Cuối năm 2016, đầu năm 2017, Mekong Capital dứng giữa 2 lựa chọn đầu tư: Chọn các startup giao vận công nghệ hay một doanh nghiệp chuyển phát truyền thống? Kết quả của lựa chọn ấy là Nhất Tín - doanh nghiệp chuyên giao hàng giá trị cao cho Thế giới Di động, FPT được gọi tên. Hiện doanh nghiệp chuyển phát 5 năm tuổi này đang nhắm đến vị trí Top 3 trên thị trường vào năm 2022…
CTCP Đầu tư Thương mại Phát triển Nhất Tín (Nhất Tín Logistics) được biết đến lần đầu trên báo chí vào năm 2017, khi được quỹ đầu tư tư nhân Mekong Capital chính thức rót vốn.
Kể về cơ duyên này, ông Nguyễn Văn Tú - CEO của Nhất Tín - cho biết Tổng Giám đốc Mekong Capital Chad Ovel đã "dạm ngõ" Nhất Tín từ năm 2015. Nhưng khi ấy công ty mới thành lập được 1 năm và trong giai đoạn "có gì làm nấy", nên hơn 1 năm sau câu chuyện "tìm hiểu nhau" mới tiếp tục.
"Trước khi gặp Nhất Tín, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ về nghành Logistics và phân tích biên độ lợi nhuận cũng như tiềm năng phát triển của từng phân khúc khác nhau".
"Cuối năm 2016, đầu năm 2017, Mekong Capital đứng giữa 2 lựa chọn: Đầu tư vào những startup công nghệ hay chọn doanh nghiệp truyền thống có kinh nghiệm vận hành lâu năm. Cuối cùng, chúng tôi chọn lựa mô hình 3PL Logistics và lựa chọn đầu tư vào Nhất Tín", ông Nguyễn Anh Quang - Phó Chủ tịch HĐQT Nhất Tín, đại diện vốn của Mekong Capital - nhớ lại.
Có 2 lý do để Nhất Tín trở thành cái tên sáng giá trong mắt hội đồng đầu tư của Mekong Capital.
Thứ nhất, Mekong Capital là một quỹ đầu tư tư nhân (PE - Private Equity), chứ không phải quỹ đầu tư mạo hiểm (VC - Venture Capital), với chiến lược đầu tư nhắm vào những công ty ưu tiên top 3 tại thị trường họ đang hoạt động. Đối tượng đầu tư là những công ty đã hoạt động ổn định từ 3 - 5 năm, chứ không phải những startup sẵn sàng chịu lỗ dài hơi để giành thị phần.
Thứ hai, mô hình kinh doanh tập trung vào lĩnh vực chuyển phát nhanh và đội ngũ lãnh đạo nhiệt huyết, nhiều kinh nghiệm của Nhất Tín.
Trong khi biên độ lợi nhuận ở Last-mile Delivery (Giao hàng chặng cuối) và Inner-city Delivery (Giao hàng nội đô) gần như là không có do có quá nhiều cạnh tranh cả từ nội địa lẫn nước ngoài, những đối thủ ngoại như Grab, Go-Viet trường vốn, không có KPI về lợi nhuận và vẫn đang đánh chiếm thị phần, thì thị trường ngách của Nhất Tín - Chuyển phát nhanh Door-to-Door (Giao nhận tận nơi) - lại có biên lợi nhuận khá tốt.
Hiện Nhất Tín có hơn 30.000 khách hàng, trong đó chiếm 50% là khách hàng Doanh nghiệp, đang sử dụng 2 dịch vụ chính của Nhất Tín Logistics: luân chuyển hàng hóa giữa các Doanh nghiệp (B2B – Business to Business) và chuyển phát nhanh từ Doanh nghiệp đến Khách hàng (B2C – Business to Customer). Mô hình dịch vụ này hỗ trợ hiệu quả việc giao vận các mặt hàng giá trị cao cho các doanh nghiệp đang phát triển chuỗi bán lẻ, phân phối như Thế giới Di động, FPT Shop, Samsung, Digiworld (DGW)…
"Đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp là những người có từ 10 - 20 năm kinh nghiệm trong ngành và rất nhiệt huyết, muốn xây dựng một cái gì đấy lâu bền và của mình", người đại diện vốn của Mekong Capital tại HĐQT Nhất Tín nhận xét.
Tháng 4/2017, Mekong Capital góp khoản vốn đầu tư đầu tiên vào Nhất Tín Logistics, nắm giữ 16% cổ phần. Dự kiến đến tháng 7/2019, Mekong Capital sẽ góp vốn lần 2 để tăng tỷ lệ sở hữu lên mức 31% - đây cũng là mức tối đa Quỹ Mekong Capital (MEF III) cam kết tham gia để không làm giảm động lực làm việc của đội ngũ điều hành.
Cơ duyên với Mekong Capital là một trong hai bước ngoặt lớn nhất trong chặng đường 5 năm kinh doanh của Nhất Tín. Bước ngoặt thứ 2, ông Tú cho biết, là việc công ty "đánh liều" đầu tư một khoản tiền rất lớn cho gần hai chục lãnh đạo cấp cao của công ty học một khóa về leadership kéo dài 11 tháng.
"Trước đây, chúng tôi vẫn làm việc với nhau, vẫn có kết quả, nhưng yếu tố đột phá thì không có. Muốn đột phá phải đưa yếu tố leadership, cộng với một loạt các chương trình hành động như KPI, lôi cuốn lẫn nhau để làm vì một mục tiêu trong tương lai", CEO Nhất Tín tâm sự.
Khóa học ấy đã khiến dàn lãnh đạo của Nhất Tín thay đổi về tư duy, làm bản lề cho những năm "nhảy số" tiếp theo.
Đột phá về tư duy cũng kéo theo những thay đổi trong quản trị doanh nghiệp. Dàn lãnh đạo cũng nhận ra những thiết sót, sai lầm trước đây và điều chỉnh.
Nói về sai lầm hay mắc phải trước đây, CEO Nhất Tín thừa nhận ông thường không chịu lắng nghe nhân viên góp ý.
"Tôi cho rằng mình có quyền rất to, áp đặt xuống cho các bạn theo kiểu "Phải làm theo ý tôi", "Phải làm theo cách này". Thực sự lấy quyền sếp ra áp đặt thì cái bạn phải làm, nhưng có lẽ các bạn làm nhưng trong lòng hậm hực, và khi hậm hực thì năng suất không cao".
"Giờ khác. Một dự án hay một đầu việc, sau khi mọi người đã đồng thuận thì ai ngồi vô chung với nhau phải là một đội. Mọi người làm việc dựa trên yếu tố đã đồng ý với nhau chứ không phải kiểu "Tôi bắt anh làm"", ông Tú chia sẻ.
Giá trị thị trường bưu chính - chuyển phát của Việt Nam năm 2017 ở mức 472 triệu USD, VNDirect dẫn nguồn từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết. Trong đó, 2 doanh nghiệp Việt Nam dẫn đầu thị trường là VNPost (35,3% thị phần) và Viettel Post (21,3%) (số liệu năm 2016). Dự kiến 5 năm tới, doanh thu thị trường này có thể lên tới 3 - 4 tỷ USD.
Lợi thế của Nhất Tín so với các đối thủ cùng ngành, ông Tú cho là đội ngũ lãnh đạo, khi các anh em nhiều kinh nghiệm trong ngành chuyển phát làm việc cùng nhau, người ít thì 10 năm, nhiều thì 18 - 19 năm. Việc gắn bó với nhau đã lâu khiến dàn lãnh đạo dễ hiểu nhau và rất nhanh có thể đưa ra quyết định.
Nhưng chính dàn lãnh đạo ấy cũng là rào cản, khi những vị sếp tại vị lâu năm ở một doanh nghiệp mang tính truyền thống vẫn lấy kinh nghiệm để triển khai công việc.
Nhất Tín trước đây, mọi người thường nói những từ rất chung chung, như "Em sẽ cố gắng", nhưng Nhất Tín của hôm nay đã khác, tất cả lời hứa đưa ra đều được lượng hóa với thời gian cụ thể, cũng như kết quả đạt được.
"Chúng tôi sẽ không dùng từ "Em sẽ cố gắng" mà phải cam kết làm được vào ngày nào, giờ nào, và có kết quả. Đấy là sự khác biệt rất lớn so với trước đây", ông Tú kể.
Ban lãnh đạo cũng mất thời gian khá lâu để đồng thuận giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp của Nhất Tín. Ba giá trị được lựa chọn là Trung thực, Trách nhiệm và Chiến đấu.
Ví như giá trị Chiến đấu của Nhất Tín mang ý nghĩa "Tôi không bao giờ nói KHÔNG", "Tôi luôn có kết quả vào một thời gian nhất định".
"Đơn giản khi khách hàng hỏi "Có chở hàng từ đây ra Phú Quốc không?", bình thường các bạn trước đây sẽ bảo: "KHÔNG, em không chở được, vì em không có xe". Giờ thì các bạn không bao giờ được nói câu KHÔNG nữa".
"Đầu tiên phải "Có chở được", và tìm giải pháp chở được món hàng đấy. Và luôn có kết quả vào một thời điểm nhất định nào đó, chứ không phải kiểu "Dạ, em làm được, mà không biết bao giờ làm được". Người Nhất Tín rất rõ ràng. Hay như khách hỏi "Xe này đi được Đồng Nai hay không? Kiện hàng đi được Hà Nội không?" Đầu tiên phải nói "Được", sau đó cam kết với khách là bao lâu sẽ tới nơi được", CEO Nhất Tín giải thích.
Hay như giá trị Trách nhiệm của Nhất Tín mang ý nghĩa "Tôi luôn tuân thủ đúng quy trình", "Tôi là gốc rễ của mọi vấn đề". Gốc rễ của mọi vấn đề tức là với một sự việc xảy ra của nhóm khác, "tôi" không thể ở bên ngoài nói "Đây không phải việc của tôi". Giờ các thành viên trong công ty đã là người của một tổ chức, một đội nhóm, thì việc của anh cũng là việc của tôi.
Cùng với văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn 2022 của Nhất Tín cũng được vạch rõ. Tới năm 2022, Nhất Tín phải lọt vào Top 3 thị trường chuyển phát tại Việt Nam, trong bối cảnh mà ông Tú nhận thức được rằng khoảng cách doanh thu giữa doanh nghiệp số 1, số 2 với các đơn vị còn lại thực sự quá xa.
Doanh nghiệp giao vận trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) là doanh nghiệp giao vận hiếm hoi lên sàn. Kết thúc năm tài chính 2018, doanh nghiệp chuyển phát số 2 Việt Nam Viettel Post đạt doanh thu 4.922 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 279 tỷ đồng. Mục tiêu năm 2024 của Viettel Post là doanh thu cao gấp 5,7 lần doanh thu năm 2018, với thị phần nhắm tới khoảng 30 - 35%.
Tính đến cuối năm 2018, doanh thu Nhất Tín đạt khoảng 450 tỷ đồng. Doanh thu kỳ vọng năm 2019 của Nhất Tín ở mức 600 - 700 tỷ đồng.
Ông có nghĩ mục tiêu Top 3 thị trường của Nhất Tín là xa vời, khi các đối thủ đầu ngành như VNPost và Viettel Post cũng đặt mục tiêu rất cao?
Nhắm tới vị trí Top 3 này, các cột mốc thành quả cho từng năm đã được Nhất Tín đặt ra chi tiết và cụ thể như đạt bao nhiêu doanh thu, mở bao nhiêu bưu cục và đầu tư bao nhiêu phương tiện vận tải…
Mỗi một cột mốc thành quả đều có người chịu trách nhiệm kèm theo kế hoạch hành động cụ thể. Ví dụ: Nhất Tín phải mở 500 Bưu cục thì kế hoạch chi tiết thể hiện rõ thời điểm mở từng Bưu cục là khi nào, số lượng phương tiện vận tải là bao nhiêu, lộ trình tuyển dụng và đào tạo nhân sự như thế nào, công suất thiết kế, thị trường và doanh thu của Bưu cục đến từ đâu…?
Năm 2018, chúng tôi bỏ nhiều thời gian và công sức để xây dựng tầm nhìn cho những năm tiếp theo. Năm 2019 là năm bắt đầu cho Tầm nhìn mới và dự báo sẽ là năm hoàn tất, chuẩn bị cho cuộc đua nước rút.
* Nhất Tín nhìn Go-Send và Grab Express thế nào?
Nhóm chuyển phát cho thương mại điện tử là nhóm rất nhộn nhịp. Giờ cả đơn vị nước ngoài cũng vào, thậm chí có những đơn vị trong nước cũng xây lên để tham gia vào thị trường ấy. Phân khúc thị trường của Nhất Tín hiện nay, đối với thị trường đang nhộn nhịp và đang giành giật khách hàng, nhóm khách hàng của Nhất Tín không bị ảnh hưởng.
Cho tới thời điểm này, đa phần khách hàng của Nhất Tín vẫn là nhóm khách hàng truyền thống, B2B, khách doanh nghiệp bán hàng theo chuỗi, hay các nhà sản xuất đúng nghĩa. Còn nhóm chuyển phát cho thương mại điện tử thời điểm này chúng tôi chưa tham gia sâu, mà sẽ tham gia sau vào một thời điểm thích hợp.
* Ngoài vị trí Top 3, Nhất Tín của năm 2022 sẽ thế nào?
Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi là Văn hóa phục vụ khách hàng và phải đạt số 1 thị trường về chất lượng dịch vụ đến từ niềm tin cho từng đơn hàng.
Mục tiêu thứ 2 là phần dành cho cán bộ công nhân viên. Mình cứ hô hào những cái thật to, thật hoành tráng, mà không xây được môi trường làm việc tốt thì cũng rất khó khăn để giữ chân nhân viên hoặc tạo động lực làm việc cho những người tâm huyết. Năm 2022, chúng tôi đặt mục tiêu kiến tạo nơi làm việc hấp dẫn dựa trên nguyên tắc "Cùng đóng góp công sức, cùng chia sẻ thành công".
Tôi tin tưởng khi đạt được 2 mục tiêu trên, Nhất Tín Logistics sẽ đạt được vị trí Top 3, tạo ra quy mô và giá trị cho Công ty, mang lại lợi ích cho Cổ đông và Nhà đầu tư.
* Theo ông, đâu là tố chất của nhà lãnh đạo để đưa doanh nghiệp đến thành công?
Thực sự là phải đam mê. Tôi thấy tất cả những người đam mê với công việc đang làm sẽ quan tâm rất nhiều, dù những cái rất nhỏ, đến các hoạt động của công ty.
Tôi nghĩ nếu người lãnh đạo là người có đam mê với công việc, thì khả năng thành công sẽ cao hơn (khả năng thôi, chứ chưa chắc chắn). Đồng thời khi có sự đam mê ấy, cộng với niềm tin vào công việc đang làm, sẽ truyền lửa được cho tuyến dưới, lôi cuốn được các thành viên cùng làm.
Nhìn vào Nhất Tín, những người đam mê thực sự sẽ có kết quả trong KPI, và đâu đó những người làm hời hợt, tạm bợ, thì dần dần một thời gian sau, họ không còn là lãnh đạo nữa, hoặc thậm chí phải rời khỏi công việc. Tôi muốn tạo ra một môi trường mà mọi người thích thú với công việc, chứ không ép làm việc.
* Vì sao các ông lựa chọn cái tên Nhất Tín?
Trước đây chúng tôi cùng làm việc cho một công ty chuyển phát tên Tín Thành, sau khi Tín Thành hợp tác với một đơn vị khác, chúng tôi lập ra Nhất Tín vào cuối năm 2014.
Tín Thành trước kia mang ý nghĩa có Tín thì sẽ Thành công, lấy chữ Tín làm nền tảng xuyên suốt trong việc cung cấp dịch vụ. Sau này anh em đều nghĩ rằng chữ Tín ở thời điểm này chưa hẳn sẽ thành công, mà phải đặt chữ Tín lên hàng đầu. "Nhất Tín" chính là chữ Tín phải ở vị trí số 1 ("Nhất").
* Xin cảm ơn ông!
Nguyên Bảo
Theo Trí Thức Trẻ