Nhờ phương pháp “mỏ neo" này, bạn sẽ kiểm soát được tình hình tài chính của mình cũng như tránh được các sai lầm khiến bạn hối hận về sau.
Là người tiêu dùng, chúng ta không biết rằng các quyết định chi tiêu của mình đang bị ảnh hưởng bởi thiên kiến nhận thức, theo chuyên gia tài chính cá nhân Emily Guy Birken. Nói cách khác, đây là hiệu ứng “neo” tâm lý, trong đó con người sẽ lấy thông tin đầu tiên mình nghe được làm tiêu chuẩn để đánh giá các thông tin tiếp nhận sau đó.
“Khi đi mua sắm, mức giá đầu tiên chúng ta nghe được sẽ trở thành mức giá tiêu chuẩn cho các sản phẩm cùng loại sau đó,” Guy Birken cho biết.
Chẳng hạn, bạn đang hỏi một người đồng nghiệp về giá nhà trung bình trong thành phố, và anh ta khoe đã mua một căn nhà với giá 450.000 USD gần đây.
Vậy là, bạn đã vô tình coi đó là giá nhà trung bình trong thành phố, do bị ảnh hưởng bởi lời nói của đồng nghiệp. Theo Guy Birken, giá nhà có thể thấp hơn trên thực tế.
Đây chính là chiêu trò mà những người tiếp thị thường dùng để “lừa” bạn vung tay mua sắm.
Chẳng hạn: Nhà hàng niêm yết giá của một chai rượu là 90 USD. Nhưng thật ra họ đang dùng giá đó để làm “mỏ neo” nhằm thuyết phục bạn mua chai rượu 28 USD.
“Nếu so với chai rượu giá 90 USD, 28 USD là một cái giá hời,” Guy Birken chỉ ra. “Nhưng bạn hoàn toàn có thể hạnh phúc chỉ với chai rượu giá 15 USD.”
Chuyên gia tài chính Emily Guy Birken
Chi tiêu khôn ngoan bằng cách tự tạo “mỏ neo” cho mình
Theo Guy Birken, bạn có thể tránh được cái bẫy này bằng cách tự tạo ra “mỏ neo” của riêng mình.
Hãy đặt ra một mức giá mà bạn sẵn lòng chi cho một thứ gì đó, và coi đó là “mỏ neo”.
Ví dụ, Guy Birken thường đặt ra hạn mức chi tiêu mà cô sẽ dành cho sách nói (audiobook).
Thông thường, cô dành 16 USD/tháng để đăng ký gói mua sách. Mỗi tháng, cô sẽ nhận được điểm thưởng miễn phí. Tuy nhiên, điểm thưởng này không hề miễn phí chút nào - chúng chẳng khác nào bắt cô vừa trả tiền sách vừa mất thêm 16 USD.
Để dễ quyết định hơn, Guy Birken chỉ mua sách có giá cao nhất là 10 USD (bằng tiền của chính mình). Cô sẽ sử dụng điểm thưởng cho những cuốn có giá trên 10 USD.
Làm sao để xác định “mỏ neo” của mình?
Theo Guy Birken, lý do lớn nhất khiến chúng ta khó đưa ra được những quyết định chi tiêu khôn ngoan, đó là vì tiền không có giá trị cố hữu.
“Nó có giá trị bởi vì chúng ta quyết định nó có giá trị,” cô nói. “Chúng ta bị lừa bởi bẫy tư duy ‘mỏ neo’ vì chúng ta đang phải giải quyết một thứ chỉ tồn tại trên lý thuyết nhưng không có thực.”
Tuy nhiên, vẫn có cách để bạn xác định giá trị thực sự của một món hàng hoặc dịch vụ đối với mình.
Cách thứ nhất là quy đổi sang số giờ làm việc bạn cần để kiếm đủ tiền mua nó.
Chẳng hạn, bạn kiếm được 35 USD/h.
Bạn quyết định thuê huấn luyện viên riêng. Một người bắt bạn trả 70 USD/h - tương đương với 2 tiếng làm việc. Người khác bắt bạn trả 40 USD/h - tương đương với hơn 1 tiếng làm việc.
Tùy theo lối sống và chi tiêu của mình, bạn có thể trả 40 USD nếu thấy 1 tiếng tập luyện chỉ đáng giá 1 tiếng làm việc của bạn.
Cách thứ hai là so sánh giá của món đồ cần mua với giá của một thứ bạn yêu thích.
Giả sử bạn thích cà phê thủ công có giá 2,5 USD/ly tại cửa hàng gần nhà. Bạn đang phân vân không biết có nên bỏ ra 50 USD để mua một cái váy. Chiếc váy này đáng giá bằng 20 cốc cà phê của bạn.
Nếu dùng cà phê làm “mỏ neo”, bạn sẽ dễ dàng xác định giá trị của chiếc váy đối với mình.
“Đó là cách mà phương pháp ‘mỏ neo’ sẽ giúp bạn chi tiêu khôn ngoan hơn,” Guy Birken cho biết.
“Mỏ neo” có tác dụng cả với các khoản chi tiêu lớn
Guy Birken và chồng mình đã mua được 3 căn nhà trong quãng thời gian kết hôn với nhau. Mỗi lần, người môi giới nhà đất lại cố gắng thuyết phục họ đi xem những ngôi nhà nằm ngoài mức giá đã định, nhưng họ kiên quyết từ chối.
Cô giải thích rằng: Nếu người môi giới khuyến khích bạn mua nhà với giá nhiều hơn mức đã định 30.000 USD, anh ta sẽ nói với bạn rằng số tiền đó chẳng đáng là bao - số tiền bạn phải trả mỗi tháng sẽ không tăng lên nhiều.
“Nhưng nó là một khoản tiền rất nhiều,” Guy Birken khẳng định. “Bạn phải tự quyết định xem mình có đủ khả năng chi trả không và đừng để người khác ‘dắt mũi’.”