Lãi gấp nhiều lần kinh doanh hàng hiệu, dịch vụ sân bay mới thực sự là "con gà đẻ trứng vàng" của ông Johnathan Hạnh Nguyễn

Các mảng kinh doanh chủ chốt như bán hàng miễn thuế, dịch vụ phòng vip sân bay tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ kéo LNST quý 2 của Sasco tăng gấp rưỡi cùng kỳ lên 174 tỷ đồng.


Các mảng kinh doanh chủ chốt như bán hàng miễn thuế, dịch vụ phòng vip sân bay tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ kéo LNST quý 2 của Sasco tăng gấp rưỡi cùng kỳ lên 174 tỷ đồng.

 

CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) lâu nay được biết đến là một trong những doanh nghiệp lớn nhất kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại sân bay. Các nguồn thu chính của công ty đến từ kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách thương gia, ẩm thực, nhà hàng khách sạn tại sân bay vừa từng bước mở rộng sang dịch vụ cung ứng suất ăn đường sắt, resort..

Địa bàn hoạt động của Sasco chủ yếu ở TP.HCM, khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, sân bay quốc tế Cam Ranh mở rộng, ngoài ra công ty cũng thực hiện kinh doanh dịch vụ tại Phú Quốc với một resort Sasco Blue Lagoon. Đây đều là các sân bay bị quá tải công suất và rất đông hành khách quốc tế.

Cơ cấu cổ đông hiện tại của Sasco ngoài cổ đông Nhà nước là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam ACV (49,07%), có 3 cổ đông chiến lược đều là các công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP), công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu Châu (ACFC), tổng tỷ lệ sở hữu của ông Jonathan Hạnh Nguyễn là 45,26%. Ông Hạnh Nguyễn hiện đang giữ chức Chủ tịch của Sasco và vợ ông, bà Lê Hồng Thủy Tiên là thành viên HĐQT.

Hưởng lợi từ sự tăng trưởng của ngành hàng không và du lịch

Sự tăng trưởng liên tục trong những năm qua của ngành hàng không, nhất là thị trường cốt lõi tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là cơ sở vững chắc cho hoạt động kinh doanh của Sasco. Sản lượng hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất năm 2018 đạt 38,4 triệu lượt người, tăng 7%, trong đó sản lượng hành khách quốc tế là 15 triệu lượt, tăng 9,5%. Tại nhà ga quốc tế Cam Ranh, sản lượng hành khách tăng 28% so với năm 2017 trong đó khách quốc tế đạt hơn 5 triệu lượt, tăng 43%.

Là đơn vị cung cấp dịch vụ hàng hóa tại 2 sân bay luôn trong tình trạng quá tải công suất là sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Cam Ranh, Sasco có kết quả kinh doanh tăng trưởng đều trong giai đoạn 2013-2018 và thực sự bứt phá trong quý 2/2019.

Không phải kinh doanh hàng hiệu, dịch vụ sân bay mới thực sự là con gà đẻ trứng vàng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Ảnh 1.

Doanh thu quý 2 của công ty đạt hơn 700 tỷ đồng, tăng 10,6% cùng kỳ năm trước, lũy kế 6 tháng đạt hơn 1.430 tỷ đồng, tăng 7,5%. Tính bình quân mỗi ngày Sasco thu về 7,9 tỷ đồng.

Không phải kinh doanh hàng hiệu, dịch vụ sân bay mới thực sự là con gà đẻ trứng vàng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Ảnh 2.

Cơ cấu doanh thu của Sasco

Biên lợi nhuận gộp của công ty đạt gần 50%, trong đó dịch vụ phòng chờ VIP tại sảnh sân bay là mảng mang lại biên lợi nhuận cao nhất 74% năm 2019 và 81% năm 2018, doanh thu tăng gần 25% còn mảng dịch vụ bán hàng miễn thuế ở sân bay mặc dù chiếm hơn một nửa doanh thu nhưng biên lợi nhuận khoảng 27%.

Không phải kinh doanh hàng hiệu, dịch vụ sân bay mới thực sự là con gà đẻ trứng vàng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Ảnh 3.

Lợi nhuận quý 2/2019 của Sasco lên cao kỷ lục

Được biết đến là "ông vua" kinh doanh hàng hiệu tại Việt Nam nhưng thực tế thì lợi nhuận các công ty kinh doanh thời trang, mỹ phẩm cao cấp của ông Hạnh Nguyễn lại có lợi nhuận kém xa so với Sasco.

Năm 2018, Sasco đạt hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong khi công ty ACFC và DAFC - cũng là 2 cổ đông chính của Sasco - chỉ có lợi nhuận lần lượt là 107 tỷ và 31 tỷ đồng.

Bên cạnh Sasco, Tập đoàn IPP còn đầu tư khá nhiều hoạt động kinh doanh khác liên quan đến hàng không. IPP là cổ đông chính của Nhà ga Quốc tế Cam Ranh.

Mở rộng hoạt động kinh doanh

Năm 2018, bên cạnh thương hiệu Sasco business lounge phục vụ cho khách thương gia, các cửa hàng miễn thuế Duty free, Sasco đầu tư phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi Fresh 2 go, đánh vào nhóm khách hàng không có nhu cầu chi tiêu cao.

Công ty cũng lấn sân sang thị trường cung cấp dịch vụ suất ăn cho các hành khách trên 4 đoàn tàu Se hành trình Sài Gòn – Hà Nội – Sài Gòn và dịch vụ Amazing Railtour, dịch vụ du lịch bằng tàu lửa thế hệ 3 hiện đạt nhất Việt Nam trên tuyến đường sắt Bắc Nam.

Công ty mở rộng việc đầu tư bất động sản và kinh doanh resort. Sasco rất tự tin với triển vọng của thị trường Phú Quốc khi đánh giá thị trường này nhận động lực tăng trưởng từ thị trường Nga, khi hàng tháng có khoảng 6.000 du khách từ Nga đến Phú Quốc. Sasco Blue Lagoon Resort với diện tích 2ha tại bờ biển Phú Quốc được cải tạo lại theo tiêu chuẩn 5 sao với 80 phòng nghỉ, khu sinh thái Suối Hoa ở tỉnh Lâm Đồng đang được đầu tư trên diện tích 131 ha, với khoảng 200 phòng khách sạn, khu du lịch sinh thái Vũng Bàu tại Phú Quốc diện tích 129 ha, dự án khách sạn Nha Trang Sasco diện tích 8.000m2 với 19 tầng..

Không phải kinh doanh hàng hiệu, dịch vụ sân bay mới thực sự là con gà đẻ trứng vàng của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Ảnh 4.

Sasco Blue Lagoon

Trong thông điệp gửi cổ đông, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Sasco chia sẻ, Sasco sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là nhà cung cấp dịch vụ phi hàng không dẫn đầu tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Năm 2019 Sasco sẽ có những bước đi bài bản, mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển doanh nghiệp, nâng cao giá trị và chất lượng dịch vụ, mở rộng quy mô hoạt động, tận dụng cơ hội thị trường.

 

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/lai-gap-nhieu-lan-kinh-doanh-hang-hieu-dich-vu-san-bay-moi-thuc-su-la-con-ga-de-trung-vang-cua-ong-johnathan-hanh-nguyen-a102918.html