Tuyển Việt Nam cần về nhất bảng G hoặc là một trong 4 đội về nhì có thành tích tốt nhất mới đủ điều kiện đi tiếp vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á.
Sau lễ bốc thăm vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam rơi vào bảng G cùng 3 đại diện khác đến từ khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Malaysia và Indonesia. UAE là đội bóng cuối cùng có tên trong bảng đấu "AFF Cup thu nhỏ" này.
Thể thức thi đấu ở vòng loại thứ hai
Tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, 5 đội tuyển sẽ thi đấu theo thể thức vòng tròn tính điểm trên cả sân nhà và sân khách.
8 đội nhất bảng và 4 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất giành quyền vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á và có vé tham dự Asian Cup 2023.
Về lý thuyết, tấm vé nhất bảng giành quyền đi tiếp thường dành cho 8 đội tuyển thuộc nhóm hạt giống số một. Các đội nằm trong nhóm hạt giống thứ hai như tuyển Việt Nam thường hướng đến mục tiêu top 4 đội về nhì có thành tích tốt nhất.
Việc so sánh thành tích với các đội tuyển khác bảng đấu là điều không còn quá xa lạ đối với đội tuyển Việt Nam.
Tại Asian Cup 2019 trên đất UAE, thầy trò HLV Park Hang-seo đã lách qua khe cửa hẹp bằng chỉ số phụ fair-play để trở thành một trong 4 đội bóng về thứ 3 có thành tích tốt nhất và lọt vào vòng 1/8. Việc ghi thật nhiều bàn thắng, hạn chế bàn thua là nhiệm vụ tối quan trọng để cạnh tranh thứ hạng này.
Nhì bảng thành tích cao còn khó hơn nhất bảng
Tại bảng G, đội tuyển Việt Nam may mắn khi không phải chạm trán những "gã khổng lồ" như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Iran,... mà chung bảng với UAE, đội đứng thứ 6 trong top 8 châu Á.
Tuy nhiên, 3 đối thủ còn lại thực sự là trở ngại lớn với đội tuyển Việt Nam. Khi cả Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều đến từ Đông Nam Á, các đội đã nhiều lần chạm trán nhau ở đấu trường khu vực, không nhiều đột biến hay vũ khí bí mật nào xuất hiện trong những cuộc so găng.
Trên bảng xếp hạng FIFA, đội tuyển Indonesia đứng thứ 160, thứ hạng cao nhất trong số 8 đội tuyển thuộc nhóm hạt giống số 5 vòng loại World Cup. Kể từ năm 1975 trở lại đây, Việt Nam và Indonesia chạm trán nhau 22 lần. "Những ngôi sao vàng" chỉ thắng 5, hòa 8 và thua tới 9.
Trong hai chiến thắng gần nhất, đội tuyển Việt Nam có tỷ số 2-1 và 3-2, chỉ đều với cách biệt 1 bàn. Ở lần gần nhất đối đầu, chính Indonesia đã loại Việt Nam ngay trên sân nhà Mỹ Đình ở vòng bán kết AFF Cup 2016 bằng bàn thắng trong hiệp phụ.
Trong khi đó, cả Thái Lan và Malaysia đều là những đối thủ lớn ở Đông Nam Á. Dù để thua tại King's Cup, tuyển Thái Lan vẫn sở hữu nhiều hảo thủ có kinh nghiệm chinh chiến tại vòng loại World Cup. "Voi chiến" còn như mọc thêm cánh với sự góp mặt của HLV Akira Nishino trên băng ghế huấn luyện.
Theo Fox Sports Asia, Malaysia được đánh giá là một trong những thế lực mới nổi đáng gờm nhất Đông Nam Á.
Trong quá khứ, Việt Nam từng thắng Malaysia với 11 lần, hòa 5 và chỉ thua có 3 kể từ năm 1975 đến nay. Tuy nhiên, khi hai đội gặp nhau ở lần đối đầu gần nhất, thầy trò HLV Park Hang-seo gặp không ít khó khăn mới có thể đánh bại Malaysia để lên ngôi vô địch Đông Nam Á cuối năm ngoái.
Trên sân Mỹ Đình, đội tuyển Việt Nam có hai chiến thắng 2-0 (vòng bảng) và 1-0 (chung kết lượt về) trước Malaysia ở AFF Cup 2018. Tuy nhiên, khi làm khách trong trận lượt đi, các cầu thủ áo đỏ phải chịu áp lực không hề nhỏ. Thầy trò Park Hang-seo bị cầm hòa với tỷ số 1-1 trên sân Bukit Jalil tại Kuala Lumpur.
Trong trường hợp về nhì bảng G, khả năng đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng với cách biệt lớn trước Thái Lan, Malaysia và Indonesia là không cao, khiến việc cạnh tranh với các đội nhì bảng khác gặp nhiều khó khăn.
Do đó, đội tuyển Việt Nam có thể cần hạ quyết tâm giành tấm vé bước vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á với tư cách nhất bảng G. Mục tiêu này thậm chí còn khả thi hơn việc ghi được nhiều bàn thắng vào lưới các đối thủ trong khu vực.
Nhật Minh
Theo Zing
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/kich-ban-nao-de-viet-nam-tien-xa-tai-vong-loai-world-cup-2022-a102391.html