Báo Hàn Quốc dẫn lời của đại diện KEB Hana Bank cho biết họ đang có kế hoạch giúp BIDV cải thiện danh mục tài sản, đồng thời tối đa hóa lợi nhuận bằng cách chuyển giao các kỹ thuật quản lý rủi ro tiên tiến cho BIDV.
Ngày 22/7 vừa qua, HĐQT ngân hàng BIDV đã ban hành Nghị quyết thông qua văn kiện giao dịch với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo đó, BIDV sẽ phát hành riêng lẻ cho đối tác KEB Hana Bank (Hàn Quốc) tổng hơn 603 triệu cổ phần tương ứng 15% ốn điều lệ. Tổng giá trị giao dịch này lên tới gần 20.300 tỷ đồng tức đối tác của BIDV đã mua mỗi cổ phiếu BID với giá 33.640 đồng.
Với giá trị hơn 20 nghìn tỷ, đây là thương vụ M&A có giá trị cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Còn với KEB Hana Bank, thông qua thương vụ này sẽ trở thành tập đoàn dẫn đầu làn sóng đầu tư tài chính của Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trên thực tế, câu chuyện bán vốn cho KEB Hana Bank đã được BIDV nghiên cứu từ cách đây gần 2 năm nhưng bây giờ mới có bước tiến chắn chắn hơn. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018, ông Phan Đức Tú chủ tịch BIDV từng cảm thán rằng đó là quá trình của một cầu chuyện dài và việc kế hoạch kéo dài là do chưa gặp nhau về mức giá và nhiều thủ tục. Như vậy cho đến nay, sau khi thống nhất được mức giá, việc bán vốn cho KEB Hana Bank được kỳ vọng sẽ sớm được hoàn tất.
Thương vụ M&A này thành công sẽ cởi trói cho BIDV nhiều rào cản vốn đang kìm hãm sức tăng trưởng của nhà băng này. Sau khi tăng vốn điều lệ, BIDV sẽ có cơ hội được tăng trưởng tín dụng nhiều hơn đồng thời sớm áp dụng được tiêu chuẩn Basel II trước khi đến hạn 2020.
Điều đáng nói, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài không chỉ giải quyết một trong những vấn đề khó khăn nhất với BIDV hiện tại mà còn có thể đem lại cho nhà băng này những động lực phát triển mới.
Tờ BusinessReport của Hàn Quốc dẫn lời của đại diện KEB Hana Bank cho biết: "Chúng tôi đang có kế hoạch cải thiện danh mục tài sản của BIDV, hiện tại vẫn đang tập trung vào tài chính doanh nghiệp, nhằm đa dạng hóa các nguồn lợi nhuận như tăng thu nhập từ hoa hồng và tối đa hóa lợi nhuận bằng cách chuyển giao các kỹ thuật quản lý rủi ro tiên tiến của KEB Hana Bank cho BIDV".
Tại Việt Nam, KEB Hana Bank chủ yếu tập trung hoạt động kinh doanh của người Hàn thông qua 2 chi nhánh ở Hà Nội và TP.HCM. Việc hợp tác với BIDV sẽ mang lại nhiều lợi ích cho tập đoàn này khi BIDV đang là ngân hàng quy mô hàng đầu ở Việt Nam, sỏ hữu mạng lưới hơn 1.000 chi nhánh và phòng giao dịch, 58.000 máy ATM trên toàn quốc.
BusinessReport cho rằng, BIDV đã chọn KEB Hana Bank vì ngân hàng này có khả năng cạnh tranh lớn trong mảng ngân hàng bán lẻ, ngân hàng số và quản trị rủi ro. Với hơn hơn 70% khoản vay là cho vay doanh nghiệp, việc tìm kiếm đối tác để mở rộng ngân hàng bán lẻ sẽ giúp BIDV tăng trưởng cao hơn.
Hợp tác với KEB Hana Bank, BIDV lên kế hoạch mở rộng sức mạnh tổng hợp bằng cách dần hợp tác với các công ty liên quan của Tập đoàn Hana trong tương lai.
Tại một báo cáo từng được chứng khoán VDSC phát hành, nhóm phân tích của công ty chứng khoán này cho rằng, với sự tham gia của KEB Hana Bank, BIDV có thể có thêm lợi thế trong việc khai thác phân khúc bán lẻ, nhất là thông qua lĩnh vực fintech và digital banking. Thêm vào đó, xu hướng nguồn vốn FDI từ Hàn Quốc chảy vào Việt Nam đang dồi dào cũng như số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc ở Việt Nam tăng lên sẽ là tiềm năng mở rộng thu nhập của BIDV.
BIDV vẫn đang tiếp tục mở rộng sang các phân khúc bán lẻ và SME, mặc dù, theo phân tích của VDSC, tốc độc mở rộng đang chậm lại cũng như áp lực huy động vốn đang khiến nhà băng này gặp khó khăn trong cải thiện biên lãi ròng. Do đó, nếu bán vốn thành công cho KEB Hana bank, ngân hàng có khả năng giải tỏa các áp lực hiện tại và nâng cao sức cạnh tranh trong phân khúc bán lẻ và SME.
Trí Thức Trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thuong-vu-ma-gia-tri-cao-nhat-lich-su-nganh-ngan-hang-se-mang-den-nhung-gi-cho-bidv-a103641.html