Đây là những quy luật đặc biệt giải thích nguồn gốc của may mắn và bất hạnh, thành công và thất bại, điều vĩ đại và thấp kém trong cuộc đời. Nhìn lại cuộc đời những người thành công như Bill Gates, Warren Buffett hay Jack Ma đều áp dụng những nguyên tắc sống này.
"Tại sao có những người thành công hơn người khác? Yếu tố nào quyết định sự thành công trong cuộc sống?". Theo thời gian và trải nghiệm, tác giả nổi tiếng Brian Tracy hiểu rằng mọi việc xảy ra không phải do ngẫu nhiên mà đều bắt nguồn từ những quy luật. Những quy luật này được những con người vĩ đại tìm ra cách đây hàng nghìn năm lịch sử.
Quy luật nhân quả
Mọi việc xảy ra trong cuộc sống đều bắt nguồn từ một lý do cụ thể.
Triết gia Aristotle đã khẳng định rằng thế giới chúng ta đang sống được chi phối hoàn toàn bằng những quy luật chứ không phải bằng định mệnh may rủi. Theo ông, mọi sự việc xảy ra đều có lý do cụ thể và mọi hành động đều phản ảnh một loại kết quả nào đó bất kể nhận thức hay mong muốn của chúng ta.
Đây là một quy luật vô cùng quan trọng, là "quy luật bất biến" của tư tưởng và triết học phương Tây. Tìm kiếm không ngừng về chân lý và các mối quan hệ nhân quả trong các sự việc đã làm phương Tây phát triển mạnh mẽ về khoa học, kỹ thuật, y học, triết học và thậm chí chiến tranh trong hơn hai ngàn năm qua. Ngày nay, quy luật này đang là tâm điểm thúc đẩy những tiến bộ công nghệ làm thay đổi thế giới rõ rệt.
Quy luật này cho rằng thành tựu, của cải, hạnh phúc, sự thịnh vượng và thành công trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh đều là hệ quả trực tiếp hay gián tiếp hoặc là kết quả của những hành động cụ thể. Điều này có nghĩa rằng bạn có thể đạt được thành quả như mong muốn nếu bạn nhận diện được mục tiêu rõ ràng. Nếu nỗ lực tìm hiểu và học hỏi sự thành công từ những người đi trước, chắc chắn bạn sẽ đạt được thành công tương tự.
Từ đó có thể thấy thành công không phải là ngẫu nhiên. Thành công không đến với bạn một cách tình cờ may mắn hay như một phép nhiệm màu. Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân, dù là tốt đẹp hoặc không như mong muốn, dù tích cực hoặc tiêu cực. Isaac Newton nhận định: "Bất kỳ hành động nào cũng dẫn đến một phản ứng tác động ngược lại với mức độ tương đương".
Bạn xây dựng toàn bộ thế giới của mình theo cách bạn suy nghĩ và đặt vấn đề về cuộc sống. Giá trị, ý nghĩa của con người, sự việc và tình huống xảy ra xung quanh đều phụ thuộc vào suy nghĩ của bạn. Chính vì vậy, khi bạn thay đổi suy nghĩ cũng có nghĩa là bạn thay đổi cuộc đời mình, đôi khi sự thay đổi này chỉ diễn ra trong thoáng chốc. Nguyên tắc quan trọng nhất để thành công chỉ gói gọn trong một câu đơn giản: bạn nghĩ mình như thế nào thì bạn sẽ trở nên như thế. Điều này hầu như chính xác trong mọi trường hợp. Không phải thế giới bên ngoài quyết định điều kiện hay hoàn cảnh sống, mà chính thế giới nội tâm mới là yếu tố tạo ra hoàn cảnh cuộc đời.
Quy luật nhân quả cũng khẳng định bạn có quyền lựa chọn cuộc đời của mình. Quyền tự do lớn nhất của con người là quyền được lựa chọn cuộc sống. Không ai đủ quyền năng buộc bạn phải suy nghĩ, cảm nhận hay hành động theo cách mà bạn không mong muốn. Mọi cảm xúc và cách cư xử của bạn hoàn toàn bắt nguồn từ cách bạn suy nghĩ, nhận thức về thế giới xung quanh và về những gì đang xảy ra. Bạn có thể diễn giải sự việc theo cách khiến bản thân thấy vui vẻ và lạc quan thay vì tức giận và thất vọng. Bạn có thể quyết định phản ứng mang tính xây dựng và tích cực thay vì bi quan, yếm thế. Tất cả tùy thuộc vào bạn.
Quy luật niềm tin
Những gì bạn thực sự tin tưởng bằng tất cả cảm xúc sẽ trở thành hiện thực.
Niềm tin chính là bộ lọc lựa chọn thông tin và chỉ lối cho mọi hành động. Bạn không nhất thiết phải tin những gì mình thấy, nhưng bạn thường có xu hướng thấy những gì bạn đã tin. Bạn cũng thường loại bỏ những thông tin trái ngược với những gì bạn đã tin tưởng mà không xem xét liệu niềm tin và thành kiến của bạn có dựa trên sự thật khách quan hay chỉ là cảm nhận chủ quan.
Thành kiến nghĩa là vội vàng đánh giá, đi đến kết luận trái ngược trước bất kỳ thông tin nào, hoặc thậm chí bất chấp thông tin. Để thành công, bạn cần phải biết kiềm chế việc đánh giá con người hay hoàn cảnh cho đến khi có đầy đủ thông tin. Quan trọng hơn hết, bạn phải kiềm chế việc vội vàng xét đoán bản thân cũng như những suy nghĩ có tính chất "thu hẹp".
Điều này thường xảy ra khi bạn cho rằng mình bị hạn chế về một mặt nào đó. Ví dụ, khi bạn nghĩ rằng mình kém cỏi, không có năng lực, không giỏi giang như những người khác cũng chính là lúc bạn đang để bản thân rơi vào cái bẫy thông thường là tự chấp nhận những mục tiêu thấp hơn rất nhiều so với khả năng thực tế của mình.
Sự thật là không ai tài giỏi hơn hay thông minh hơn bạn. Nếu có, phần lớn đó là những người biết cách phát triển khả năng và tài năng thiên bẩm của mình nhiều hơn bạn mà thôi. Họ đã tìm hiểu Luật Nhân quả và sớm áp dụng vào cuộc sống cũng như công việc. Trong phạm vi nhất định, bạn cũng có thể làm được bất kỳ điều gì mà những người đó đã làm, chỉ cần bạn có lòng nhiệt thành và sự ham học hỏi.
Quy luật hấp dẫn
Bạn như một thỏi nam châm hút vào cuộc sống của mình mọi con người, mọi hoàn cảnh và mọi tình huống hài hòa với những suy nghĩ chủ đạo của bạn.
Quy luật Hấp dẫn đã xuất hiện từ thời Ai Cập cổ đại cách đây 3.000 năm trước Công nguyên và là một trong những quy luật nền tảng giải thích sự thành công và thất bại trong kinh doanh cũng như trong cuộc sống. Quy luật này có sức tác động mạnh mẽ đến mọi hành động, lời nói, thậm chí cả những suy nghĩ và cảm nhận của bạn.
Bạn như một thỏi nam châm, hút vào cuộc sống của mình mọi con người, mọi hoàn cảnh và mọi tình huống hài hòa với những suy nghĩ chủ đạo trong bạn. Suy nghĩ của bạn như một dạng năng lượng tinh thần chuyển động theo tốc độ ánh sáng. Chúng có khả năng xuyên qua bất kỳ rào cản nào. Đó là lý do tại sao đôi khi bạn đang nghĩ đến một người ở rất xa và chỉ một lát sau bạn nhận được điện thoại hay thư từ người đó. Trong trường hợp này, suy nghĩ của bạn đã được kết nối với người đó vào chính khoảnh khắc mà bạn nghĩ đến họ.
Trong các tổ chức khi công việc trong tổ chức không được suôn sẻ, cách nhanh nhất để mang lại sự thay đổi là đưa vào một người mới có khả năng thay đổi cách suy nghĩ và cảm nhận của mọi người về bản thân cũng như về những công việc họ đang làm. Giá trị mới, tầm nhìn mới, chiến lược mới và chính sách mới đối với khách hàng cũng như trong nội bộ sẽ mang đến những đổi thay nhanh chóng và sâu sắc.
Quy luật tương thích
Thế giới bên ngoài phản ánh thế giới nội tâm và tương thích với chiều hướng tư duy chủ đạo của bạn.
Đây là một quy luật đặc biệt giải thích nguồn gốc của may mắn và bất hạnh, thành công và thất bại, điều vĩ đại và thấp kém trong cuộc đời.
Thế giới bên ngoài phản ánh thế giới nội tâm ở mọi khía cạnh. Bất cứ sự kiện nào xảy đến với bạn đều tương thích với một điều gì đó bên trong con người bạn. Đôi khi sự tương thích này được gọi là sự "tương đương về tinh thần". Bạn cần phải nuôi dưỡng sự tương đương về mặt tinh thần với những gì bạn muốn trải nghiệm ở thế giới bên ngoài. Trong thực tế, bạn không thể đạt được mục tiêu nếu tâm trí của bạn chưa nhận thức rõ ràng về mục tiêu đó. Do đó, nếu muốn thay đổi và cải thiện bất kỳ điều gì trong cuộc sống, bạn phải bắt đầu bằng việc thay đổi tâm trí của mình.
Có thể ví cuộc đời bạn như một chiếc gương 360 độ. Bất kỳ bạn nhìn nơi đâu, bạn cũng sẽ thấy hình ảnh của mình. Mở rộng hơn, những mối quan hệ sẽ phản ánh bản chất thật sự của bạn cũng như thái độ, sức khỏe và điều kiện vật chất sẽ phản ánh cách bạn tư duy.
Thế nhưng, không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận thực tế này. Hầu như tâm lý mọi người đều nghĩ rằng các vấn đề trong cuộc sống của họ là do người khác và hoàn cảnh bên ngoài gây ra. Họ muốn người khác thay đổi nhưng họ lại không muốn thay đổi chính bản thân mình.
Bạn chỉ có khả năng kiểm soát một điều duy nhất - đó chính là suy nghĩ. Và khi đã hoàn toàn kiểm soát được mọi suy nghĩ, bạn sẽ kiểm soát được những lĩnh vực khác trong cuộc sống. Hãy trở thành người kiến trúc sư hoàn hảo cho cuộc đời của bạn, bắt đầu bằng những suy nghĩ tích cực và lạc quan.
Thảo Nguyên
Theo Trí Thức Trẻ