Người đàn ông từng "làm mưa làm gió" với thương hiệu Jimmy Choo, thiết kế giày cho cố công nương Diana: Đừng bao giờ tham lam hay sân si!

Ở tuổi 71, sau bao thiết kế giày khiến phụ nữ trên toàn thế giới mê mẩn, Jimmy Choo lại trở về với cuộc sống bình lặng nơi quê nhà Malaysia, cùng một tình yêu giày không bao giờ phai mờ.


Ở tuổi 71, sau bao thiết kế giày khiến phụ nữ trên toàn thế giới mê mẩn, Jimmy Choo lại trở về với cuộc sống bình lặng nơi quê nhà Malaysia, cùng một tình yêu giày không bao giờ phai mờ.

Nhắc tới Jimmy Choo, người ta sẽ nghĩ ngay đến những đôi giày duyên dáng được làm ra một cách vô cùng tinh xảo. Nổi tiếng là người từng thiết kế giày cho cố công nương Diana, Jimmy Choo làm ra hàng trăm sản phẩm nâng niu từng đôi chân của các nhân vật hoàng gia, ngôi sao nhạc pop và từng diễn viên trong loạt phim Sex and the City trong suốt cuộc đời mình.

Ở tuổi 71, ông Choo vẫn rất khỏe mạnh và tràn đầy nhiệt huyết. Gương mặt ông luôn toát lên một vẻ thanh thản đến lạ lủng. Dù đã rời bỏ công ty cùng tên do mình thành lập, Jimmy Choo vẫn tiếp tục niềm đam mê thiết kế giày của mình.

"Một điều tôi học được từ cha mẹ mình đó là: bạn phải sống thật hạnh phúc và đừng bao giờ tham lam hay sân si," ông nhớ lại. "Chẳng còn gì trên đời có thể khiến tôi ngậm ngùi cay đắng. Dù bạn làm gì, đó cũng là lựa chọn của bạn, bạn không có quyền được ghen tỵ. Tôi nói thế đúng chứ?"

 Người đàn ông từng làm mưa làm gió với thương hiệu Jimmy Choo, thiết kế giày cho cố công nương Diana: Đừng bao giờ tham lam hay sân si! - Ảnh 1.

Nhà thiết kế gốc Malaysia vẫn luôn nhớ về những bất đồng với đồng sáng lập thương hiệu - bà Tamara Mellon - điều đã dẫn tới sự ra đi của ông 16 năm về trước. Khi Mellon và Choo bắt đầu hợp tác với nhau, Jimmy Choo vẫn chỉ là một cửa hàng giày chật hẹp nằm ở khu vực East End của London. Tại đây, ông đã thiết kế nên những đôi giày bespoke dành riêng cho các quý cô, quý bà thuộc tầng lớp thượng lưu. Mellon đã miêu tả rằng: "Chỗ này trông thật gớm ghiếc, nhưng từng chiếc Bentley vẫn lần lượt đỗ lại, các quý bà và quý cô vẫn ngồi xuống, thử giày trên những chiếc bìa carton, và chờ đợi giày của mình được hoàn thành cho kịp bữa tiệc."

Vào đầu thập niên 90, hãng giày danh tiếng duy nhất ở London là Manolo Blahnik. Vừa bỏ việc tại tờ Vogue Anh, Mellon ngay lập tức nhìn thấy cơ hội làm ăn với "người thợ giày châu Á". Sau khi vay tiền cha mình, Mellon và Choo đã thành lập nên thương hiệu Jimmy Choo và dần trở nên nổi tiếng toàn cầu. Thật không may, mối quan hệ hợp tác của họ ngày càng rạn nứt vì các mâu thuẫn. Đến năm 2001, Choo quyết định bán 50% cổ phần của mình cho công ty Phoenix Equity Partners với giá 10 triệu bảng Anh.

16 năm sau, thương hiệu Jimmy Choo đã đạt mức doanh thu 500 triệu USD hàng năm, với nhiều loại sản phẩm từ đồ may sẵn, nước hoa, kính mắt, đồ nam, phụ kiện và túi xách. Trong khi đó, ông Choo vẫn cần mẫn thiết kế giàu cho gia đình, bạn bè thân thiết và một số khách hàng chọn lọc.

Giờ đây, sản phẩm giày của ông mang thương hiệu Zhou Yang Jie - cũng là tên tiếng Trung của ông. "Tôi không dùng cái tên Jimmy Choo nữa. Tôi sử dụng tên tiếng Trung của mình. Bởi lẽ, tôi đã rời Jimmy Choo và không muốn mọi người hiểu lầm. Tôi không muốn cạnh tranh với ai cả. Tôi tự hào về chính mình," ông giải thích.

Nếu được nhìn lại, Jimmy Choo sẽ làm điều gì khác đi? "Tôi không cảm thấy buồn," nhà thiết kế Choo khẳng định. "Tôi không học luật, cũng chẳng hiểu biết về kế toán. Tôi học thiết kế giày và nó luôn nằm trong tim tôi. Tôi không rành lắm về kinh doanh. Vì thế, nếu bạn quyết định bán đi doanh nghiệp, có nghĩa là bạn bán".

 Người đàn ông từng làm mưa làm gió với thương hiệu Jimmy Choo, thiết kế giày cho cố công nương Diana: Đừng bao giờ tham lam hay sân si! - Ảnh 2.

"Đây là một quyết định hay, bởi 2 lý do. Nó cho phép tôi dành nhiều thời gian bên con cái. Trước kia, tôi chủ yếu chỉ ở trong xưởng, chẳng thể nào gặp được chúng. Tôi cũng không đưa chúng đi chơi được. Tôi có thể trả tiền học phí hàng tháng, nhưng đó không phải là tình yêu. Con tôi muốn biết rằng mình cũng có một người cha."

Jimmy Choo rút điện thoại ra và khoe bức ảnh chụp Danny - một doanh nhân thành công với sản phẩm "Smart Dolls" tại Nhật Bản - và - Emily - bà chủ của một hiệu bánh ngọt. Ông cũng rất tự hào về cô cháu gái Lucy Choi - người sở hữu một cửa hàng giày cao cấp ở phố Connaught, nơi ông đã từng ở. Còn khi nhắc đến cô cháu gái Sandra Choi, Jimmy Choo mím môi: "Con bé rất bận rộn; chúng tôi không gặp nhau nhiều lắm." Choi đã làm cùng Choo và Mellon vào năm 1996. Sau khi Mellon rời công ty năm 2011, Choi là người duy nhất trong đội ngũ ban đầu ở lại. Giờ đây, cô đã là một giám đốc sáng tạo thành công, xuất hiện trong danh sách 500 người quyền lực nhất trong lĩnh vực kinh doanh thời trang.

Giờ đây, Jimmy Choo còn nhen nhóm một niềm đam mê mới: đào tạo những nhà thiết kế giày non trẻ. "Bạn phải trả lại cho xã hội, đó là truyền thống Trung Hoa," ông giải thích. Hiện tại, ông đang là đại sứ của Hội đồng Anh tại Hồng Kông, với sứ mệnh quảng bá giáo dục Anh tới học sinh nước ngoài. "Tôi đã tìm thấy ‘phong thủy’ tại London," Jimmy Choo cho biết. "Nền giáo dục Anh đã thay đổi cuộc đời tôi. Nếu ở lại Malaysia, có lẽ giờ này tôi vẫn chỉ là một kẻ vô danh.

Jimmy Choo cũng nhắn nhủ tới các nhà thiết kế trẻ rằng, nếu muốn thành công, học hỏi và khiêm tốn là 2 yếu tố quan trọng nhất.

"Ngày xưa, chúng tôi tự làm mọi thứ một mình, vậy nên nền tảng của tôi rất vững. Sau này đi học, trường giúp tôi có nhiều ý tưởng hơn. Các bài giảng đều lấy từ thực tiễn thị trường, vậy nên tôi đã được học rất nhiều thứ. Bạn phải sẵn lòng học hỏi. Tôi đã rất cố gắng chăm chỉ để không làm cha mình thất vọng," Choo nói. Cha chính là người đã dạy ông những kỹ thuật làm giày đầu tiên.

"Hãy biết khiêm tốn và sống đơn giản. Nếu có ai đó ủng hộ bạn, bạn cần phải biết ơn điều đó. Đừng tự kiêu rằng mình là người tài giỏi, bạn phải có quyết tâm và luôn sáng tạo những điều mới mẻ. Hãy sống đơn giản, khiêm tốn và hòa đồng với mọi người."

 Người đàn ông từng làm mưa làm gió với thương hiệu Jimmy Choo, thiết kế giày cho cố công nương Diana: Đừng bao giờ tham lam hay sân si! - Ảnh 3.

Quay trở về điểm xuất phát tại Mont Kiara - một khu vực sang trọng tại thủ đô Kuala Lumpur, Choo gây bất ngờ với tủ đồ khá khiêm tốn chỉ có khoảng 75 đôi giày. Hầu hết chúng đều là sản phẩm ông tự tay thiết kế.

"Tôi tặng rất nhiều giày cho bạn bè mình. Tôi không muốn giữ nhiều quá".

Quần áo ông mặc đều là hàng đặt làm từ nhà may địa phương ưa thích - Lord’s - nơi ông cho rằng còn "làm tốt hơn cả Savile Row". Vừa nói, Jimmy Choo vừa lắc vai trong chiếc áo jacket lụa có màu xanh sặc sỡ, với túi trong thêu một bông hoa dâm bụt trắng và một con chim ruồi màu ngọc lục bảo. Ông lật áo ra, để lộ mác áo có in đầy đủ tên tuổi và tước hiệu cá nhân của ông. Chiếc sơ mi ông mặc cũng được làm từ lụa màu kem đến từ Lord’s, trong khi đôi giày loafer hình hạnh nhân được làm từ da dê màu nâu caramel.


Theo Ngọc Hà

Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nguoi-dan-ong-tung-lam-mua-lam-gio-voi-thuong-hieu-jimmy-choo-thiet-ke-giay-cho-co-cong-nuong-diana-dung-bao-gio-tham-lam-hay-san-si-a102149.html