Luxstay - startup mà Shark Dzung có ghế trong HĐQT là startup đầu tiên mở màn Shark Tank Việt Nam mùa 3. Lần đầu tiên trong lịch sử Shark Tank Việt Nam, một vị cá mập rời khỏi ghế nóng xuống gọi vốn hộ startup. 3 Shark không ngần ngại xuống tiền mỗi Shark 2 triệu USD, biến Luxstay thành startup gọi được vốn nhiều nhất và được định giá cao nhất Shark Tank phiên bản Việt.
Tập đầu tiên của Shark Tank Việt Nam mùa 3 đã ghi nhận được 4 cái "đầu tiên": Đầu tiên có một cá mập xuống gọi vốn và deal hộ startup (vì có ghế trong HĐQT công ty gọi vốn), lần đầu tiên cả 3 Shark đều xuống tiền mà không phải "chia chác" cổ phần, Luxstay trở thành startup được định giá cao nhất cả 3 mùa Shark Tank Việt Nam, và cũng là startup gọi vốn được nhiều nhất, khi CEO gọi vốn 600.000 USD mà cả 3 cá mập tranh nhau rót tới 6 triệu USD (2 triệu USD/Shark).
Luxstay là một startup đình đám trong thị trường Home sharing (chia sẻ căn hộ), được thành lập tranh thủ khi Airbnb chưa vào Việt Nam.
Khởi nghiệp năm 15 tuổi, 18 tuổi trở thành "phiên bản lỗi" của gia đình vì bỏ học, mở công ty
Đối mặt với các nhà đầu tư tại Shark Tank, Founder kiêm CEO Luxstay - Nguyễn Văn Dũng chia sẻ về "tuổi thơ dữ dội" khi khởi nghiệp năm 15 tuổi, 18 tuổi là sự hoang mang tột độ của gia đình khi không bước chân vào cổng trường đại học mà quyết định mở công ty.
Dũng đã có 12 năm kinh nghiệm vận hành và hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo trực tuyến. Là một trong những đối tác lớn nhất của Google và Youtube tại Việt Nam khiến anh thấy nhức nhối khi Việt Nam chưa có nhiều Tech Unicorn, hầu hết ngành công nghiệp Internet đều về tay các công ty nước ngoài. Trong khi đó, các quốc gia lân cận như Singapore, Indonesia đều đã có startup tầm cỡ khu vực. Vì vậy, Luxstay với sự kết hợp của 3 từ khóa chính: ‘du lịch’, ‘bất động sản’ và ‘công nghệ’ tham vọng sẽ trở thành startup biểu tượng cho Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
Trong 2 năm qua, Luxstay đã kêu gọi thành công 3 vòng gọi vốn với tổng số vốn kêu gọi cho đến thời điểm hiện tại là 168 tỷ đồng. Trước khi bắt đầu vòng gọi vốn Serie A với mục tiêu kêu gọi 10 triệu USD, CEO của Luxstay đã quyết định đến Shark Tank bằng lời mời 600.000 USD cho 1% cổ phần và tỉ lệ phát hành tối đa cho vòng gọi vốn lần này là 20%. Luxstay muốn đi nhanh hơn, chiếm lĩnh hơn và chỉ có tốc độ, sự tiên phong là hai yếu tố giúp cho bất kì startup nào đi nhanh nhất và chiếm lĩnh thị trường.
Theo trình bày của startup thì tại Việt Nam, quy mô thị trường Home sharing (dịch vụ chia sẻ nhà ở) có doanh thu khoảng 174 triệu USD, chiếm chưa đến 2% chi tiêu tổng thị trường lưu trú tại Việt Nam được ước tính khoảng 8 tỷ USD. Trong khi, ở các quốc gia phát triển thì Home sharing đã chiếm từ 10 - 20 % chi tiêu của thị trường lưu trú. Founder của Luxstay ước tính quy mô thị trường lưu trú Việt Nam sẽ đạt 8,5 tỷ USD vào năm 2023.
Trong suốt quá trình thuyết trình của Dũng, Shark Dzung khá kín tiếng, thi thoảng lại lên tiếng "nói đỡ" hộ startup khiến Shark Việt liếc xéo hỏi: "Sao Dzung thuộc bài thế?"
Khi cá mập xuống gọi vốn hộ startup
Khi nhà đầu tư đề cập đến vấn đề khác biệt và cạnh tranh, Nguyễn Văn Dũng tỏ ra khá lúng túng. Shark Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch HĐQT kiêm người sáng lập Tập đoàn Egroup – Sở hữu chuỗi trung tâm tiếng anh Apax phải lên tiếng nhắc nhở startup: "Đây là dự án khởi nghiệp về công nghệ và đã thành công, bạn phải chứng tỏ được sự khác biệt. Tôi ấn tượng vì bạn đã đi con đường khác người bình thường, làm điều khác biệt vì niềm đam mê thì sẽ có hai kết quả: bạn sẽ thành công như Bill Gates hoặc sẽ thất bại và không bằng đại học".
Sau ý kiến này của Shark Thủy, Founder bất ngờ tiết lộ Luxstay đang nhận được sự hậu thuẫn, hỗ trợ tư vấn chiến lược từ Shark Dzung Nguyễn – nhà đầu tư chính của Shark Tank Việt Nam.
Mặc dù Shark Hưng và Shark Việt mời Shark Dzung rời khỏi ghế Shark để deal này được thực hiện khách quan, Shark Dzung giải thích ông luôn là người hỗ trợ của Luxstay, sau đó ngồi yên lặng.
Tuy nhiên, khi startup bị các shark liên tục chất vấn về câu chuyện định giá và chiến lược kinh doanh, Shark Dzung không thể ngồi yên được mà nhấp nhổm đề nghị được bổ sung, vì "có một số điểm có thể đang bị các Shark đặt câu hỏi quá nhiều dẫn đến việc Dũng hơi bối rối".
"Người đứng đầu phải bản lĩnh. Bất kỳ câu hỏi gì cũng phải chiến đấu", Shark Liên - tân cá mập của Shark Tank Việt Nam mùa 3 thẳng thắn.
Với tình cảnh trước mắt, Shark Hưng một lần nữa yêu cầu Founder Luxstay mời Shark Dzung xuống deal hộ.
Việc một Shark thuyết trình với hội đồng đầu tư quả giúp deal có chuyển biến tốt hơn nhiều.
Đem cả Shark đi gọi vốn 600.000 USD, rút cục gọi được 6 triệu USD
Để trả lời cho câu hỏi của Shark Thủy phải làm gì để có thể chiếm lĩnh thị trường trước khi đối thủ tiềm lực trên thế giới tiến vào Việt Nam chiếm các thành phố lớn, Shark Dzung Nguyễn đưa ra loạt dẫn chứng về sự tăng trưởng chậm giai đoạn đầu nhưng thần tốc về sau của hàng loạt "ông lớn" công nghệ như: Yahoo, Google. Ông cũng chia sẻ hiện trên thị trường các sản phẩm nước ngoài đang chiếm lĩnh không có sản phẩm nào của Việt Nam. Tuy nhiên, có một số ít DN đang dần chiếm được thị trường nhờ cách đánh du kích, dùng trí thông minh của người Việt.
Cách đây mấy năm mọi người hỏi "Làm sao Tiki đánh bại được Lazada?". Nhưng Tiki tại thời điểm này đang có vị trí vượt lên Lazada, và Tiki khẳng định vẫn đang là sản phẩm Việt, do người Việt làm chủ
"Zalo đã đánh bại Wechat, Line, Kakao để giành vị trí ở Việt Nam, và hiện Zalo đã bắt đầu vươn ra khu vực. Cách đây mấy năm mọi người hỏi "Làm sao Tiki đánh bại được Lazada?", bởi Tiki là một công ty Việt Nam, ít có khả năng huy động vốn, trong khi lợi thế của Lazada là rất nhiều tiền, đứng đằng sau là những ông lớn, ban đầu là Rocket Internet, giờ là Alibaba. Nhưng Tiki tại thời điểm này đang có vị trí vượt lên Lazada, và Tiki khẳng định vẫn đang là sản phẩm Việt, do người Việt làm chủ", Shark Dzung nói.
Với Luxstay, câu hỏi "Làm thế nào để cạnh tranh với Airbnb?" cũng được đặt ra. Với chiến lược "không lấy trứng chọi đá", Luxstay sẽ tập trung lấy Việt Nam làm nền tảng trọng tâm sau đó mới ra khu vực như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia. Luxstay đang phát hiển hệ thống cung cấp giải pháp cho tất cả các chủ nhà (host), kết hợp với một số nhà đầu tư bất động sản để phát triển du lịch địa phương theo mô hình Homestay.
Lần đầu ra mắt tại Shark Tank mùa 3, Shark Đỗ Liên thể hiện quan điểm đầu tư rất rõ ràng. Dù quan tâm và ấn tượng với nỗ lực vượt khó của startup khi mạnh dạn không đi theo lối mòn giáo dục do gia đình áp đặt, khởi nghiệp từ sớm và độc lập, Shark Đỗ Liên vẫn đưa lời từ chối đầu tư vào Luxstay.
Với màn deal khá thuyết phục của Shark Dzung, Luxstay đã nhận được sự quan tâm đầu tư từ 3 Shark Hưng, Việt, Thủy, với mỗi deal lên tới 2 triệu USD đổi lại một lượng cổ phần khá nhỏ - điều chưa từng xảy ra trên Shark Tank Việt Nam.
Kết quả:
- Shark Hưng: Đầu tư 2 triệu USD cho 6,8% cổ phần. Trong đó, 1 triệu USD cho 4,8% cổ phần mới kèm cam kết + 2% cổ phần ưu đãi giá 1 USD kèm điều kiện hỗ trợ startup, 1 triệu USD quyền mua cổ phần mới ở vòng sau với giá discount 20%.
- Shark Việt: 2 triệu USD cho 5% cổ phần. Trong đó, 1 triệu USD cho 5% cổ phần kèm điều kiện, 1 triệu USD quyền mua vòng tiếp theo với discount 20%.
- Shark Thủy: 2 triệu USD cho 5,17% cổ phần. Trong đó, 500.000 USD cho 2,9% cổ phần hiện hữu (định giá 17 triệu USD), 500.000 USD cho 2,27% cổ phần mới (định giá 22 triệu USD), 1 triệu USD quyền mua ở vòng sau với giá discount 20%.
Luxstay là cái tên đình đám, được nhiều người biết đến khi CEO của startup này vung tay mua 36 xe VinFast, với tổng trị giá hơn 40 tỷ đồng, tương đương deal với một Shark của màn gọi vốn tối hôm qua, 24/7.
Theo Trí Thức Trẻ