Mở đầu câu chuyện, cơ trưởng Tô Ngọc Giang (Hãng hàng không Vietnam Airlines) thú nhận, cơ duyên đến với nghề bay của anh khá bất ngờ.
Sinh năm 1970, cơ trưởng Tô Ngọc Giang hiện là Đoàn trưởng Đoàn bay 919 thuộc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - một trong 7 tập thể vừa được vinh danh trong chương trình Vinh quang Việt Nam lần thứ 15 - 2019.
Cơ trưởng Tô Ngọc Giang chia sẻ, với các phi công thế hệ trước, hầu hết đến với nghề khi gia đình có người thân từng làm trong ngành. Nhưng với anh, đến với nghề bay là một sự tình cờ.
Cuối năm 1994, anh tốt nghiệp ngành Điện tử, Đại học Bách khoa Vinnytsia (Ukraina) và về nước. Tình cờ, trong lần gặp một anh bạn có người nhà làm trong ngành hàng không thì được biết Vietnam Airlines đang tuyển phi công. Anh đánh liều đăng ký khám sức khỏe, ‘thử cho vui trong lúc đang chưa có việc gì để làm, chứ cũng không nghĩ rằng một ngày mình sẽ cầm lái. Dù sao cũng được một lần khám sức khỏe miễn phí’ - anh nói đùa.
Vài tháng sau, anh nhận giấy báo trúng tuyển, nhưng cũng để một chỗ rồi quên luôn. Sau đó, anh có đi làm ở một vài công ty công nghệ nhưng cảm thấy không phù hợp lắm. Anh sực nhớ đến tờ giấy báo trúng tuyển học phi công và muốn thử xem thế nào.
Năm 1995, anh vào Vietnam Airlines, bắt đầu bằng lớp dự khóa bay. Sau hơn 1 năm, anh được cử đi học ở Pháp. Đến cuối năm 1997, anh tốt nghiệp về nước và đầu năm 1998 bắt đầu ngồi trên ghế lái.
‘Cho đến bây giờ, tôi thấy mình rất may mắn khi có một quyết định đúng đắn. Càng đi vào nghề, tôi càng thấy nó hay và phù hợp với mình’ - vị cơ trưởng chia sẻ.
Phía sau hào quang
Sau 21 năm làm nghề, điều anh cảm thấy hấp dẫn nhất ở công việc này là những thách thức của mỗi chuyến bay.
‘Cũng có thể tôi đã bay chiếc máy bay đó nhiều lần, cũng là chặng đường đó, với người đồng nghiệp đó, nhưng mỗi lần đóng cửa máy bay là một trải nghiệm khác, những tình huống khác mà sau này nhìn lại mình đều thấy một điều gì đó mới mẻ, không bao giờ cảm thấy nhàm chán’.
Nghề bay cũng mang lại cho anh nhiều thứ. ‘Đặc quyền’ đầu tiên là cơ hội được tiếp cận với những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất, chỉ sau ngành công nghiệp vũ trụ. Nhưng cũng chính điều đó đòi hỏi người phi công lúc nào cũng phải học hỏi, nghiên cứu và cập nhật liên tục những kiến thức mới.
‘Thứ hai là cơ hội được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người, với các nền văn minh khác nhau, các quy định khác nhau rất thú vị’.
Nhưng đổi lại, đằng sau những ‘đặc quyền’ và hào quang của nghề là sự vất vả vì ‘đi lại nhiều, giờ giấc lung tung, lúc người ta ngủ thì mình thức, lệch múi giờ’.
Nhiều phi công chia sẻ, họ không có khái niệm thứ mấy, chỉ biết hôm nay là ngày bay hay ngày nghỉ. Đặc biệt là các dịp lễ tết thì họ lại càng phải làm việc vất vả hơn bình thường. Việc không có những ngày nghỉ trọn vẹn với gia đình là chuyện thường xuyên.
‘Nhiều khi đã lên kế hoạch với gia đình nhưng đến phút 89 lại có chuyến chuyên cơ nào đó, hoặc đồng nghiệp ốm phải đi thay. Chuyện đó xảy ra rất nhiều lần. Những lần như thế chắc chắn là vợ con cũng không hài lòng, nhưng rồi vợ con cũng hiểu và thông cảm. Nhưng cũng có nhiều người không được may mắn như tôi, là không được gia đình thông cảm. Vì thế, chúng tôi vẫn nói là tỷ lệ ly hôn của phi công khá cao’.
Để có thời gian dành cho gia đình, tất cả mọi công việc đều phải được lên kế hoạch trước cả tháng và tập trung giải quyết vào 1, 2 ngày nghỉ sau những chuyến bay.
Nhưng cũng chính nhờ những khó khăn đó mà anh nhận thấy và rất trân trọng một đức tính, một truyền thống ở hầu hết các phi công của Vietnam Airlines, đó là luôn đặt công việc chung lên trên hết. ‘Họ sẵn sàng hủy cả chuyến đi với gia đình để thực hiện một chuyến bay đột xuất’.
‘Tinh thần cống hiến đó không phải xuất phát từ mức lương chúng tôi nhận được, mà nó là truyền thống từ xưa vẫn thế. Chỉ khoảng 5-7 năm trở lại đây, thu nhập của phi công mới được cải thiện, hướng đến mặt bằng chung của thế giới, còn trước đó mức lương của chúng tôi không phải là cao’ - cơ trưởng Ngọc Giang chia sẻ.
Trở thành phi công bình thường không quá khó
Trở thành phi công và cho đến bây giờ làm vị trí quản lý ở Đoàn bay 919 – một đơn vị tiêu biểu và giàu truyền thống của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, cơ trưởng Tô Ngọc Giang cho rằng anh luôn tự nhắc mình phải nỗ lực để kế thừa tinh thần sáng tạo và quyết tâm học hỏi của các thế hệ đi trước.
‘Mỗi chuyến bay đều có quy trình chuẩn nhưng nếu phi công có tinh thần tiết kiệm, mỗi chuyến bay có thể dễ dàng tiết kiệm được 100-200 kg dầu. Nếu nhân lên trung bình 450 chuyến bay mỗi ngày như ở Vietnam Airlines thì trong vòng 1 ngày chúng ta có thể tiết kiệm được 10 nghìn đô rất dễ dàng’.
Chia sẻ về sự khác biệt giữa khi ngồi trên ghế lái và khi ngồi ở vị trí quản lý một đoàn bay lớn như 919, cơ trưởng Giang chia sẻ, công việc quản lý ‘thực sự khó’.
‘Khi đóng cửa một chiếc máy bay, phi công là người làm chủ. Họ quyết định mọi thứ gồm cả mạng sống của hàng trăm hành khách cùng với khoảng 200 triệu đô la giá trị chiếc máy bay. Vì thế, họ là những người làm việc độc lập và rất quyết đoán nên để quản lý những người như thế thì rất khó. Mình phải biết họ nghĩ gì, tại sao họ làm như vậy thì mới quản lý được’.
Theo anh, có 2 yếu tố quan trọng nhất để trở thành một phi công, đó là tâm lý vững vàng và nền tảng kiến thức tốt.
‘Tâm lý là yếu tố quan trọng số 1. Nếu ở dưới đất bạn biết 10 thì lên trời bạn chỉ còn 7. Khi ở môi trường trên không, khả năng làm việc, trí nhớ, phản xạ của bạn chỉ còn 70%. Còn nếu muốn có nền tảng kiến thức tốt thì phải chịu khó học hỏi. Điều kiện cần này ít nhất sẽ giúp bạn trở thành một phi công bình thường. Nếu muốn trở thành phi công giỏi, còn cần nhiều yếu tố khác, trong đó có niềm đam mê’.
‘Trong nghề, khi chúng tôi khen ai đó ‘chuyên nghiệp’, có nghĩa là người đó hội đủ các yếu tố: đúng giờ, đúng quy trình, sáng tạo, tiết kiệm trong khai thác, sẵn sàng đặt công việc chung lên trên…’
Là một phi công, một giáo viên dạy các phi công, cơ trưởng Tô Ngọc Giang chia sẻ, các anh vẫn luôn nói với các bạn học viên rằng, để trở thành một phi công bình thường thì không quá khó, nhưng để trở thành một phi công giỏi thì rất khó. Và mục đích của các em là phải trở thành phi công giỏi.
‘Để trở thành phi công giỏi, điều kiện tiên quyết là phải chịu khó học hỏi qua thầy, qua sách vở, bạn bè. Nghề này khác với các nghề khác là bạn không chỉ phải chăm chỉ học tập lúc thi vào, mà phải luôn học hỏi trong suốt quá trình làm nghề. Cứ 6 tháng một lần, tất cả các phi công đều phải trải qua bài kiểm tra, thậm chí các giáo viên cũng phải đánh giá lẫn nhau’.
Nguyễn Thảo - Ngọc Trang
Theo VietnamNet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/co-truong-tiet-lo-bi-mat-sau-21-nam-lam-phi-cong-vietnam-airlines-a102733.html