Doanh nhân Vũ Tiến Anh - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA cho biết, nếu cho anh cơ hội trong 6 tháng sẽ làm hồi sinh dòng sông Tô Lịch.
- Thực tế đã có nhiều công ty cả trong và ngoài nước đều tham gia vào việc làm sạch sông Tô Lịch nhưng không thành công. Rõ ràng việc hồi sinh sông Tô Lịch là việc rất khó khăn, anh tin mình sẽ thành công?
Khi đưa ra ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch tôi đã chắc chắn thành công, chứ không phải đưa ra ý tưởng một cách bồng bột. Bởi chúng tôi xử lý nước thải ngay từ đầu nguồn tại các điểm cống xả thải chứ không chỉ xử lý dưới sông, tức là nước khi được đưa ra sông Tô Lịch đã sạch rồi.
Khi chặn từ đầu nguồn, không còn nước thải chảy ra sông nữa thì rõ ràng không có lý do nào khiến nước sông còn ô nhiễm. Như vậy chỉ cần nửa năm tính cả thời gian lắp đặt nước sông đã có thể sạch.
- Vậy anh bắt đầu hiện thực hoá ý tưởng này như nào?
Nếu được các cơ quan chức năng đồng ý, tôi sẽ tiến hành đặt các máy lọc trên bờ sông Tô Lịch, tại các điểm cống xả thải sẽ được đặt 1 đến 2 máy. Đây là công nghệ xử lý nước cơ học hoàn toàn dựa trên năng lượng tự máy sinh ra, không sử dụng điện, không tiêu tốn hóa chất, không sử dụng vi sinh.
Ưu điểm của nó là diện tích nhỏ gọn so với tạo ra các diện tích khác nhau, phù hợp với các điều kiện diện tích nhỏ như các bờ sông, nhà hàng, khu khách sạn, resort hay các chung cư, nhà cao tầng, khu đô thị.
Thực ra sông Tô Lịch không có điểm nào khác so với các dòng sông khác, bản chất của các dòng sông hiện nay đều chết dần như sông Tô Lịch vì toàn bộ nước thải của dân cư đều đổ ra dòng sông. Và khi đổ ra sông thì nước thải không qua xử lý ấy sẽ khiến dòng sông và lượng sông chết ngày càng tăng lên chứ không thể giảm đi. Và biện pháp xử lý đó chưa có biện pháp hữu hiệu, bởi không có quy hoạch ngay từ đầu, không thu gom được.
Nếu đối với quy hoạch truyền thống thì cần thu gom ngay từ đầu, sau đó mới xử lý nhưng ở đây chỉ xả ra tự phát. Cho nên để quy hoạch lại toàn bộ sẽ mất rất nhiều tiền, chi phí vận hành tốn kém, cũng như thời gian thắp đặt lâu. Còn đối với hệ thống MET thì khi lắp tới đâu sẽ xử lý đến đó, triển khai nhanh, không tốn chi phí thiết kế loại toàn bộ hạ tầng.
- Theo anh việc khó nhất khi thực hiện dự án là gì?
Việc khó nhất trong quá trình triển khai đó là các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý, để được tiến hành triển khai thì cần có sự cấp phép của các bộ ban ngành liên quan. Chúng tôi đã cố gắng đề xuất để triển khai thí điểm ở các điểm ngưng giao, chứng minh tính hiệu quả và tính khả thi của nó thì mới triển khai được.
- Kinh phí thực hiện dự án sẽ hoàn toàn thuộc về phía doanh nghiệp?
Đúng vậy! Trong thời gian triển khai thí điểm chi phí hoàn toàn do công ty tự bỏ ra. Dự kiến giai đoạn thử nghiệm sẽ lắp đặt 10 máy với chi phí khoảng 500 triệu đồng.
Thời gian nhìn rõ sự thay đổi của dòng sông sẽ chỉ trong 6 tháng từ khi lắp đặt, bởi nước xuống sông rồi sẽ bị lẫn bởi các dòng nước ô nhiễm từ thượng nguồn chảy xuống nhưng tại điểm đấy sẽ hứng được nước thải ra đã sạch rồi bởi máy được lắp trên bờ.
- Anh có đề xuất gì về phía chính quyền nhằm nhân rộng hơn nữa mô hình xử lý nước thải ở các địa điểm ô nhiễm tại Hà Nội chứ không chỉ mỗi sông Tô Lịch?
Ở Hà Nội có rất nhiều sông đang bị ô nhiễm chứ không chỉ mỗi sông Tô Lịch, mà việc xử lý đó đến nay gần như không có nhiều giải pháp tối ưu. Đối với công nghệ MET tương đối phù hợp xử lý các dòng sông này.
Tôi mong muốn chính quyền TP Hà Nội và cao hơn là cấp nhà nước cho các doanh nghiệp cơ chế để hỗ trợ xử lý các dòng sông ô nhiễm này. Về phía doanh nghiệp cam kết không làm vì lợi nhuận và làm vì người dân và đất nước.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/doanh-nhan-cam-ket-hoi-sinh-song-to-lich-toi-khong-dua-ra-y-tuong-mot-cach-bong-bot-a103440.html