22,5 triệu người đang sử dụng mạng xã hội Facebook; tăng trưởng của dòng sản phẩm cao cấp tới 38,5%… là hai trong những “sự thật” đáng chú ý về thị trường nông thôn vừa được một công ty nghiên cứu thị trường chỉ ra buộc các nhà sản xuất phải có cái nhìn khác về thị trường luôn được đánh giá là tiềm năng này.
Những “sự thật” này được rút ra từ báo cáo “Khám phá những sự thật về khu vực nông thôn Việt Nam (Rural Mythbusters)” vừa được Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam công bố hôm nay, 12/7. Theo Nielsen Việt Nam, đây là những điều hoàn toàn khác với những gì mà các doanh nghiệp vẫn thường được nghe, quan niệm thời gian qua và dẫn đến việc chưa khai thác hết mức tiềm năng của thị trường chiếm đến 68% dân số Việt Nam này.
Nghiên cứu của Nielsen Việt Nam ghi nhận, kênh truyền hình ở nông thôn đã bão hòa với hơn 90% hộ gia đình sở hữu một chiếc tivi ở nhà và 57% trong số đó kết nối thường xuyên với hơn 10 kênh truyền hình.
Điều đáng chú ý và mới hơn là 90% người tiêu dùng nông thôn sở hữu một chiếc điện thoại di động và 50% trong số đó là điện thoại thông minh.
Không chỉ vậy, có gần 24 triệu người sử dụng internet, xấp xỉ với số lượng ở các khu vực thành thị. Hiện tại, đã có 22,5 triệu người ở khu vực này sử dụng Facebook để liên lạc với người thân, bạn bè, chỉ kém 1 triệu so với con số 23,5 triệu ở các khu vực thành thị.
Việc tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện truyền thông được nhận định là khiến hành vi và thái độ của người tiêu dùng nông thôn sẽ không khác biệt so với khách hàng thành thị.
“Sự thật” đáng chú ý khác là người tiêu dùng nông thôn rất hứng thú với sản phẩm cao cấp. Theo Nielsen, tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong quí 1-2017 ở khu vực nông thôn là 12,4% (cao gần gấp đôi so với thành thị) và đóng góp chính vào tăng trưởng này chính là dòng sản phẩm phổ thông và cao cấp. Mức độ tăng trưởng của hai dòng sản phẩm này lần lượt là 40% và 38,5%.
Vì vậy, theo Nielsen, nếu các nhà sản xuất chỉ tập trung vào việc đẩy các sản phẩm phổ thông đến vùng nông thôn, thì họ đang bỏ lỡ cơ hội sinh lợi khổng lồ mà khu vực này mang lại.
Cũng theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, 77% người tiêu dùng nông thôn muốn được thử các sản phẩm mới và 95% đánh giá cao việc có nhiều loại sản phẩm để lựa chọn. Điều này cũng đã được phản ánh qua việc các sản phẩm mới khi tung ra tại thị trường nông thôn tăng trưởng tốt hơn so với hiệu quả kinh doanh sản phẩm tương tự tại các thành phố chính. Vấn đề là với môi trường bán lẻ rất đa dạng thì các nhà sản xuất phải luôn đảm bảo sản phẩm có sẵn mới có thể thành công.
Báo cáo của Nielsen Việt Nam cũng ghi nhận, kênh thương mại truyền thống có hơn 1,1 triệu cửa hàng trải rộng khắp 58 tỉnh tại Việt Nam (không tính Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng), chứa đựng nhiều sự cạnh tranh và phức tạp và sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài. Vì vậy, nhà sản xuất phải biết “tập trung vào đâu” khi muốn mở rộng thị trường, tiến vào vùng nông thôn.
Lời khuyên là khi các doanh nghiệp tập trung đẩy hàng vào 400.000 cửa hàng ở các quận, huyện trọng điểm thì các cửa hàng này có thể mang đến 39% doanh thu bán lẻ. Với kết quả này, thông qua việc tập trung vào mục tiêu một cách hợp lý, thì việc đạt được phần lớn doanh số bán hàng là điều khả thi và không tốn kém quá nhiều nguồn lực cũng như chi phí như các nhà sản xuất đã nghĩ.
Minh Tâm
Theo TBKTSG
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-su-that-moi-ve-thi-truong-nong-thon-a104286.html