Photo Essay: Những cửa ngõ ra vào trung tâm Sài Gòn đang bị 'bóp nghẹt' như thế nào?

Với vị trí thuận tiện di chuyển vào trung tâm, các cửa ngõ TP HCM là lựa chọn của rất nhiều chủ đầu tư phát dự án bất động sản (BĐS).

Với vị trí thuận tiện di chuyển vào trung tâm, các cửa ngõ TP HCM là lựa chọn của rất nhiều chủ đầu tư phát dự án bất động sản (BĐS).

Với vị trí thuận tiện di chuyển vào trung tâm, các cửa ngõ TP HCM là lựa chọn của rất nhiều chủ đầu tư phát dự án bất động sản (BĐS). Tuy nhiên tốc độ phát triển các dự án nhà ở đang bỏ lại hạ tầng giao thông phía sau một khoảng cách xa khiến hầu hết mọi cửa ngõ chính vào trung tâm Sài Gòn đang bị "bóp nghẹt" bởi các tòa cao ốc.

Hiện nay, với tốc độ phát triển dần trở thành một trung tâm tài chính của TPHCM, nhu cầu đi lại đang liên tục gia tăng, nhiều trục đường chính ra vào trung tâm TPHCM liên tục quá tải. Tại các quận 2, 9, Thủ Đức và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…, khi ra vào khu trung tâm thành phố, ngoài các trục chính là tuyến xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13, thì lưu lượng xe đang ngày càng tăng cao trên những tuyến đường chính dẫn vào khu nội thành gây nên kẹt xe nghiêm trọng.

Chưa kể, tại khu vực trên còn đối mặt nguy cơ kẹt xe thường xuyên khi hàng loạt dự án bất động sản lớn với các cao ốc, chung cư... quy mô hàng ngàn căn hộ đang hình thành. Mặt khác, hiện giao thông ở nút giao như Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội; Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc Long Thành - TPHCM; Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; hay hiện nay là Tôn Đức Thắng - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Hữu Cảnh đang trong tình trạng quá tải và là một trong những vị trí có nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM.

Các tuyến đường dẫn vào trung tâm TPHCM từ quận Bình Thạnh thường xuyên trong tình trạng kẹt cứng ở các giờ cao điểm

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu nhận định không chỉ hai trục đường Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Tất Thành, các trục khác nối khu Nam (quận 7, huyện Nhà Bè, một phần huyện Bình Chánh) với nội đô như Dương Bá Trạc - cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Nguyễn Tri Phương - Phạm Hùng cũng thường xuyên quá tải.

Ông Châu đánh giá thành phố đã có nhiều giải pháp như các dự án mở rộng cầu Kênh Tẻ hiện hữu, mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ, làm thêm cầu Nguyễn Khoái, cầu Thủ Thiêm 4, tuyến metro số 4... Tuy nhiên, chủ tịch HoREA cho rằng để tình hình kết nối giao thông cải thiện đáng kể, cần có thời gian chứ không thể xuất hiện "phép lạ" sau một đêm.

Hàng loạt dự án chung cư cao tầng liên tục "mọc" lên quanh các tuyến đường lớn, mật độ dân cư tăng cao nên tình trạng kẹt xe cũng thường xuyên xảy ra.

Trên tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (khoảng 2km), các quần thể dự án này có khoảng 20.000 căn hộ được xem là gây sức ép rất lớn lên giao thông. Trong đó phải kể đến quần thể hơn 10.000 căn hộ được một chủ đầu tư lớn mới cung ứng ra thị trường bên cạnh các khu căn hộ cao cấp hiện hữu trước đó như Saigon Pearl, Sun Wah Pearl, The Manor, Centennial...

Chỉ trong vòng 10 năm, rất nhiều dự án lớn nhỏ đã đổ bộ về như Park Vista, Sunrise City View, The Park Residence, Dragon Hill 2, Kiến Á, Hưng Phát Silver Star... khiến khu vực quận 7 trở nên chật chội. Riêng tổ hợp căn hộ cao cấp Sunrise City đã "góp" hơn 10 tòa cao ốc trên đoạn đường khoảng 500 m

Bến Vân Đồn, quận 4 cũng đang trong tình trạng kẹt xe trầm trọng do mật độ dân cư tăng cao

Như vậy, việc hạ tầng giao thông "đuổi theo" tốc độ phát triển của BĐS, cộng với việc điều chỉnh quy hoạch nội bộ về cấp phép dự án đã khiến đô thị méo mó ngay từ cửa ngõ

Theo Sở Xây dựng TPHCM, mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chỉ tiêu về dân số, số tầng cao… để làm căn cứ cấp phép xây dựng nhà cao tầng là những chỉ tiêu quy hoạch đã được thành phố lập, thẩm định và phê duyệt trên cơ sở đồng bộ với các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật, xã hội của khu vực.

Tuy nhiên, nhiều năm qua các dự án nhà ở cao tầng đang đi trước hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mà lẽ ra phải làm ngược lại. Đặc thù của các công trình cao tầng là chen vào các khu đất trống, đất xen kẽ trong khu dân cư hiện hữu dẫn đến quá tải hạ tầng.

Xa lộ Hà Nội, đường Mai Chí Thọ đã mở rộng lộ giới từ 80 – 120 m, xe máy có 2 -3 làn để di chuyển nhưng vẫn kẹt xe do cư dân sống tại các cao ốc đổ ra quá đông, không còn đường lưu thông

Tại cửa ngõ phía Đông TPHCM, hàng chục cao ốc trên 30 tầng quy mô hàng chục nghìn căn hộ nằm cạnh công trình tuyến metro số 1, trong đó nhiều block chung cư đã hoàn thành, bàn giao cho cư dân

Đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM cho biết nhiều dự án cao ốc, trung tâm thương mại, các công trình tập trung đông người được cấp phép xây dựng và đưa vào khai thác trong khi hạ tầng kỹ thuật xung quanh, đặc biệt là hệ thống giao thông chưa được đầu tư mở rộng theo quy hoạch nên đã tạo ra áp lực lớn cho hạ tầng giao thông hiện hữu.

Trong hầu hết các dự án, Sở GTVT chỉ tham gia giải quyết tình huống như đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn giao thông trong điều kiện hạ tầng giao thông hạn hữu. Chính việc chạy theo giải quyết tình huống dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông khi các dự án đưa vào khai thác, sử dụng.

Gần đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc mới chuyển cho Sở GTVT cho ý kiến về các dự án xây dựng cao ốc, khu dân cư. Theo đó, trong quá trình xây dựng chung cư, Sở GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư bố trí các lối ra vào hợp lý, tránh các giao lộ, để xe ra vào công trường trên phần đất dự án chứ không được đậu ngoài đường. Đối với các công trình tập trung đông người như trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng, sở đang lấy ý kiến chuyên gia và các sở ngành để xây dựng báo cáo đánh giá tác động giao thông, sau đó trình UBND thành phố thông qua làm tiêu chí để áp dụng cho các dự án xây dựng về sau.

Trước tình trạng các dự án cao ốc đang bức tử hạ tầng giao thông, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã giao các cơ quan chức năng không cấp phép xây dựng cho những công trình cao ốc tập trung đông người, trên các trục đường, khu vực chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông, theo quy hoạch được duyệt

Chỉ trong vòng hơn 3 năm qua, hàng chục khu đô thị lớn nhỏ ở quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh như Trung Sơn, Sadeco, Intresco 6B, Đại Phúc… thu hút hàng trăm nghìn người đến sinh sống. Điều này khiến các ngả đường còn lại di chuyển về trung tâm chật cứng

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, hiện nay việc cấp phép xây dựng của TPHCM được thực hiện tràn lan mà nguyên nhân chính là do 3 cơ quan nhà nước gồm Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở GTVT và Sở Xây dựng chưa phối hợp tốt. Cách làm hiện nay là cấp phép theo quy hoạch hạ tầng tương lai chứ không phải theo hạ tầng hiện hữu nên hạ tầng không theo nổi.

Một số chuyên gia cũng chỉ ra khi kẹt xe, ách tắc, ngành giao thông lại "nhảy" vào xử lý kiểu theo đuôi, tắc đâu chữa đấy, tạo nên một bức tranh giao thông đô thị nhếch nhác, chồng chéo, lộn xộn. Đơn cử như khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, tuyến metro chưa biết bao giờ mới hoàn thành, đường Nguyễn Hữu Cảnh thì ngập lụt xuống cấp nhưng có rất nhiều dự án xây dựng được cấp phép quanh khu vực này. Các dự án hạ tầng giao thông đều đã có trong quy hoạch nhưng chưa thực hiện thì nhà cao tầng đã mọc lên, dân cư đổ đến, không quá tải mới là chuyện lạ.

Trong thời gian qua, TP.HCM đã và đang đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng nâng cấp mở rộng các trục giao thông chính như Nguyễn Xiển, Lò Lu, Đỗ Xuân Hợp, cầu Phú Hữu, cầu Tăng Long, cầu nối Long Thành (Đồng Nai)…, sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực, giúp hoạt động lưu thông hàng hóa diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, chỉ phần nhỏ trong danh mục đầu tư hạ tầng này được hoàn thiện

Chỉ tính riêng đường Nguyễn Hữu Thọ, các dự án cao ốc hai bên đường hiện nay đang có khoảng 400.000 dân sinh sống trong các cao ốc, gấp 2 lần dân số quận 4. Đó là chưa kể hàng chục dự án cao ốc đang triển khai. Số lượng dự án quá lớn trong khi đường Nguyễn Hữu Thọ (từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Kênh Tẻ) mỗi bên chỉ có một làn ô tô và một làn xe máy nên dù chỉ dài khoảng 2,5 km nhưng để di chuyển qua điểm nóng này vào giờ cao điểm, ô tô phải mất gần 1 giờ mới đến được trung tâm TPHCM

Để chấm dứt tình trạng tắc nghẽn trên các trục đường khi di chuyển từ quận 7 vào nội đô TP.HCM, ông Sơn đánh giá cần giải 3 bài toán.

Thứ nhất, nếu có đủ trường học, nơi làm việc tại chỗ thì cư dân không phải di chuyển nhiều vào nội trung tâm thành phố nữa. Thứ hai, khu Nam là khu đất thấp của thành phố, nên nếu xây dựng công trình phải làm hạ tầng bền vững song song như nạo vét hệ thống kênh, cống, xây công viên để chống ngập; đảm bảo mật độ xây dựng thấp.

Cuối cùng, ông cho rằng vẫn phải làm hạ tầng giao thông kết nối nhưng khi quy hoạch tốt từ đầu và giải được hai vấn đề trên thì tự lưu lượng giao thông di chuyển vào trung tâm thành phố sẽ giảm.

Ngay chân cầu Sài Gòn hướng Bình Thạnh đang san sát hàng chục tòa nhà cao tầng. Chỉ trong một thời gian ngắn, những dự án "tỷ USD" nhanh chân án ngữ cửa Đông thành phố

Đoạn đường Tôn Đức Thắng, quận 1 đang bị rào chắn chiếm hết phần lớn diện tích lưu thông nên tình trạng kẹt xe đang gia tăng

Theo PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển TP.HCM, những yêu cầu của một đô thị tương lai đòi hỏi một bộ máy quản lý đô thị thông minh, có năng lực quản lý và điều hành. Mô hình quản lý đô thị hiện nay của chúng ta vẫn theo chiều dọc truyền thống, không có sự chia sẻ hạ tầng, dữ liệu cũng như các công cụ, tài nguyên khác theo chiều ngang giữa các sở, ban, ngành. Xây dựng tính kết nối giữa các ngành, các lĩnh vực là một trong những điều kiện quan trọng để xây dựng thành phố tương lai.

Bài và ảnh: Minh Tú

Trình bày: Hương Xuân

Theo Pháp Luật Plus

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/photo-essay-nhung-cua-ngo-ra-vao-trung-tam-sai-gon-dang-bi-bop-nghet-nhu-the-nao-a104836.html