Dù bạn đang bắt đầu công việc đầu tiên hay có ý định đổi việc thì đây là 2 điều mà chắc chắn mà bạn nên trang bị cho mình: sự tự tin và kế hoạch cụ thể.
Theo một khảo sát, thế hệ Millennials chính là nhóm đối tượng có xu hướng chuyển công việc nhiều hơn hẳn so với các thế hệ khác. Và tôi nằm trong số ấy. Sang một lĩnh vực hoàn toàn không liên quan tới địa hạt cũ, tôi phải căng não ra tiếp thu, học hỏi và vận dụng. Kết quả đạt được rất ổn, chưa kể tôi còn được sếp trực tiếp khen ngợi trong cuộc họp toàn công ty hôm tổng kết 6 tháng đầu năm. Bí quyết tôi thật thà chia sẻ với các bạn:
Không gì là không thể. Nếu bạn thật sự khát khao đổi việc khi chưa hề có bất kỳ kinh nghiệm nào trong lĩnh vực mới thì đây là những gợi ý dành cho bạn:
Đúng vậy! Bạn phải chấp nhận một sự thật là: bạn phải bắt đầu xây dựng lại bằng những viên gạch đầu tiên. Điều này có nghĩa là, cho dù bạn có kinh nghiệm và tài năng trong lĩnh vực cũ nhiều bao nhiêu thì bạn sẽ có rất ít tiếng nói khi bắt đầu xây dựng lại con đường sự nghiệp.
Bạn có thể phải bắt đầu với mức lương thấp hơn mức lương cũ, đảm nhận một vị trí thậm chí là… thấp nhất trong tổ chức. Và, bạn sẽ phải chứng mình bản thân mình một lần nữa để có thể tiến bước trong những nấc thang tiếp theo.
Đôi khi để đáp ứng với các yêu cầu của công việc, bạn cần phải lấy được tấm bằng đại học hoặc các chứng chỉ liên quan. Đúng là những tấm bằng khó nói lên điều gì, nhưng bạn cần hiểu rằng bản thân mình phải không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực mà bạn sẽ theo đuổi. Điều này không chỉ giúp bạn củng cố được kiến thức trong lĩnh vực mới, mà quan trọng hơn hết, chúng sẽ là yếu tố quyết định bạn có thể tiến xa hơn hay không trên con đường sự nghiệp của mình.
Bạn chưa có bất kỳ kinh nghiệm gì trong lĩnh vực mà mình muốn theo đuổi? Vậy thì cách tốt nhất để trang bị kiến thức và kỹ năng cho bạn chính là tham gia các hoạt động tình nguyện. Bạn sẽ có cơ hội làm việc trực tiếp với các chuyên gia và phát triển những kỹ năng, kiến thức có liên quan. Hơn hết, điều này cũng sẽ giúp làm đẹp CV của bạn!
Có thể bạn chưa quen với lĩnh vực mới, và bạn cũng không sở hữu những kỹ năng nhất định trong "bảng mô tả công việc". Thế nhưng, bạn có thể học cách áp dụng những kỹ năng hữu ích trong lĩnh vực cũ để đáp ứng vào lĩnh vực mới này. Đó có thể là kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng làm việc nhóm hoặc khả năng sáng tạo v.v. Những kỹ năng này đều đóng vai trò quan trọng trong bất cứ công việc hay lĩnh vực nào.
Một khi bạn đã biết rẳng kinh nghiệm trong lĩnh vực mới là con số 0, vậy thì bạn đừng sử dụng cách nộp đơn xin việc online hoặc báo đài chẳng hạn. Một khi các nhà tuyển dụng đã chọn lựa phương án đăng tin lên báo đài hoặc các trang tuyển dụng online thì có nghĩa là họ đã xác định rất rõ những định hướng mà công ty họ đang cần. Họ biết rõ người mà họ cần sẽ có những kinh nghiệm và kinh nghiệm ra sao. Chính vì thế, bạn sẽ rất dễ bị loại thẳng tay ngay từ vòng đầu tiên.
Điều bạn cần làm đó là hãy xây dựng và củng cố tốt các mối quan hệ; chia sẻ với bạn bè, người thân, đồng nghiệp hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực mong muốn mà bạn quen biết. Họ có thể sẽ là những "đầu mối" thông tin quan trọng cho các cơ hội nghề nghiệp. Hơn hết, biết đâu chừng họ sẽ là người giúp bạn kết nối với bên đang tuyển dụng.
Khi bạn bắt đầu tìm kiếm những cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực mới thì bạn cần phải thiết kế và cập nhật lại CV của mình sao cho phù hợp với công việc mà bạn đang mong muốn. Có thể CV của bạn sẽ rất ngắn, nhưng hơn hết, hãy làm sao cho nó thật súc tích với tất cả những thông tin cần thiết về cá nhân bạn.
Cũng đừng quên chuẩn bị cho mình một lá thư xin việc: giải thích vì sao bạn lại muốn làm việc trong lĩnh vực mới này; làm rõ cho nhà tuyển dụng thấy những năng lực, những phẩm chất mà bạn đang có sẽ giúp ích như thế nào cho tổ chức của họ; giải thích tại sao bạn lại phù hợp với công việc này; hãy thể hiện rõ bản thân mình, càng tích cực, càng cụ thể, càng thuyết phục càng tốt.
Tương tự, bạn cũng cần cập nhật và sửa đổi hồ sơ online của mình trên các trang mạng tuyển dụng ( như LinkedIn chẳng hạn). Trong quá trình thực hiện điều này, đừng quên rằng kinh nghiệm không phải là thứ duy nhất để bạn được tuyển dụng vào một công ty. Ngày nay, các nhà tuyển dụng còn cân nhắc cả tính cách, phẩm chất của từng ứng viên. Và họ luôn tìm kiếm một người phù hợp nhất chứ không phải một người tài giỏi nhất.
Việc thay đổi nghề nghiệp có thể sẽ ngốn khá nhiều thời gian của bạn. Và điều bạn cần làm đó là: đừng nôn nóng. Bạn đừng vội vàng để rồi đưa ra những quyết định sai lầm. Hãy chuẩn bị cho mình một kế hoạch cụ thể và thực hiện nó một cách có hệ thống.
Bạn có thể có một "khoảng trống" trong khoảng thời gian "nhảy" từ công việc cũ sang công việc mới. Hãy tranh thủ khoảng thời gian quý giá này để nâng cao trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm của bạn bằng cách tham gia các chương trình tình nguyện hoặc đăng ký những khoá học có liên quan.
Quan trọng hơn hết, một khi bạn đã chắc chắn cho việc đổi nghề, hãy tập trung vào mục tiêu cuối cùng, không bỏ cuộc và không ngừng cố gắng để đạt được nó. Sớm hay muộn thì bạn cũng sẽ thành công!
(Theo Educba, Barcode)
Trang Hình
Theo Trí Thức Trẻ