Phân biệt đối xử

10/04/2019 09:37

Những ngày qua, dư luận nóng lên bởi thông tin về việc hơn 18 ngàn chai tương ớt Chinsu xuất khẩu sang Nhật Bản bị thu hồi, do cơ quan chức năng nước này kết luận các sản phẩm tương ớt có chứa chất phụ gia là một loại chất cấm mang tên axit benzoic.

Những ngày qua, dư luận nóng lên bởi thông tin về việc hơn 18 ngàn chai tương ớt Chinsu xuất khẩu sang Nhật Bản bị thu hồi, do cơ quan chức năng nước này kết luận các sản phẩm tương ớt có chứa chất phụ gia là một loại chất cấm mang tên axit benzoic.

Những chất này chưa được kiểm định sử dụng tại Nhật Bản. Phía Nhật Bản cũng cho biết, số lượng tương ớt này được nhập khẩu từ Công ty Masan (Việt Nam) và được Javis bán lại cho Công ty TNHH công nghiệp ISC để phân phối ra thị trường, số lượng 18.168 chai. Giám đốc Trung tâm Y tế cộng đồng thành phố Osaka đã ra lệnh cho nhà nhập khẩu thu hồi toàn bộ sản phẩm sau khi xác định lô hàng tương ớt nhập khẩu ngày 7/12/2018 từ Việt Nam có chứa chất cấm phụ gia axit benzoic.

Ngay lập tức, phía Công ty cổ phần hàng tiêu dùng Masan (Masan) cũng đã lên tiếng về sự việc đáng tiếc này. Theo khẳng định của Masan, chưa từng xuất khẩu trực tiếp hoặc gián tiếp tương ớt Chinsu cho Công ty Javis Co., Ltd hoặc Công ty ISC Industrial Co., Ltd. “Khi xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Nhật Bản, chúng tôi phải tuân thủ quy định ghi nhãn của Nhật Bản. Chúng tôi lấy làm tiếc về sự cố này và cho rằng nếu Công ty Javis Co., Ltd đã liên hệ với chúng tôi để nhập khẩu chính thức thì sự cố ghi nhãn này đã không xảy ra”- Masan nêu rõ. Masan cũng khẳng định chất phụ gia thực phẩm benzoic acid không phải là chất cấm mà được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm khác nhau với hàm lượng tối đa lên đến 2,5g/kg. Masan cũng cho hay chưa có kết luận chính thức về nguồn gốc xuất xứ lô hàng nhưng nhiều khả năng đây là sản phẩm dành riêng cho thị trường Việt Nam, trên đó ghi rõ: “Dành riêng cho thị trường Việt Nam. Không dành cho xuất khẩu”.

Có một thực tế lâu nay, đó là nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang có tư duy sản xuất hàng để xuất khẩu tốt hơn hàng tiêu thụ trong nước, chú trọng thị trường nước ngoài hơn thị trường nội địa. Có khi hàng lỗi, hàng hỏng thì để lại thị trường trong nước, còn hàng đẹp, tốt, chất lượng mới là hàng mang đi xuất khẩu. Thế nên mới có chuyện, các sản phẩm nông sản sạch, được sản xuất theo tiêu chuẩn cao thì được xuất khẩu còn cũng những sản phẩm đó nhưng chất lượng thấp thì “để lại” bán trong nước, với thị trường hơn 90 triệu người dân.

Nhân đây, có thể nói về một số mặt hàng. Trước hết là cà phê. Việt Nam là nước đứng top đầu xuất khẩu cà phê nhân. Thế nhưng những loại cà phê ngon nhất, thượng hạng thì phần lớn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đem xuất khẩu dưới dạng thô, không thương hiệu. Tiếp đó còn phải kể đến nhiều loại nông thủy hải sản ngon như cá ngừ đại dương, nhiều loại trái cây, rau củ, gạo đặc sản … đều chủ yếu tìm đường xuất khẩu. Nhiều khi sản xuất ra một sản phẩm mới chất lượng tốt, điều đầu tiên người ta nghĩ tới là ưu tiên thị trường xuất khẩu. Vì thế, câu chuyện của Masan dường như cũng không phải ngoại lệ khi ngay chính trong công bố của doanh nghiệp này cũng cho rằng: “Có khả năng đây là lô hàng dành riêng cho thị trường Việt Nam hoặc sản phẩm không nguồn gốc”. Là người Việt Nam, chắc hẳn ai cũng phải chạnh lòng khi đọc được câu trên. Phải chăng, với thị trường trong nước, doanh nghiệp có thể cung ứng những sản phẩm bất chấp việc có an toàn hay không, có chất lượng hay không.

Tuy nhiên, xét cho cùng, một khi doanh nghiệp chưa thể tạo dựng được thương hiệu, niềm tin cho mình ngay với người tiêu dùng trong nước thì làm sao có thể chiếm lĩnh và đứng vững được ở thị trường thế giới. Đặc biệt, đối với lĩnh vực thực phẩm, thật khó có thể nói rằng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của quốc tế lại cao hơn tiêu chuẩn ở Việt Nam. Một chuyên gia quốc tế trong ngành thực phẩm đã từng nhấn mạnh rằng: “Chỉ khi những tiêu chuẩn từ Việt Nam được thế giới công nhận thì cánh cửa tiếp cận thị trường toàn cầu mới thực sự mở”. Điều này cũng đồng nghĩa, khi các sản phẩm của doanh nghiệp được người tiêu dùng nội địa đặt niềm tin thì lúc ấy, doanh nghiệp mới có thể tự tin vững vàng vươn ra khơi xa.

Đã đến lúc, các doanh nghiệp Việt cần loại bỏ tư duy “phân biệt đối xử” về tiêu chuẩn hàng hóa. Vì rằng không thể chỉ vì lợi nhuận cao từ xuất khẩu mà chỉ chú trọng đến chất lượng của những lô hàng ấy; còn thì với người tiêu dùng trong nước, thị trường trong nước lại dễ dãi, tự cho phép “hạ chuẩn”. Không thể coi nhẹ thị trường trong nước với hơn 90 triệu đồng bào. Tất nhiên, mỗi quốc gia đều có đặt ra tiêu chuẩn khi hàng hóa nước ngoài vào, điều đó các doanh nghiệp phải tìm hiểu để đáp ứng. Nhưng một điều chắc chắn rằng, chuẩn gì thì cũng đều phải có “mẫu số chung”, đó chính là chất lượng hàng hóa: Không thể cùng một sản phẩm khi xuất khẩu lại ngon hơn, sạch hơn, đẹp hơn cho người trong nước sử dụng.

Duy Phương

Theo Đại Đoàn Kết

Bạn đang đọc bài viết "Phân biệt đối xử" tại chuyên mục Tiêu điểm.