Phó Thủ tướng xem xét khiếu nại dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án sân bay Long Thành

06/08/2023 20:59

Để là rõ những khiếu nại của Liên danh Hoa Lư vì cho rằng, liên danh Vietur nhận thông báo

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến đơn kiến nghị của Liên danh Hoa Lư về năng lực Liên danh tham gia dự thầu gói thầu 5.10, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Trong "đơn kiến nghị khẩn cấp" gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, Liên danh Hoa Lư do Coteccons đứng đầu khiếu nại là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) bên mời thầu về những dấu hiệu vi phạm pháp luật.

z4580570267660-49bca9c8ad004f774afe918b3fd69a93-1691330244.jpg

Phối cảnh sân bay Long Thành

Xét đơn kiến nghị của Liên danh Hoa Lư, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao ACV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giải quyết đơn kiến nghị nêu trên theo theo quy định pháp luật.

Liên danh Hoa Lư cho rằng, mình có bằng chứng cho thấy thành viên đứng đầu của Liên danh Vietur đã không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 5.10 thuộc gói thầu xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, trị giá 35.000 tỷ đồng. "Chúng tôi có bằng chứng cho thấy thành viên đứng đầu của Liên danh Vietur đã vi phạm quy định về đấu thầu và không đủ tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật Gói thầu 5.10 và vì vậy cần xem xét lại Thông báo 3146", văn bản nêu rõ.

Phía Liên danh Hoa Lư cho rằng Chủ tịch Công ty IC Holdings (đơn vị đại diện cho Liên danh Vietur), ông Ibrahim Cecen vướng vào nghi vấn tham nhũng. Dẫn chứng cho nghi vấn này, phía Liên danh Hoa Lư đã đính kèm các bài báo đăng những thông tin có liên quan đến cá nhân ông Ibrahim Cecen và những đơn vị có liên quan và cho rằng ông Ibrahim Cecen bị báo chí đăng bài, nhiều nghi vấn tham nhũng.

"Gói thầu 5.10 là đấu thầu quốc tế rộng rãi. Theo thông lệ quốc tế đấu thầu của ICB, chủ đầu tư trước khi quyết định các yếu tố kĩ thuật có điểm liệt hay chưa rõ đều phải công khai yêu cầu công ty dự thầu giải thích, cung cấp thêm để đảm bảo tính khách quan.

Việc áp dụng điểm tối thiểu cần phải xem xét kỹ càng liệu có đúng quy định đấu thầu quốc tế để tránh các khả năng tranh chấp sau này từ các nhà thầu có kinh nghiệm trên thương trường quốc tế, ảnh hưởng đến tiến độ dự án uy tín quốc gia", Liên danh Hoa Lư quan ngại.

"Đây là lần đầu tiên IC Holdings vào Việt Nam, trước đó chưa hề có kinh nghiệm gì đối với pháp luật Việt Nam hay các quy định xây dựng ở Việt Nam, cũng chưa có lý lịch rõ ràng.

Vì vậy đề nghị Chính phủ và Bộ Công an vào cuộc để kiểm tra kỹ nhân thân của Chủ tịch IC Holdings cũng như các cáo buộc tham nhũng trên báo chí là đúng hay sai…", Liên danh Hoa Lư nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, IC Holidings có lịch sử thi công chậm nhiều công trình và có lịch sử bị chấm dứt các dự án lớn. Đồng thời có lịch sử kiện tụng chủ đầu tư. Cụ thể, Liên danh này cũng đưa ra ví dụ trên Reuters về việc Công ty phát triển năng lượng hạt nhân của Nga - Rosatom đã chấm dứt hợp đồng xây dựng đến dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ trị giá 20 tỷ USD với công ty thành viên của IC Holdings do vi phạm hàng loạt các điều khoản hợp đồng xây dựng.

Đặc biệt, Liên danh Hoa Lư cho rằng các kinh nghiệm xây dựng trên sân bay của IC Holdings là không đúng sự thật và có dấu hiệu bị chậm trễ…

Trước đó, Liên danh Vietur được ACV công bố là nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công Gói thầu 5.10 của Sân bay quốc tế Long Thành.

Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất của Dự án Sân bay Long Thành với tổng trị giá hơn 35.200 tỷ đồng. Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, mang tầm cỡ hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tổng vốn đầu tư 14,9 tỷ USD.

Liên danh Vietur đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas (Thổ Nhĩ Kỳ); các nhà thầu thành viên trong Liên danh này là những đơn vị trong nước như Công ty CP Đầu tư xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư xây dựng SOL E&C, Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Công ty CP Kết cấu ATAD, Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings, Công ty CP Hawee, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP.

Theo Đại đoàn kết