6 tháng đầu năm 2019, các tỷ phú Việt thay đổi ra sao trên bảng xếp hạng thế giới?

Các tỷ phú USD của Việt Nam có nhiều điểm nổi bật trong hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2019.


Các tỷ phú USD của Việt Nam có nhiều điểm nổi bật trong hoạt động kinh doanh nửa đầu năm 2019.

Tính đến ngày 28/12/2018, theo danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản trị giá 6,7 tỷ USD và đứng thứ 499 toàn cầu.

Hiện nay, ông Vượng đang xếp thứ 239 trên toàn cầu và khối tài sản hiện tại Forbes ghi nhận là 6,6 tỷ USD. Ông đã tăng 260 bậc trong vòng nửa năm vừa qua.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, tập đoàn Vingroup đã có rất nhiều bước tiến lớn với sự ra mắt của nhà máy Vinfast Hải Phòng, thành lập Vinbus với vốn 1.000 tỷ VND, lập không gian ảo siêu thị ảo Vinmart 4.0 (Virtual Store), tấn công vào lĩnh vực công nghệ với việc thành lập VinTech và mới đây nhất là lập Công ty cổ phần hàng không Vinpearl Air với vốn điều lệ 1.300 tỷ VND.

Đầu tháng 7, Vingroup cũng đã chọn ngừng tham gia chương trình xếp hạng tín nhiệm của Fitch.

Giữa tháng 12/2018, bà Nguyễn Thị Phương Thảo trở thành người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách The Bloomberg 50 - 50 nhà lãnh đạo và doanh nhân tiêu biểu toàn cầu của năm 2018, sánh ngang nhiều nhân vật nổi tiếng.

Thời điểm đó Forbes cũng xếp bà Thảo ở vị trí 44 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới (tăng 11 bậc so với năm 2017), bên cạnh những người nổi tiếng như: Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế, bà Christine Lagarde,...

Tính đến thời điểm hiện tại, bà Thảo đang đứng thứ 1.008 trên bảng xếp hạng Forbes với khối tài sản ghi nhận là 2,3 tỷ USD.

Năm 2018 cũng chứng kiến sự nổi lên mạnh mẽ của ông Nguyễn Đăng Quang. Bloomberg ghi nhận ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group là một trong hai tỷ phú USD mới tại khu vực Đông Nam Á trong năm 2018. Ông lọt danh sách tỷ phú của Forbes vào tháng 3/2019. Thời điểm đó, ông đứng thứ 1.717 trên bảng xếp hạng và hiện vẫn giữ nguyên thứ hạng.

 6 tháng đầu năm 2019, các tỷ phú Việt thay đổi ra sao trên bảng xếp hạng thế giới? - Ảnh 1.

Ảnh: Forbes Việt Nam

Gần đây, tài sản của ông Quang đang sụt giảm một cách "chóng mặt" vì cổ phiếu MSN giảm khá sâu so với hồi đầu tháng 7. Ông Quang dù chỉ sở hữu trực tiếp 15 cổ phiếu MSN nhưng hiện đang sở hữu gián tiếp thông qua Công ty Cổ phần Masan và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương. Tại 2 doanh nghiệp này, ông Quang đều nắm 48,5% vốn. Công ty Cổ phần Masan sở hữu 365.215.870 cổ phiếu MSN trong khi Xây dựng Hoa Hướng Dương sở hữu 154.756.706 cổ phần.

Tính theo giá trị thị trường, tài sản của ông Quang thông qua nắm giữ cổ phiếu MSN trực tiếp và gián tiếp vào hôm nay còn 19.115 tỷ đồng, giảm gần 2.500 tỷ so với tài sản có được hồi đầu tháng 7.

Cuối năm 2018, trong khi ông Trần Đình Long rớt khỏi danh sách của Forbes, ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Công ty Trường Hải – vẫn trụ tại bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh. Tài sản của ông Dương ước tính là 1,7 tỷ USD và thời điểm đó đứng ở vị trí 1.334 trong danh sách và giờ đã tụt 15 bậc xuống vị trí 1.349.

Cùng thời điểm với ông Nguyễn Đăng Quang, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank cũng có 1,7 tỷ USD - tương đương ông Trần Bá Dương, đứng thứ 1.349 thế giới vào thời điểm đó và vẫn giữ nguyên xếp hạng cho tới thời điểm hiện tại.

Một nhân vật nữa là ông Hoàng Kiều, tỷ phú người Mỹ gốc Việt, tính đến cuối năm 2018, ông vẫn còn nằm trong bảng xếp hạng tỷ phú, với 2,8 tỷ USD, ông đứng thứ 859 thế giới. Nhưng đến tháng 3 năm 2019, sau nhiều năm liên tiếp góp mặt trong danh sách của Forbes, doanh nhân gốc Việt hiện không còn sở hữu tài sản tỷ USD và đã không còn có tên trong bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh.


Theo Hoàng An

Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/6-thang-dau-nam-2019-cac-ty-phu-viet-thay-doi-ra-sao-tren-bang-xep-hang-the-gioi-a102619.html