Độ "viral" của FaceApp chỉ chứng tỏ rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ coi trọng quyền riêng tư của chính mình, tự nguyện "dâng hiến" dữ liệu cá nhân chỉ để lấy vài bức ảnh giải trí!

Sau hơn 1 năm xảy ra vụ bê bối quyền riêng tư nghiêm trọng Cambridge Analytica, người dùng vẫn không mấy để tâm đến việc cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao dữ liệu cá nhân cho người khác.


Sau hơn 1 năm xảy ra vụ bê bối quyền riêng tư nghiêm trọng Cambridge Analytica, người dùng vẫn không mấy để tâm đến việc cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao dữ liệu cá nhân cho người khác.

Đầu năm 2017, một ứng dụng mang tên FaceApp đã thu hút được đông đảo sự chú ý của người dùng nhờ sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để biến khuôn mặt trở nên già đi hoặc trẻ hơn và thậm chí là chuyển đổi giới tính của họ.

Tuần vừa qua, ứng dụng này một lần nữa trở thành tiêu điểm, đặc biệt là sau khi những ngôi sao nổi tiếng thế giới như rapper Drake và Jonas Brothers đăng tải hình ảnh về già của mình trên mạng xã hội. Vậy là mọi người đua nhau tải về FaceApp để xem khi già đi mình sẽ trông như thế nào. FaceApp được phát triển bởi công ty Wireless Lab của Nga và hiện là một trong những ứng dụng miễn phí hàng đầu trong App Store của Apple.

[Bài 21/7] Độ viral của FaceApp chỉ chứng tỏ rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ coi trọng quyền riêng tư của chính mình, tự nguyện dâng hiến dữ liệu cá nhân chỉ để lấy vài bức ảnh giải trí! - Ảnh 1.

Ba anh em nhà Jonas phiên bản lão hóa.

Đến giữa tuần này, đã có nhiều lo ngại về quyền riêng tư ngày càng tăng của FaceApp. Đối với nhiều người, việc chỉnh sửa ảnh bằng ứng dụng trên chỉ đơn thuần là một trò giải trí vô hại nhưng trên thực tế, họ không hề biết rằng mình có khả năng phải đối mặt với hàng loạt mối lo về an ninh mạng.

Theo các điều khoản và điều kiện của Wireless Lab, hình ảnh của người dùng có thể được sử dụng vào những mục đích mà họ không ngờ tới. Chính sách bảo mật của FaceApp lưu ý rằng các chi nhánh và nhà cung cấp dịch vụ của họ có thể chuyển thông tin thu thập được của người dùng (bao gồm thông tin cá nhân) sang các quốc gia và khu vực khác trên toàn thế giới. Ảnh của bạn có thể được dùng ở nước ngoài, trong đó có Nga, chính phủ từng bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

FaceApp sở hữu và có thể sử dụng hình ảnh tải lên dịch vụ của mình theo bất kỳ cách nào mà họ muốn. Điều đó bao gồm đưa gương mặt người dùng lên một tấm biển để sử dụng nó trong việc phát triển công nghệ nhận diện gương mặt.

[Bài 21/7] Độ viral của FaceApp chỉ chứng tỏ rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ coi trọng quyền riêng tư của chính mình, tự nguyện dâng hiến dữ liệu cá nhân chỉ để lấy vài bức ảnh giải trí! - Ảnh 2.

FaceApp gây ra không ít lo ngại về quyền riêng tư của người dùng.

Thế nhưng có một thực tế là, bất chấp việc biết (hoặc không biết) những điều khoản này trước khi tải về, hàng triệu người trên thế giới vẫn muốn sử dụng ứng dụng này. Và điều đó càng làm nổi bật một vấn đề: Sau hơn 1 năm xảy ra vụ bê bối quyền riêng tư nghiêm trọng Cambridge Analytica trong ngành công nghệ, người dùng vẫn không mấy để tâm đến việc cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao dữ liệu cá nhân cho người khác.

Đồng thời, từ đây chúng ta cũng nhận ra mình biết ít như thế nào về việc các công ty thu thập và sử dụng thông tin cá nhân của chúng ta.

Tuy nhiên sau đó, Joshua Nozzi, nhà phát triển đầu tiên đưa ra cảnh báo về FaceApp và một số nhà nghiên cứu bảo mật khác đã trấn an những lo ngại ban đầu rằng FaceApp đang thu thập toàn bộ ảnh trong smartphone của người dùng. Tương tự, việc một công ty có trụ sở tại Nga không có nghĩa đây là một công cụ của chính phủ nước này.

Wireless Lab cho biết trong một tuyên bố được cung cấp cho TechCrunch: "Hầu hết hình ảnh sẽ được xóa khỏi máy chủ của chúng tôi trong vòng 48 giờ kể từ ngày tải lên". Mặc dù vậy, người ta vẫn không khỏi lo ngại bởi công ty này đưa ra điều khoản dịch vụ rằng "người dùng cấp cho FaceApp giấy phép vĩnh viễn, không thể hủy ngang, miễn phí để sử dụng, tái tạo, sửa đổi, xuất bản và hiển thị nội dung của họ…"

Như vậy, FaceApp gần như có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với ảnh selfie của bạn. Trên thực tế, nhiều công ty công nghệ lớn khác cũng đưa ra điều khoản tương tự trong những năm qua và người dùng, tất nhiên vẫn chấp nhận.

Chắc hẳn bạn vẫn chưa quên vụ bê bối rò rỉ dữ liệu Cambridge Analytica. Dữ liệu thu thập thông qua bài trắc nghiệm tính cách "This Is Your Digital Life" dường như vô hại trên Facebook được cho là đã được cung cấp cho Cambridge Analytica để phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau của công ty này. Amazon cũng từng bị tố cáo là thuê một đội ngũ trên toàn cầu để nghe lén người dùng nói chuyện với loa thông minh Echo.

Dù cảnh báo về việc các ứng dụng thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân thường xuyên được đưa ra nhưng khi biết đến tính năng mới cho phép già hóa khuôn mặt của FaceApp, hàng triệu người vẫn không thể kìm nén sự tò mò và bất chấp đánh đổi thông tin cá nhân của mình chỉ để có được một vài bức ảnh mang tính giải trí.

Các công ty công nghệ chắc chắn cần bị chỉ trích vì việc sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng, nhưng chính bản thân chúng ta cũng cần xem xét lại cách mình tự nguyện cung cấp thông tin cho họ!


Gia Vũ

Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/do-viral-cua-faceapp-chi-chung-to-rang-chung-ta-se-chang-bao-gio-coi-trong-quyen-rieng-tu-cua-chinh-minh-tu-nguyen-dang-hien-du-lieu-ca-nhan-chi-de-lay-vai-buc-anh-giai-tri-a102910.html