Kết quả cuộc khảo sát uy tín nhất vào năm 2018 cho thấy nhóm ứng viên có học vấn cao nhất Mỹ đang lựa chọn đảng Dân chủ với tỷ lệ rất cao.
Khi mà cuộc vận động tranh cử cho bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 mới được khởi động, người ta có thể thấy rõ sự thiên vị của truyền thông dành cho ứng viên tranh cử Hillary Clinton.
Suốt một khoảng thời gian nhiều tháng, các kênh truyền thông lớn như CNN, BBC, Reuters, Bloomberg đưa tin dồn dập về việc ứng viên Hillary Clinton đã giành được lợi thế ở những nơi nào, rằng bà nói về chính sách tương lai của nước Mỹ hay ra sao.
Mặt khác họ lại chỉ trích ứng viên Donald Trump – ứng viên tranh cử sáng giá nhất của Đảng Cộng hòa Mỹ trên đủ các phương diện.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo lý giải của giáo sư ngành chính trị học và quản lý công tại đại học Florida Gulf Coast, ông Peter Bergerson, bắt nguồn chính từ tự hoài nghi mà giới truyền thông Mỹ dành cho ứng viên Donald Trump ở thời điểm đó.
Rõ ràng, trong mắt truyền thông và công chúng, bà Hillary Cliton có lịch sử vài chục năm tham gia chính trường Mỹ, trong khi ông Donald Trump quá non kinh nghiệm về chính trị, bản thân ông chỉ có nhiều kinh nghiệm trên cương vị chính trị gia.
Ngoài ra, tính cách khó đoán của ứng viên Donald Trump khi đó cũng khiến cho truyền thông Mỹ cảm thấy không hài lòng, chính vì vậy cũng dễ hiểu khi mà họ không thích ông. Giáo sư Peter Bergerson cho rằng ông cũng không đồng tình với sự thiên vị của truyền thông dành cho Hillary Clinton như vậy bởi mỗi ứng viên có thế mạnh khác nhau, vì vậy việc quá thiên vị một ứng viên nào đó hoàn toàn không hợp lý.
Để có cái nhìn khách quan về bầu cử Tổng thống Mỹ, theo giáo sư Peter Bergerson, công chúng cần theo dõi trên nhiều kênh truyền thông khác nhau, ngoài các kênh kể trên thì New York Times, Washington Post, New York Post cũng có thể coi là nguồn thông tin tốt.
Giáo sư ngành chính trị học và quản lý công tại đại học Florida Gulf Coast, ông Peter Bergerson
Trong buổi nói chuyện và bình luận về cuộc bầu cử Mỹ tại đại sứ quán Mỹ ngày hôm nay, giáo sư cũng chia sẻ thêm một số con số thú vị về cấu trúc nhân khẩu học trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và kết quả một số cuộc khảo sát ý kiến cử tri Mỹ năm 2018, các thông số này có thể mang tính dự báo quan trọng cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Theo số liệu của giáo sư Bergerson, nếu xét theo giới, vào năm 2016, có 54% nữ cử tri Mỹ thích Đảng Dân chủ thì đến năm 2018, con số này tiếp tục tăng lên mức 59%.
Còn nếu xét theo thu nhập, ở thời điểm năm 2016, với nhóm cử tri nghèo nhất, thu nhập dưới 29 nghìn USD/năm, 53% thích Đảng Dân chủ trong khi tỷ lệ này với Đảng Cộng hòa là 40%.
Đảng Dân chủ cũng được lòng nhóm cử tri giàu nhất Mỹ, với 52% cử tri Mỹ có thu nhập mỗi năm trên 200 nghìn USD thích đảng này. Trong khi đó 46% cử tri giàu muốn bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa.
Sang đến năm 2018, kết quả các cuộc khảo sát với nhóm cử tri giàu có thu nhập năm trên 200 nghìn USD, tình hình đang thuận lợi cho Đảng Cộng hòa Mỹ với 52% cử tri giàu có nhất thích Đảng Cộng hòa trong khi chỉ 47% cử tri thích Đảng Dân chủ.
Còn nếu xét theo trình độ học vấn, nếu như vào năm 2016, tỷ lệ chênh lệch ủng hộ hai đảng với nhóm cử tri có học vấn từ đại học trở lên không nhiều thì đến năm 2018, đến 65% cử tri trong nhóm này muốn bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ trong khi tỷ lệ này với Đảng Cộng hòa chỉ đạt 34%.
Theo Ngọc Diệp
Diễn đàn đầu tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bau-cu-my-nam-2020-cu-tri-giau-va-co-hoc-van-cao-nhat-tai-my-se-bo-phieu-cho-dang-nao-a103267.html