40% cổ phần VietCapital Bank bị phong toả, hạn chế chuyển nhượng

Gần 120 triệu cổ phần không được tự do chuyển nhượng khiến VietCapital Bank gặp không ít khó khăn với kế hoạch tăng vốn - yếu tố mang tính sống còn đối với loạt ngân hàng nhỏ trong "cuộc chiến" níu giữ thị phần trước sức ép của các nhà băng lớp trên.
vietcapital-bank

Trụ sở VietCapital Bank trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3, TP.HCM

Cái khó của ngân hàng "bé hạt tiêu"

Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) vừa công bố báo cáo tài chính Quý II/2019 (chưa soát xét). Theo đó, thu nhập lãi trong 6 tháng đầu năm đạt 1.796 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên chi phí lãi tăng với tốc độ cao hơn khiến thu nhập lãi thuần giảm nhẹ 1 tỷ đồng về 418,9 tỷ đồng.

Trừ đi các loại chi phí, lãi trước thuế của VietCapital Bank trong nửa đầu năm chỉ đạt 47,9 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ.

Các ngân hàng quy mô nhỏ với vốn điều lệ quanh mức pháp định (3.000 tỷ đồng) đang gặp rất nhiều khó khăn trong nỗ lực níu giữ thị phần trước sức ép mở rộng liên tục của các ngân hàng top trên. Một ví dụ đơn giản, VietCapital Bank đang đẩy lãi suất huy động lên tới 8,6%/ năm đối với khoản tiền gửi trên 24 tháng, là mức cao nhất thị trường hiện nay.

Với lãi suất đầu vào "chông chênh" như vậy, rất khó có dư địa để tạo ra lợi nhuận khi lãi suất cho vay không thể vượt lên quá mặt bằng chung, trừ khi nhà băng này chấp nhận mạo hiểm với các khách hàng không có chất lượng tốt.

Không chỉ VietCapital Bank, nhiều ngân hàng cỡ nhỏ khác cũng đang đối mặt với không ít thách thức: PGBank lãi vỏn vẹn 6,5 tỷ đồng trong Quý II, NCB lãi 3,4 tỷ đồng Quý II và 13,6 tỷ đồng nửa đầu năm, Saigonbank cũng chỉ thu về lợi nhuận 3,7 tỷ đồng trong quý vừa qua. VietABank có khá hơn, song vẫn phải ghi nhận chỉ tiêu lợi nhuận nửa đầu năm suy giảm 15% về còn 74,4 tỷ đồng.

Với VietCapital Bank, ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng rất lớn vào chiến lược mở rộng nhanh chóng mạng lưới sẽ giúp cải thiện hiệu suất kinh doanh. Trong năm 2018, nhà băng này đã nâng số điểm giao dịch từ 47 lên 70 và dự định đẩy lên con số 100 vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, việc mở rộng này cần cái "gật đầu" của Ngân hàng Nhà nước. Mà để được chấp thuận, nguồn nội lực, hay nói cụ thể hơn là vốn chủ sở hữu của VietCapital Bank phải nhanh chóng cải thiện. "Đói" vốn đang là thực trạng chung của các ngân hàng nhỏ, khi mà cơ quan quản lý đã và đang bít hết các cửa sở hữu chéo, tăng vốn ảo như trước đây.

Phong toả, hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu

Với VietCapital Bank, câu chuyện còn phức tạp hơn nhiều. Theo báo cáo mới đây của đơn vị này, tới cuối năm 2018, VietCapital Bank có 925 cổ đông, trong đó 911 cổ đông cá nhân nắm 78,16% cổ phần và 14 cổ đông tổ chức sở hữu 21,84% còn lại. Đáng chú ý, có tới 77,56 triệu cổ phần, tương đương 26% vốn đang trong tình trạng bị phong toả, 41,7 triệu cổ phần (14% vốn) bị hạn chế chuyển nhượng, lượng cổ phần được chuyển nhượng tự do chỉ là 60%.

VietCapital Bank tiền thân là Ngân hàng Gia Định được thành lập năm 1992. Sau đợt tăng vốn từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng giai đoạn 2010-2011 nhằm tuân thủ Luật các Tổ chức tín dụng, nhà băng này đổi tên thành Bản Việt (VietCapital Bank) như hiện nay, đồng thời xuất hiện loạt cổ đông lớn, tới cuối năm 2011 là Hoa Lâm Group (8,16%), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Tấn Phát - pháp nhân có nhiều liên hệ tới Trần Thái Group - nắm 12,2%, và tỷ lệ lớn nhất CTCP Đầu tư Khu đô thị mới Sài Gòn (Saigonnic) với 13,62%.

Tổng cộng, ba cổ đông kể trên tới cuối năm 2011 sở hữu 33,98% vốn của Gia Định Bank. Tỷ lệ này có thời điểm lên tới 42,76% (cuối năm 2010).

Khi mà Hoa Lâm Group lẫn Đầu tư Tấn Phát không hiện diện quá lâu, thì Saigonnic vẫn "trụ" lại cùng VietCapital Bank và suốt nhiều năm qua là cổ đông lớn duy nhất của nhà băng này. Tới cuối năm 2018, Saigonnic vẫn duy trì tỷ lệ 13,62%, tương đương 40,87 triệu cổ phần.

Dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện Saigonnic đã mang toàn bộ cổ phần VietCapital Bank đem thế chấp tại Sacombank chi nhánh Trần Hưng Đạo từ cuối năm 2012 và được định giá ở mức 515 tỷ đồng, hay 12.600 đồng/CP. 13,62% vốn VietCapital Bank được Saigonnic "gửi" ở Sacombank cho tới cuối năm 2015, từ đó đến nay chưa rõ đã được tất toán hay chưa.

Tới 40% cổ phần thuộc diện bị phong toả và hạn chế chuyển nhượng khiến VietCapital Bank gặp không ít khó khăn khi tiến hành tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu, thể hiện rõ nhất qua diễn biến chỉ huy động được 171 tỷ đồng, tương đương 34% trong đợt phát hành 500 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu hồi đầu năm.

Ngoài ra, theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 thông qua, VietCapital Bank sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UpCOM trong Quý III/2019. Việc gần 120 triệu cổ phần không được chuyển nhượng tự do cũng sẽ cản trở nỗ lực tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu của ban lãnh đạo VietCapital Bank.

Quý III/2019 đã trôi qua gần 1/3, vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy VietCapital Bank sẽ đưa cổ phiếu lên sàn UpCOM theo đúng kế hoạch. Dù vậy, "deadline" của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính là cuối năm 2020, cho nên kể cả nếu "lỡ hẹn" đợt này, thì hàng trăm cổ đông có chăng cũng không nên quá thất vọng khi mà VietCapital Bank sẽ có thêm thời gian để củng cố, cải thiện hoạt động và quan trọng không kém, là giảm thiểu tối đa số cổ phần thuộc diện bị phong toả và hạn chế chuyển nhượng.

Nhìn ở góc độ này, không thể không đề cập đến vai trò quan trọng và tích cực của ông Lê Anh Tài, bà Nguyễn Thanh Phượng cùng các cộng sự khi biết rằng vào cuối năm 2015, tình hình còn "nghiêm trọng" hơn nhiều khi số cổ phần bị phong toả lên tới 147,2 triệu đơn vị, chiếm non nửa vốn VietCapital Bank, số cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng là 5% trong khi số cổ phần chuyển nhượng tự do chỉ là 46%.

Theo Nhà Đầu tư

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/40-co-phan-vietcapital-bank-bi-phong-toa-han-che-chuyen-nhuong-a103495.html