Phía sau màn ảnh của 'Vũ Sở Khanh' - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở”

Phía sau màn ảnh của Vũ Sở Khanh - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở” - Ảnh 1.

Sau 10 năm theo đuổi nghề diễn viên, đến nay, nhờ hiệu ứng nổi bật của bộ phim "Về nhà đi con", Nguyễn Quốc Trường đang là một trong những cái tên hot nhất nhì Việt Nam. Nước lên, thuyền lên, Sasin – chuỗi mì cay mà chàng diễn viên đa tài này vừa là đồng sáng lập vừa là Giám đốc marketing, cũng được nhiều người biết đến.

Có thể nói, ngoài nghiệp diễn với gia tài cỡ vài chục bộ phim, thì Sasin là thành tựu mà Quốc Trường thấy tự hào nhất. Như chia sẻ của anh, từ bàn tay trắng, anh cùng 3 người bạn đã xây dựng nên cơ ngơi, dù "nhìn lên chưa bằng ai, nhưng nhìn xuống chẳng ai bằng mình". Trong 3 người cộng sự của Quốc Trường có 1 người là đầu bếp tạo nên món mì cay Sasin, 2 người hùn vốn kiêm lo chuyện quản lý nhân sự - tài chính, nhượng quyền; riêng Trường lo quản lý marketing cho thương hiệu.

Cũng như phim ảnh, với Quốc Trường, kinh doanh cũng là một cuộc chơi dài hơi và đầy nghiêm túc. Trong một chiều mưa ở Sài Gòn, chúng tôi đã ngồi lắng nghe anh chia sẻ về những dự định tương lai đầy tham vọng với Sasin, cũng như tình cảm thắm thiết với 3 người bạn thân chí cốt cùng chung tay tạo nên hệ thống chuỗi hơn 100 quán mỳ này.

Phía sau màn ảnh của Vũ Sở Khanh - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở” - Ảnh 2.

Chào Quốc Trường! Đây có phải lần đầu tiên Trường ra Bắc đóng phim hay không? Cơ duyên nào đưa Trường đến với bộ phim "Về nhà đi con"?

Đây là lần thứ hai. Lần đầu tiên em ra Bắc là đóng cho một bộ phim tư nhân của một tập đoàn, cách đây đã 9 năm.

Về cơ duyên, việc nhận phim là có quá nhiều yếu tố đưa đẩy. Bên VFC trực tiếp gọi điện mời em tham gia dự án. Em không thể nhận phim khi phải ở ngoài Bắc nửa năm trời như vậy được, công việc của em trong Nam còn quá chừng. Có thể nói, việc em nhận phim này ngoài nội dung kịch bản còn liên quan đến chuyện kinh doanh.

Như mọi mô hình chuỗi F&B khác, trong 3 năm đầu Sasin cũng tập trung sinh sôi nảy nở, 2 năm tiếp theo sẽ thanh lọc và chuyển đổi vị trí. Đó là chiến lược của em trong 5 năm đầu tiên làm Sasin.

Hệ thống ngoài Bắc của em khoảng 20 quán và thời điểm đó đang gặp vấn đề, nên em muốn cải tổ lại. Em muốn xây dựng tất cả lại. Em muốn ra Bắc để thanh lọc chi nhánh nào đã xuống cấp hoặc không hợp tác được nữa. Em sẽ trả cọc, để tự mở và phải mở chỉn chu và lớn, giống như Golden Gate. Em đang học theo Golden Gate chứ tất nhiên mình không thể bằng họ được. Bên Golden Gate có quỹ đầu tư, còn mình phải tự thân vận động.

Đó là một trong những yếu tố để em nhận phim. Nếu em ra Bắc mấy tháng và em không đóng phim thì em sẽ bị cuốn theo việc ăn nhậu. Với nữa, chẳng nhẽ em cứ ngày bay ra rồi ngày bay vô? Giống như cuộc đời em được sắp đặt thật tròn trịa để phải nhận phim vậy.

Phía sau màn ảnh của Vũ Sở Khanh - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở” - Ảnh 3.

Tức là trong 6 tháng qua, em vừa phải đóng phim vừa phải lo chuyện kinh doanh một lúc ở ngoài Bắc?

Thật ra, thời gian dành cho công việc kinh doanh không nhiều, em chủ yếu làm việc với luật sư, đi gặp những người em đã nhượng quyền, trình bày với họ làm em sẽ thay đổi Sasin như vầy, để xem người ta có muốn tiếp tục hợp tác không? Nếu chịu thì làm theo chiến lược mới, nếu không thì công ty sẽ cắt hợp đồng, không tiếp tục nhượng quyền thương hiệu cho họ nữa, vì họ vi phạm khá nhiều thứ trong hợp đồng.

Thời gian tuy không nhiều, nhưng lại cần sự lâu dài, chứ đâu ra một lần nói chuyện là được việc. Thế nên, cái chuyện mà nhận phim hợp lý lắm. Ngày đi quay em làm việc, những người rủ em nhậu, em sẽ bảo mình bận đóng phim rồi, có cớ để từ chối. Không thì chết (cười), bởi mọi người ngoài Bắc rất quý em.

Phía sau màn ảnh của Vũ Sở Khanh - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở” - Ảnh 4.

Lúc bắt đầu nhận phim, em có nghĩ là phim sẽ hot như bây giờ không?

Thật ra, em nhận phim một phần là do kịch bản quá hay và VFC là đơn vị làm ăn uy tín và chỉn chu. Tất cả những yếu tố đó cộng hưởng khiến em đồng ý nhận lời đóng phim "Về nhà đi con". Em cũng không nghĩ là nó sẽ nổi như vậy đâu.

Bộ phim nổi nhất trước đó là "Người phán xử", nhưng em cảm nhận, "Về nhà đi con" còn vượt qua "Người phán xử" và "Sống chung với mẹ chồng". Trong lịch sử phim ảnh Việt Nam, liệu có mấy bộ phim được toàn quốc yêu thích như vậy? Em nằm mơ cũng không mơ là nó sẽ nổi đình nổi đám cỡ đó! Lúc mới đầu nhận phim cứ nghĩ là mình ra Bắc lo chuyện Sasin và có thêm công việc để làm, được gặp gỡ khán giả ở đây, chỉ vậy thôi.

Phía sau màn ảnh của Vũ Sở Khanh - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở” - Ảnh 5.

Chúng ta trở lại chuyện kinh doanh nhé. Hình như chuỗi mì cay Sasin mở ra khi phong trào ăn mì cay trở nên đỉnh điểm ở Việt Nam?

Không đúng, tụi em là người khơi gợi món mì cay cho nhiều người Việt Nam. Sasin chính là người dẫn dắt xu hướng. Món mì cay này, Sasin làm đầu tiên trên thế giới chứ không phải qua nước nào đó rồi mua về. Nguồn cội của mì cay trên thế giới này bắt nguồn từ một nhóm bạn là đồng sáng lập Sasin. Trên thế giới này làm gì có mì cay 7 cấp độ, ngoài Việt Nam.

Còn cái câu giới thiệu "Mì cay 7 cấp độ Hàn Quốc" là Sasin chỉ ăn theo xu hướng, vì Việt Nam mình ưa chuộng văn hóa Hàn. Còn ở Hàn Quốc, mì bỏ ớt vào rồi thành mì cay là hết, chứ không hề có 7 cấp độ.

Mình là người dẫn dắt xu hướng và khi xu hướng đi xuống, Sasin có bị ảnh hưởng gì không?

Không hề. Ví dụ chị là người ra đầu tiên, khi xu hướng xuống, thì người ta vẫn tìm tới thương hiệu ra mắt đầu tiên để ăn. Khi xu hướng đi xuống, kinh doanh mì cay bị ảnh hưởng, nhưng thị phần của Sasin không bị mất đi. Những ai ‘nhái’ mới chết, những người đi tiên phong không bao giờ chết. Những khách hàng của thương hiệu "nhái" đã chết sẽ đổ dồn qua Sasin, khiến doanh số Sasin tăng lên.

Phía sau màn ảnh của Vũ Sở Khanh - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở” - Ảnh 6.

Quốc Trường và những người bạn thân lâu năm - các đồng sáng lập của chuỗi mỳ cay Sasin.

Việc Sasin sống tốt, chắc một phần liên quan đến việc cho nhượng quyền, vì rủi ro thì nhiều người cùng chịu. Tuy nhiên, nhiều người kinh doanh chuỗi không dám cho nhượng quyền, vì họ sợ không kiểm soát nổi khiến chất lượng dịch vụ và sản phẩm đi xuống. Sasin đã giải bài toán đó như thế nào?

Sẽ có hai lựa chọn: một là nhượng quyền đi nhanh nhưng kiểm soát chất lượng khó và hai là chậm mà chắc.

Nếu như mình đi tiên phong, nhưng số lượng cửa hàng ít hơn người ta, thì nhiều khi bị lãng quên, người ta cứ nghĩ thương hiệu nào có nhiều cửa hàng nhất mới là người đi đầu tiên. Nếu Sasin cứ chậm mà chắc, đến khi đánh tới những vùng đất mới như Hà Nội, Đà Lạt, Huế thì người ta đã ăn những thương hiệu khác và họ quen với khẩu vị của những thương hiệu đó, nghĩ rằng đó mới là vị của mì cay chứ không phải như Sasin.

Theo đó, bên em phải nhượng quyền thương hiệu để mở rộng và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, rồi sau đó mới quay lại kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn.

Sasin kiểm soát chất lượng thực phẩm bằng cách cung cấp cho toàn hệ thống mì, nước lèo, kim chi và cá viên chiên. Cái gì có thể tự làm được bên em sẽ tự làm. Sasin có một nhà máy sản xuất mì và xưởng sản xuất kim chi, cá viên chiên và nước lèo. Những loại hải sản và rau thì chủ quán sẽ tự cung cấp, nhưng chẳng nhẽ họ lại đi mua đồ ôi thiu?

Chủ quán sẽ quản lý nhân viên, rồi trong từng vùng sẽ có quản lý vùng và những quản lý vùng đó sẽ có người của Sasin giám sát. Người giám sát đó sẽ chịu sự quản lý của 3 đứa tụi em (3 người sáng lập – PV). Sasin còn có những tổ đi kiểm tra đột xuất, trà trộn vào quán "giả vờ" làm khách hàng. Ví dụ: họ đi ăn chơi sau đó chụp hình đưa lên: ‘Trường ơi, mình thấy quán này có vấn đề à nha’. Sasin sẽ đưa ra quyết định: yêu cầu chủ quán phải chấn chỉnh, nếu để xảy ra lần 2, Sasin sẽ chấm dứt hợp tác.

Phía sau màn ảnh của Vũ Sở Khanh - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở” - Ảnh 7.

Khó nhất khi quản lý nhượng quyền là gì?

Cái gì cũng khó cả. Thời gian đầu, khi thương hiệu Sasin chưa nổi, mình nói chuyện với người ta, họ không nghe. Họ cứ nghĩ là họ đang giúp mình. Còn bây giờ, người ta phải năn nỉ mình để được nhượng quyền. Nên bây giờ, Sasin quản lý chất lượng dễ hơn, chứ hồi xưa khó lắm. Vì vậy em thường hay bay ra ngoài Bắc là vậy.

Sasin phải có một đội ngũ kiểm tra và học những đàn anh đi trước. Mình là nước đang phát triển thì phải học những nước phát triển, sau đó học nước giàu. Mình học hỏi Golden Gate, còn Golden Gate học của ai đó giỏi hơn họ ở nước ngoài.

Tuy nhiên, khi nhượng quyền, cũng có những mặt lợi mà khi mình tự mở không có. Khi người ta nhận nhượng quyền của mình, tức cửa hàng Sasin đó chính là đứa con họ dứt ruột đẻ ra, họ sẽ đối xử như với con cái của mình, quan tâm chăm sóc. Nhưng nếu mình tự mở quán, có khi người quản lý quán lại nghĩ là đang làm thuê cho mình chứ không phải cho họ, nên họ sẽ không hết lòng. Người ta sẽ không bao giờ tự "giết" con của chính họ, nhưng con mình gửi họ nuôi thì chưa chắc.

Hiện tại, Sasin là chuỗi mì cay lớn nhất Việt Nam và đã đến thời gian Sasin cần phải kiểm soát lại chất lượng, cũng như thay đổi chiến lược để hệ thống chỉn chu hơn, từ trang trí cho đến vị trí, mặt bằng.

Phía sau màn ảnh của Vũ Sở Khanh - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở” - Ảnh 8.

Em có nghĩ là Sasin và mì cay đang đến giai đoạn bão hoà?

Không, em nghĩ là Sasin mới đạt được 1 phần, còn 99 phần khác phải chinh phục. Món mì cay không cần phải thay đổi, cái cần thay đổi là bản thân mình. Chị ra đường hỏi thử 100 người, thì có mấy người ăn mì cay. Giỏi lắm chỉ 1 đến 2 người thôi, nhưng doanh số Sasin đã tốt đến như vậy. Còn để chinh phục những khách hàng khác thì mình phải thay đổi vị trí và cách decor quán.

Có vẻ em đang muốn món mì cay của em trở thành một món ăn quốc dân như phở hoặc bún bò Huế, phải không?

Chính xác. Và em nghĩ mình sẽ làm được. Đơn giản thôi, khi em mở Sasin, có người nói: thằng Trường ăn được nửa năm thôi, chết giờ; qua nửa năm rồi một năm, mọi người bắt đầu bàn tán: mì cay này còn hot là nó hên; hết 1 năm, mì cay hết hot mà Sasin vẫn tiếp tục khai trương quán cấp tập, người ta lại nghĩ: chắc thằng này rửa tiền.

Mì cay Sasin của em là như vậy, có khi mọi người phải xếp hàng để mua, nó đã đi vào lòng người. Nó đang là một trong những món ăn nằm trong danh sách lựa chọn của gia đình. Nếu gia đình không nấu cơm, sẽ chọn bún, phở, hủ tiếu và tiếp theo chắc chắn là mì cay. Khách hàng của Sasin gia đình rất nhiều. Có khi em hỏi họ là: Cái món này ngon không mà gia đình mình đi ăn mấy lần? Khách họ nói là đi ăn vì thèm và không quan tâm tới trào lưu.

Em muốn sau này, nó sẽ nằm trong top 5 sự lựa chọn của các gia đình Việt Nam dùng để thay thế nếu người ta không nấu cơm. Chắc chắn mì cay không thể bằng phở, em muốn nó sẽ tiệm cận với hủ tiếu hoặc vượt qua hủ tiếu. Khi người ta ngán phở sẽ chuyển sang ăn mì cay.

Phía sau màn ảnh của Vũ Sở Khanh - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở” - Ảnh 9.

Vì sao lúc khởi nghiệp em lại nhận vai trò làm marketing?

Đơn giản thôi, vì em không có thời gian. Em đi đóng phim liên tục thì làm sao có thời gian tìm mặt bằng, quản lý nhân sự hay quản lý tiền. Việc lôi kéo và kiếm khách hàng về là hợp nhất với em. Em là "Bộ trưởng bộ ngoại giao". Nhưng công việc của em rất quan trọng. Như lần này, nhờ thành công của phim "Về nhà đi con", cái tên Sasin đã được cả nước biết đến.

Trong cuộc việc của em, chủ yếu nghề dạy nghề, nhờ trong thành công có thất bại và thất bại chính là bài học. Ví dụ, những ngày đầu cho nhượng quyền ở vị trí này, sau đó, khi nó kinh doanh không tốt, mình sẽ: giá như nó nằm chỗ kia thì sẽ hay hơn. Thực tiễn kinh doanh sẽ dạy mình còn tốt hơn là đọc một cuốn sách. Không có cuốn sách nào bằng kinh nghiệm thực tiễn. Những kiến thức về marketing mà em có đều thông qua kinh nghiệm sau những lần thất bại và được trả giá bằng tiền.

May mắn của em là Sasin chỉ chịu những thất bại nhỏ trong thành công lớn. Dù gặp nhiều lần thất bại nhỏ nhưng không ảnh hưởng đến toàn cục. Ngày hôm nay, em cũng không nghĩ mình cần học bất cứ một khóa marketing nào cả, chắc gì họ đã ra ngoài kinh doanh giỏi bằng em.

Bây giờ, những địa điểm mà em chọn mở Sasin thường thành công 50%. Trong kinh doanh, vị trí đẹp quan trọng, nhưng nó không bảo đảm chắc chắn thành công, bởi thành công là sự cộng hưởng nhiều yếu tố khác: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Như thành công của em và Sasin có lẽ nhờ em có nhân hòa là những người bạn tốt, địa lợi thì chưa chắc, nhưng có thiên thời, may mắn. Nay em bắt đầu quan tâm tới địa lợi, dời quán ra những vị trí tốt: to, đẹp và sang trọng.

Phía sau màn ảnh của Vũ Sở Khanh - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở” - Ảnh 10.

Vậy em sẽ tự mở quán luôn chứ không nhượng quyền nữa?

Em sẽ tự mở khoảng 40% và còn 60% nhượng quyền, nhưng sẽ nhắm đến nhượng quyền cho những người ở tầng lớp khác. Tức là, mì cay Sasin sẽ được nâng cấp lên, những người nhượng quyền mới này sẽ có tư duy và tài chính tốt hơn.

Sau khi mì cay Sasin đã chinh phục được tầng lớn bình dân, bên em muốn nó tiếp tục chinh phục tầng lớp trung lưu, thượng lưu khó tính, tức là 98 người còn lại như em nói trước đó. Tức là phân khúc khách hàng của Sasin sẽ được nở ra.

Người ta thường nói là "nồi nào úp vung nấy", em hy vọng sau khi nâng cấp mì cay Sasin thì khách hàng của Sasin cũng được nâng cấp.

Phía sau màn ảnh của Vũ Sở Khanh - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở” - Ảnh 11.

Sasin có 3 founder, vậy khi mâu thuẫn lên đỉnh điểm thì mọi người sẽ làm như thế nào?

Chị biết tụi em chơi với nhau bao nhiêu năm chưa? Gần 20 năm. Làm ăn phải có tranh cãi, tranh luận. Nhưng mỗi khi giận nhau, chúng em thường nghĩ về những tình cảm trong 20 năm qua, để lắng lại và quay lại lắng nghe nhau, rồi có thể nhường nhịn nhau.

Còn khi mọi chuyện quá căng thẳng thì sẽ bỏ phiếu kín, ai chiếm đa số sẽ thắng. Nếu là 4 thì khó, chứ 3 người là dễ, kiểu gì cũng sẽ có bên chiến thắng, không ai bênh ai cả. Đó là nguyên tắc được lập ra ngay những ngày đầu thành lập công ty.

Tụi em từ con số 0 đi lên, nghèo xác nghèo xơ, thì tụi em đi nhậu với nhau hay nói vui: giờ dù có gì đi nữa cũng không thể quay lại con số 0, ít nhất cũng là số 1 hoặc số 2. Tình bạn của dân miền Tây là như vậy!

Nhiều người còn nói: sao giờ tụi bay đã có một hệ thống tương đối lớn, có thể không bằng người ta nhưng đã "có số có má", mà cứ giỡn hớt với nhau suốt ngày vậy? Giờ giọng em vẫn còn lào khào vì hôm qua uống bia với tụi nó rồi cười ha hả suốt đêm. Tụi em có tư duy của người lớn nhưng chơi với nhau như những đứa trẻ.

Bây giờ, khi "Về nhà đi con" thành công rực rỡ, Sasin được biết đến nhiều hơn, em có nghĩ đóng góp của mình vào Sasin có nhiều hơn các bạn?

Không, em luôn đóng góp ít hơn hai bạn còn lại. Vì sao tụi em có thể chơi với nhau lâu dài? Vì tụi em tu đạo, con của Phật nên không sân si với nhau. Em luôn nghĩ là em làm ít hơn hai thằng kia, nếu chị hỏi thì hai thằng kia cũng sẽ nói y chang vậy. Một trong ba người của tụi em còn ăn chay trường.

Phía sau màn ảnh của Vũ Sở Khanh - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở” - Ảnh 12.

Bây giờ, một người đã có gia đình, một người chuẩn bị cưới. Nếu vài bữa, cả ba đều có gia đình, có khi nào người vợ sẽ ảnh hưởng đến tình trạng hợp tác vui vẻ như bây giờ của cả ba?

Thật ra, mình như thế nào mình sẽ chơi với người bạn như thế đó, mà người bạn mình như thế nào sẽ cưới người vợ như thế đó. Chứ làm sao mà em đi cưới cô nào sân si về. Khi em nghèo, em có thể cưới cô gái sân si nào đó vì vấn đề gì đó, cưới người không phù hợp với mình. Còn mình giờ đâu có nghèo, mình được quyền lựa chọn. Chỉ cần khi đang tìm hiểu mà, em nghe bạn gái nói xấu một trong hai đứa bạn của mình, em sẽ nói ngay là "mình không phù hợp đâu".

Quan điểm của em là: không được nói xấu người thứ ba. Chỉ cần bạn gái mà em đi tìm hiểu nói xấu người khác, thì đẹp cỡ nào, em cũng "say goodbye". Không được nói xấu người khác, nếu không thể nói tốt cho người khác, không thể buông những lời ái ngữ, thì tốt nhất là chia tay.

Nếu người đó xấu thiệt, thì tự động nó sẽ lòi ra, mình đừng nói. Mình không thể biết người ta xấu hay tốt, ngay cả khi ở trong nhà cùng nhau. Bạn thấy hành động đó là xấu, nhưng bạn biết vì sao người ta lại làm vậy không. Nếu bạn không biết 100% của vấn đề thì đừng nói. Khẩu nghiệp là nghiệp rất ghê gớm.

Phía sau màn ảnh của Vũ Sở Khanh - doanh nhân Quốc Trường: “Tôi muốn mì cay Sasin sẽ trở thành một món ăn quốc dân như phở” - Ảnh 13.

Quốc Trường và những người bạn thân lâu năm - các đồng sáng lập của chuỗi mỳ cay Sasin.

Cảm ơn những chia sẻ của em!

Theo Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/phia-sau-man-anh-cua-vu-so-khanh-doanh-nhan-quoc-truong-toi-muon-mi-cay-sasin-se-tro-thanh-mot-mon-an-quoc-dan-nhu-pho-a103248.html