Đọc biết bao nhiêu bài báo về đa cấp mô hình Ponzi, về chia đất phân lô bán nền mua trước, về đồng tiền ảo và đặc biệt về việc thương lái người Trung Quốc mua các sản phẩm "dị" của nông dân Việt Nam... Họ chỉ có đúng một bài duy nhất thôi, nhưng tại sao nhiều người Việt cứ dính bẫy lặp đi lặp lại như thế? Hôm nay, tôi mới hiểu được. Đó là bởi vì tư tưởng muốn làm ít hưởng nhiều, muốn nhanh chóng tạo ra được lợi nhuận, tầm nhìn ngắn hạn, muốn ăn ngay và tin tưởng lời nói đường mật của người có quyền lợi tài chính khi loan báo những điều ấy.
Mô hình Ponzi chắc rất nhiều người biết. Lấy tiền của người sau trả cho người trước với một lãi suất khổng lồ nhưng không dựa trên giá trị một lượng hàng hóa/ trao đổi tiền tệ dẫn đến sự sụp đổ (dân gian gọi là giật hụi). Giống như ngân hàng, cũng là một dạng đa cấp, lấy tiền của người A với lãi suất khoảng 1-1.5% cho người B mượn với lãi suất 3.75-4% (bên Mỹ) hoặc đầu tư những dự án nào đó để sinh ra lời, với một điều kiện là tiền lời phải cao hơn tiền trả lãi cho người A. Nếu ngân hàng với lượng tiền khổng lồ mà chỉ cho bạn được có 1-1.5%/ năm thì làm thế nào một người nào đó có thể trả cho bạn 100-200% lãi suất/1-6 tháng? Không cần phải là thiên tài hay là người làm trong lĩnh vực tài chính để hiểu điều bất hợp lý này. Một người dân bình thường như tôi mà còn hiểu được thì chắc các bạn cũng phải hiểu?
Điều thứ hai, việc phân lô bán nền đất. 10 triệu đồng/ mét vuông, chỉ có thể là đất "lúa non" cho nên mới rẻ được thế, nếu không lẽ ra là phải trăm triệu, anh chỉ cần đầu tư vào đây thì sau khi dự án hoàn thành anh bán lại với giá gấp 10-100 lần. Thứ nhất, cò nuôi cò, có nghĩa rằng chỉ khi nào không thấy được giá trị gia tăng của một miếng đất thì cò mới loan ra điều đó. Thứ hai, họ đánh đúng vào tâm lý, có ít tiền nhưng vẫn phải có một miếng đất chôn chân của nhiều người. Hai điều này có thể xảy ra bởi vì họ tin tưởng lời nói của người có quyền lợi tài chính khi nói ra điều ấy, và họ không thích phải điều tra tìm hiểu.
Tiếp đến là đồng tiền ảo, tôi không nói rằng loại tiền đó sai. Nhưng bây giờ để tạo ra một đồng tiền ảo thì rất đơn giản, sau sự thành công của Bitcoin, cả trăm, cả ngàn đồng tiền ảo ra đời, và để có được thành công của Bitcoin là cả 9-10 năm chờ đợi, nhưng lên tới đỉnh rồi thì chìm xuống, nó giống như chứng khoán vậy, nhưng ít nhất chứng khoán là dựa vào năng lực của một công ty, còn đồng tiền ảo dựa trên giá trị gì?
Chính tôi là người đã về Việt Nam năm 2018 và được mời vào một nhóm chuyên chơi tiền ảo ở đó. Họ rất giàu có, đi chơi ăn uống bay nhảy, đối với họ vài ngàn đô mỗi bữa đi chơi là chuyện bình thường. Họ chuyên về trade coin, giống như các bạn trade chứng khoán, mua thấp bán cao. Có người xây những nhà đào coin cả triệu đôla ở Việt Nam, và họ thành công bởi vì họ đã tìm hiểu kỹ. Trong khi đó, có một số lượng lớn người chơi coin không hiểu gì về nó nhưng lại đầu tư một cách mù quáng vì người khác giàu nhanh chóng, đặc biệt việc thế chấp cầm cố căn nhà, cái xe để lấy tiền đi chơi coin, với ý nghĩ nó đang lên thì nó sẽ còn lên nữa. Đối với một số người, họ chỉ thấy là những người giàu lên vì coin quá nhanh chóng, nhưng họ không hiểu là những người chuyên về coin đã phải tìm hiểu, mất bao nhiêu tiền rồi họ mới có được ngày hôm nay.
Vấn đề cuối cùng từ nông dân: thương lái Trung Quốc. Cần phải hiểu rõ rằng họ không những làm thế này với nông dân Việt Nam, mà họ còn làm với cả nông dân của nước họ. Khi thương lái Trung Quốc tới Việt Nam, họ lúc nào cũng đi 2 người nhưng tới 2 xã khác nhau. Thứ hai, họ sẽ mua những thứ lạ lùng và vì lý do đó nên không có một mức giá sàn. Lấy ví dụ của lá điều sấy khô, thương lái A tới xã C và nói rằng đang tìm mua lá điều với giá 500 ngàn đồng/ tấn, trong cùng thời điểm đó thương lái B sẽ mua giá 300 ngàn đồng/ tấn ở xã D. Nông dân xã C tích cực vặt lá điều và chỉ trong vòng 3 ngày đã gom được 10 tấn, thương lái A xuống lấy và trả tiền đầy đủ, sau đó nói rằng bây giờ giá đã lên 5 triệu đồng/ tấn rồi, các anh có thêm không để chúng tôi mua. Lúc đó nông dân xã A choáng váng, đi vặt hết tất cả cây điều, lá non lá già gì vặt tất. Đúng lúc đó thương lái B gọi điện thoại nói rằng có lá điều đang bán với giá 2 triệu/tấn, thế là nông dân mua vào cả chục tấn nữa.
Qua ngày hôm sau, thương lái A báo lên giá 20 triệu đồng/tấn, lần này thì các anh nông dân hò cả làng vào rừng vặt sạch lá cây, nghĩ rằng bọn thương lái này dốt lắm, lần trước mình độn lá khác vào mà nó có biết đâu, sấy rồi lá nào chả như lá nào. Thương lái B lại báo giá bán là 12 triệu đồng/ tấn, các thương lái Việt Nam mua vào cả 20-30 tấn. Khi mọi thứ đã sấy xong xuôi, các thương lái Việt Nam chắc mẩm phen này phải được nhiều lắm, gọi ngay cho thương lái A thì kết quả: "Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được...". Lúc này thì các bác ấy sững sờ với cú lừa ấy.
Thời hiện đại, thương lái Trung Quốc cũng lừa ta với chỉ đúng một bài, đánh vào lòng tham vô đáy và tầm nhìn ngắn hạn của nông dân mình. Sẽ có nhiều bạn nói rằng tại sao chính quyền địa phương không ngăn chặn điều này? Xin thưa ngăn rồi có mà nổi với lòng tham của họ đâu, mà nếu người ta đã muốn thì làm mọi cách để luồn lách cho bằng được, lúc ngăn chặn thì còn phản đối.
Bao nhiêu bài học rồi, tại sao vẫn bị lừa như thế? Chẳng có gì dễ dàng mà có được tiền cả. "Một điều làm tôi day dứt là tại sao mình lại phải đi báo với kẻ ngu dốt về việc họ bị lừa nhỉ?"- một người bạn của tôi từng nói vậy khi cố gắng giải thích cho những người tham cái lợi trước mắt, bởi vì lúc đó họ chỉ thấy được hào quang, họ còn mắng ngược lại là đồ đố kỵ, thấy họ sắp giàu nhanh nên muốn phá đám.
Đúng là nhiều người Việt mình có những tính ganh tị rất nực cười, nhưng họ lại không phân biệt được cái nào là lời khuyên. Tầm nhìn ngắn hạn ấy phần lớn xuất hiện ở những người ít học, lười làm nhưng muốn hưởng thụ, không tìm hiểu học hỏi hoặc luôn nghĩ rằng "không thể nào xảy ra với mình được".