Công ty nội dung số Trung Quốc Tencent, Baidu ào ạt tấn công thị trường Việt Nam, cho người dùng thanh toán bằng tiền Việt

Mấy ngày qua, giới kinh doanh dịch vụ truyền hình của Việt Nam xôn xao khi Tencent, Baidu đã đồng loạt mở bán dịch vụ nội dung theo yêu cầu (VOD), có phiên bản phụ đề tiếng Việt, thu tiền thuê bao VIP bằng đồng Việt Nam.

WeTV của Tencent đã mở bán dịch vụ tại thị trường Việt Nam.

Mấy ngày nay giới làm nội dung trên Internet xôn xao thông tin hai ứng dụng OTT xuyên biên giới của Trung Quốc là WeTV và iQIYI đã mở cửa kinh doanh dịch vụ ở thị trường Việt Nam. Người dùng Việt Nam có thể tải hai ứng dụng này và có thể đăng ký mua gói VIP bằng tiền Việt Nam

Phóng viên ICTnews tải hai ứng dụng này và dùng trải nghiệm thì thấy trên hai ứng dụng cung cấp một khối lượng rất lớn nội dung phim lẻ, phim bộ, phim truyền hình, các game show do các hãng truyền hình, điện ảnh của Trung Quốc. Chỉ cần tải ứng dụng về, chưa cần đăng ký tài khoản là có thể xem miễn phí hàng ngàn bộ phim, chương trình gameshow, với rất nhiều nội dung mới được cập nhật hàng ngày.

Điều đáng nói trên toàn bộ các nội dung đều có phiên bản phụ đề tiếng Việt và người dùng có thể trả phí để mua gói VIP với chi phí rất mềm mại. Ví dụ, trên WeTV có mức phí 25.000 đồng/tháng, 55.000 đồng/quý và 259.000 đồng/năm.

Trên iQIYI có hai gói Gold VIP và Diamond VIP với mức giá cao hơn WeTV một chút. Cụ thể, gói Gold Vip có giá 49.000 đồng/tháng, 130.000 VNĐ/quý và 499.000 đồng/năm. Gói Diamon VIP có giá 59.000 đồng/tháng, 160.000 đồng/quý và 599.000 đồng/năm. Trên ứng dụng iOS người dùng trả tiền qua cổng thanh toán của Apple để mua các gói VIP này.

iQIYI của Baidu đã phát hành vào thị trường Việt Nam.

Có thể nói mức phí mà WeTV và iQIYI đưa ra cực kỳ cạnh tranh, rẻ hơn 3-4 lần dịch vụ như Netflix hay iFlix đang cung cấp, chỉ tương đương với mức phí mà các dịch vụ truyền hình OTT nội địa như Clip TV, Danet, Fim+, VTVcab ON.

Theo như phần giới thiệu và chính sách của hai ứng dụng này, WeTV là do Tencent phát triển,còn iQIYI là của Baidu sở hữu. Đây là hai nhà cung cấp dịch vụ nội dung số lớn nhất, nhì của Trung Quốc.

Gần đây Apple TV cũng đã tấn công vào thị trường Việt Nam khi cho phép người dùng có thể trả phí bằng đồng Việt Nam, tuy nhiên giá mua và thuê phim của Apple TV khá đắt đỏ. Ví dụ, để xem bộ phim hành động mới sản xuất năm 2019 “Alita: Battle Angel” người Việt Nam phải bỏ ra 149.000 đồng để sở hữu bộ phim, hoặc thuê với giá 49.000 đồng.

Apple TV đã bán dịch vụ tại Việt Nam.

Cách đây vài năm khi Netflix và iFlix cung cấp phiên bản tiếng Việt và thu tiền bằng đồng Việt Nam đã dấy lên lo ngại về tính pháp lý khi hai ứng dụng xuyên biên giới này khai thác kinh doanh ở thị trường Việt Nam. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình có thu phí phải đăng ký hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và phải được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, nội dung trước khi cung cấp cho người dùng phải tuân thủ các quy định về biên tập, biên dịch và quản lý nội dung theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hiện nay, Bộ TT&TT đang sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý dịch vụ phát thanh, truyền hình, trong đó sẽ bổ sung thêm các quy định về quản lý dịch vụ nội dung cung cấp trên Internet, trên di động, nội dung cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam.

Theo ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV, đối với mảng nội dung truyền hình, phim ảnh, pháp luật Việt Nam quản lý rất chặt chẽ các đơn vị  sản xuất, kinh doanh trong nước, trong khi các ứng dụng xuyên biên giới nước ngoài tràn vào thị trường thì nhà nước chưa thể quản lý. Điều này có nguy cơ gây rối loạn thị trường dịch vụ nội dung số ở Việt Nam.

Ông Giản cũng cho hay, chỉ một thời gian ngắn nữa, Disney+ một ứng dụng xuyên biên giới cung cấp nội dung cho giới trẻ cũng sẽ mở khai thác, bán thuê bao ở thị trường Việt Nam. Chắc chắc thị trường truyền hình OTT ở Việt Nam sẽ là cuộc đấu của các OTT xuyên biên giới.

Đối với mảng game xuyên biên giới cung cấp trên hai nền tảng iOS và Android, hồi đầu tháng 7, Bộ TT&TT đã mời 10 doanh nghiệp game nước ngoài đang cung cấp game xuyên biên giới đến để phổ biến những quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý game, trong đó: Game không phép sẽ không được phát hành vào Việt Nam. Trong thời gian qua Bộ TT&TT đã yêu cầu Apple và Google chặn, gỡ 142 game không phép, game có nội dung bị cấm phát hành theo luật pháp của Việt Nam. Sau khi làm việc với Bộ TT&TT, các doanh nghiệp game nước ngoài đã hứa sẽ tuân thủ, ngay sau đó đã tạm dừng cung cấp các game chưa được cấp phép vào thị trường Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước để ngăn chặn dòng tiền thanh toán đến các dịch vụ nội dung số của nước ngoài cung cấp vào Việt Nam mà không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trong đó bao gồm: Game, mạng xã hội, dịch vụ truyền hình, OTT trên các nền tảng Internet.

Ictnews

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cong-ty-noi-dung-so-trung-quoc-tencent-baidu-ao-at-tan-cong-thi-truong-viet-nam-cho-nguoi-dung-thanh-toan-bang-tien-viet-a104108.html