc tế lần thứ 45 tại Hy Lạp khi còn là học lớp 11.

Một năm sau, anh tiếp tục giành huy chương bạc tại cuộc thi danh giá này. Với thành tích đáng nể đó, Phạm Kim Hùng đã nhận được học bổng toàn phần của trường đại học danh tiếng Stanford, nơi khởi nguồn của những Google, Yahoo hay Sun Microsystems.

Trên ghế nhà trường THPT, Hùng đã hoàn thành cuốn "Sáng tạo bất đẳng thức", cuốn sách này sau đó đã được xuất bản trên bốn thứ tiếng.

Năm 2013, sau khi Tốt nghiệp đại học Stanford khoa Khoa học máy tính, Hùng không chọn ở lại thung lũng Silicon làm việc mà quyết định trở về Việt Nam thực hiện ước mơ của riêng mình: xây dựng những sản phẩm công nghệ hữu ích phục vụ cho doanh nghiệp, cho xã hội.

"Nếu không có đam mê thì trước sau cũng sẽ từ bỏ vì quá nhiều khó khăn phía trước. Nếu không có đam mê thì câu chuyện với nhà đầu tư sẽ rất sáo rỗng và thiếu thuyết phục. Tất nhiên phải là đam mê "có hiểu biết" và rủi ro "có tính toán".

Để có được đam mê thì phải thuyết phục được chính bản thân về những giá trị sản phẩm mình tạo ra. Nghe có vẻ lạ lùng nhưng điều này quả thật không đơn giản. Trước vô số những khó khăn và rủi ro, điều duy nhất giữ được sự nhiệt huyết và đam mê là niềm tin rằng ta đang làm những sản phẩm tốt, rất tốt cho tương lai".

 

Theo topITworks tổng hợp