Nếu lúc đầu còn cười nhạo trẻ con ngô nghê thì chỉ sau vài phút suy ngẫm, vị tỷ phú đã nhận ra: "Ấy thế mà mình còn không khôn ngoan bằng một đứa trẻ."
Một vị tỷ phú quanh năm bận rộn đã quyết tâm dành ra một ngày rảnh rỗi để về quê hương thăm người thân. Trên con đường làng, ông tình cờ bắt gặp một cậu bé đang ngồi bệt giữa đường, tay cầm một cọng cỏ miệt mài vẽ gì đó dưới đất.
Thấy hết sức tò mò, vị tỷ phú lại gần cậu bé và hỏi chuyện: "Cậu bé, cháu đang làm gì vậy?".
Nghe tiếng ông ta, cậu bé trả lời mà không buồn ngẩng đầu lên: "Cháu đang dẫn đường cho đàn kiến".
Vị tỷ phú bật cười và tự nhủ: "Có con kiến nào phải cần cháu dẫn đường để đi cơ chứ?".
Tuy nhiên, cậu bé vẫn hết sức nghiêm túc kể rằng: "Ông thấy không, chú kiến này đang bị lạc đàn, hoảng hốt đi tìm bạn đồng hành của mình mãi mà không thấy. Cháu phải giúp nó tìm đường về tổ của mình cho đỡ cô đơn một mình, rồi nhỡ người ta giẫm chết thì sao".
Nói rồi, cậu bé tiếp tục dùng nhánh cỏ trong tay để đẩy con kiến đi về phía trước. Dưới sự thúc đẩy từng chút một, cuối cùng, chú kiến đã tìm được phương hướng chính xác của cả đàn. Ngay khi gặp lại các bạn đồng hành, con kiến lập tức vui mừng tới trạm râu với những chú kiến còn lại rồi đi theo đoàn về tổ một cách an toàn.
Chứng kiến hành động của cậu bé, vị tỷ phú hết sức cảm động và nhận ra người tốt việc tốt có thể bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như cứu giúp một chú kiến bị lạc đàn đang cô đơn, hoảng loạn. Điều ý nghĩa hơn cả đó chính là sự kiên trì dẫn dắt từng chút một của cậu bé thay vì đẩy thẳng chú kiến về tổ.
Còn với cương vị là ông chủ lớn của một chuỗi siêu thị khổng lồ tại thành phố, vị tỷ phú thể hiện lòng tốt của mình bằng cách hào phóng giúp đỡ người nghèo và thường xuyên tạo điều kiện để những người khác có cơ hội phát triển hơn.
Một ngày nọ, khi vị tỷ phú vừa đến trước cửa công ty thì ông bất ngờ bị một người phụ nữ ngăn lại. Cô dắt theo một đứa trẻ khoảng 7-8 tuổi, cả hai vừa khóc lóc vừa kể rằng: "Chồng tôi đang ốm nặng, tôi lại thất nghiệp ở nhà, cuộc sống của hai mẹ con vô cùng khó khăn gian khổ, cầu mong ông hãy rủ lòng từ bi thương xót mà giúp đỡ chúng tôi một chút."
Vị tỷ phú chân thành lắng nghe và tràn đầy cảm thông đối với hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con họ. Tuy nhiên, nếu điều đó xảy ra trong quá khứ, ông có thể lập tức rút ra một số tiền mặt rất lớn để hỗ trợ họ vượt qua những ngày khó khăn trước mắt. Nhưng hôm nay, thay vì làm như vậy, ông lại ân cần hỏi người phụ nữ rằng:
"Trước đây cô đã làm công việc gì?".
Người phụ nữ trả lời trong nước mắt: "Tôi từng làm tài chính".
Vị tỷ phú nghe vậy, mắt sáng lên và nói: "Tôi có thể lập tức sắp xếp nhân sự tới kiểm tra năng lực của cô, nếu không có vấn đề gì, cô sẽ được làm việc trong bộ phận tài chính của siêu thị này." Nói đoạn, ông cười và tiếp: "Và cô có thể ứng trước ba tháng tiền lương".
Không ai ngờ được, lòng tốt ấy của vị tỷ phú đã giúp ông có được một chuyên gia tài chính với khả năng kinh doanh cực kỳ khôn khéo, luôn có tư tưởng phải đổi mới và sáng tạo không ngừng, nâng cao doanh thu của hệ thống siêu thị lên đáng kể.
Trong buổi tiệc Giáng sinh, người phụ nữ ngày nào tới trước mặt vị tỷ phú, vừa khóc vừa cười cảm ơn ông đã cho mình một con hướng đi trong cảnh đường cùng ấy.
Vị tỷ phú mỉm cười và nói: "Người cô cần cảm ơn là chính mình thì có. Hãy biết ơn tài năng và sự chăm chỉ của cô".
Có thể thấy rằng, nếu lúc đó ông cho người phụ nữ một số tiền mặt thì sẽ giúp họ giải quyết được những vấn đề cấp bách trong thời điểm đó, nhưng sau đó, họ có thể sinh ra tư tưởng lười biếng, muốn phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác. Sự thay đổi trong cách giúp đỡ của ông đã gián tiếp thay đổi cả cuộc đời của gia đình nghèo khổ năm xưa. Đó không chỉ thể hiện sức mạnh nhân cách, phẩm giá của một người đàn ông mà còn là minh chứng của một trí tuệ và tầm nhìn rộng lớn, là nhân tố không thể thiếu cho mỗi nhân tài kinh doanh.
Có thể thấy rằng, dẫn đường cho một chú kiến là chuyện nhỏ, nhưng dẫn đường cho niềm tin và lý tưởng của một con người lại là việc lớn.
Tục ngữ Việt Nam có câu: "Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ", mang ý nghĩa thể hiện quan hệ mật thiết giữa lao động và hưởng thụ thành quả lao động, khuyến khích mọi người chăm chỉ lao động chứ đừng chỉ nghĩ đến hưởng thụ mà thôi.
Tương tự, văn hóa Trung Quốc cũng có nói: "Cho người ta cá không bằng dạy người ta câu cá". Nếu con người chỉ muốn hưởng thụ thành quả và từ chối lao động, họ mãi mãi phụ thuộc vào người khác chứ không bao giờ thấu hiểu giá trị của quá trình tự tay mình tạo ra thành quả đó.
Chỉ có tự lực cánh sinh, dựa vào chính mình, chúng ta mới có thể đạt được cơ hội đánh thức trí tuệ và tiềm năng, tự tạo ra sức mạnh để đứng lên và thay đổi hiện trạng của bản thân.
Theo Dương Mộc
Trí thức trẻ