“Có vẻ chúng ta đang đối mặt với một giai đoạn khó khăn và tôi nghĩ có thể kéo dài đến hết năm nay”.
Nguyên thứ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Trần Nam thông tin tại sự kiện mới đây.
Theo ông Nam, nền kinh tế nước ta phát triển nhưng còn nhiều thách thức, thị trường BĐS vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Từ năm ngoái, những cảnh báo đối với thị trường BĐS đã được đưa ra khi mà dòng tiền vào BĐS giảm đáng kể. Cuối năm 2018 đến nay, theo ông Nam cấp độ tăng trưởng tín dụng vào thị trường là âm; dư nợ tuyệt đối của BĐS đã giảm.
Chưa kể, mới đây dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng nhà nước là sử dụng vốn vay ngắn hạn cho vay trung hạn, kiểm soát chặt chẽ khoản vay tiêu dùng vào BĐS có giá trị 3 tỉ đồng trở lên. Điều này có nghĩa là dòng tiền vào BĐS bị kiểm soát ngày càng chặt chẽ từ tín dụng ngân hàng.
Thị trường BĐS đang ở giai đoạn khó khăn nhưng chưa suy thoái
Bên cạnh đó, khó khăn của thị trường BĐS còn xuất phát từ việc kiểm tra, rà soát các quy định của luật pháp về đất đai, về quy hoạch diễn ra ở hầu hết các Tp lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng và chưa có kết luận. Lan rộng ra các tỉnh thành khác như Phú Quốc, Cần Thơ, An Giang… khiến thị trường BĐS các khu vực này cũng chậm so với trước.
“Năm nay không phải là suy thoái nhưng có lẽ là năm mà thị trường rơi vào giai đoạn khó khăn trong việc triển khai dự án. Trong khi BĐS không bị ảnh hưởng thì BĐS nhà ở đô thị bị ảnh hưởng rõ nét nhất”, Nguyên Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhấn mạnh.
Theo ông Nam, đây là giai đoạn các doanh nghiệp BĐS đang đối mặt với khó khăn thực sự, có thể phải kéo dài đến hết năm nay. Các doanh nghiệp cần biết trước để có phương án đối phó.
Tuy vậy, ông Nam cũng cho rằng, nếu năm 2011, thị trường BĐS khủng hoảng thừa hàng hóa, người dân mất niềm tin, quay lưng với BĐS thì năm nay trong tình huống khó khăn, các nhà phát triển dự án, các công ty lĩnh vực BĐS, các nhà môi giới vẫn hoạt động mạnh mẽ và chủ động. Báo chí nói rất nhiều về thị trường, người dân vẫn tiếp tục bỏ tiền mua BĐS, đó là một tín hiệu tích cực của thị trường nhà đất ở giai đoạn này.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam từng cho rằng, thị trường BĐS đang rơi vào giai đoạn khó khăn rõ nét khi mà nguồn cung mở bán liên tục sụt giảm. Nguyên nhân chính là từ việc dự án bị kiểm tra, rà soát nên thủ tục cũng như thời gian ra dự án chậm hơn hẳn so với những năm trước. “Tuy vậy, việc khan hiếm nguồn cung có thể chỉ nhất thời không phải hiện tượng kéo dài của thị trường BĐS”, bà Dung khẳng định.
Theo ghi nhận, việc thủ tục chậm, khó khăn hơn trước được xem là nguyên nhân chính khiến việc ra hàng của các doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã có sẵn quỹ đất nhưng chờ pháp lý hoàn thiện mới có thể ra hàng. Theo các doanh nghiệp, đây là một năm thực sự khó khăn của doanh nghiệp nói riêng, thị trường nói chung BĐS nói chung. Cả thị trường đang chờ những chính sách, cơ chế tháo gỡ những nút thắt để triển khai dự án.
Còn theo các chuyên gia, Nhà nước cũng đã nhận thấy những khó khăn của thị trường và hiện đang đẩy nhanh tiến độ về thủ tục, rà soát, kiểm tra dự án đã đảm bảo nguồn cung ra thị trường.
Theo Hạ Vy
Nhịp sống kinh tế
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/kho-khan-cua-thi-truong-bds-co-the-keo-dai-den-het-nam-nay-a100301.html