Người nói đạo lý thường hay sống… sai: Viết sách dạy trẻ nhưng vẫn cay nghiệt "chì chiết" điểm số của con, dù đứa trẻ vẫn đứng nhất trường

Dạy con người thì dễ, dạy con mình trăm điều khó khăn. Bố mẹ chỉ muốn thấy điều bố mẹ muốn, chứ không hề thấu đáo suy nghĩ bên trong của những đứa con


Dạy con người thì dễ, dạy con mình trăm điều khó khăn. Bố mẹ chỉ muốn thấy điều bố mẹ muốn, chứ không hề thấu đáo suy nghĩ bên trong của những đứa con

Bà Bae Sungmun, 56 tuổi, là hiệu trưởng một trường tiểu học Hàn Quốc đồng thời đảm nhiệm vị trí giáo sư phụ trách phòng Tư vấn Thanh niên ĐH Chongshi, Seoul. Cuốn sách của bà "55 bí quyết giúp con học giỏi tại trường" từng lọt top sách bán chạy và nhận được những phản ứng tốt từ các bậc phụ huynh. Bà cũng từng được nhận bằng khen của Thủ tướng, của Bộ Giáo dục Hàn Quốc vì những cống hiến cho nền giáo dục nước nhà.

Trong cuốn sách của mình, Bae Sungmun chia sẻ cách dạy con thành những đứa trẻ thông minh, giỏi giang. Ngay cả trong những buổi chia sẻ, giao lưu, bà cũng thường khuyên các vị phụ huynh cần phải dành nhiều lời khen cho trẻ để kích thích con làm thêm những điều tốt.

Tuy nhiên, hiện thực cuộc sống lại thường khác nội dung sách, bà Bae Sungmun dùng sự hà khắc đến "dồn ép" trong cách giáo dục con. Toàn bộ sự thật đều được bà kể lại chi tiết trong cuốn sách "Mom Bansungmun" của bà xuất bản năm 2017. Trong cuốn sách lọt top những đầu sách bán chạy nhất Hàn Quốc này, bà thú nhận mình là "một phụ huynh dốt nát, thiếu hiểu biết", đặc biệt là một bà mẹ vô cùng kiệm lời khen con.

Dù con trai đứng nhất toàn trường nhưng bà vẫn buông lời trách móc: "Tại sao điểm ngoại ngữ tốt hơn mà điểm toán của con lại thụt giảm? Mẹ đầu tư tiền cho con học toán để nhận lại kết quả này sao? 97/100, điểm như thế này mà con cũng hài lòng sao?". Với cô con gái út, bà lại càng khắc nghiệt hơn vì cô bé không học giỏi như anh trai mình, đến 7 tuổi vẫn chưa nhận biết được mặt chữ. Vì thế, bà bắt con học ngày học đêm, chưa học xong chưa được ngủ, thường xuyên hét vào mặt con bé "Tại sao con lại kém cỏi như vậy?".

Người nói đạo lý thường hay sống… sai: Viết sách dạy trẻ nhưng vẫn cay nghiệt chì chiết điểm số của con, dù đứa trẻ vẫn đứng nhất trường - Ảnh 1.

Có lần thi nghe viết, điểm của con gái đạt 60/100, bà đã tức tối quát xối xả vào đứa con đang run cầm cập vì sợ hãi đến khóc nấc lên: "Con thấy oan ức lắm sao? Con học hành như thế này mà được à? Đừng tưởng khóc lóc là mẹ sẽ không ép đi học". Lần tiếp theo, cô bé khoe đạt 80/100 còn bà mẹ chỉ hỏi một câu: "Đề này dễ lắm đúng không?". Ngày cô bé khoe đã đạt điểm tối đa, những tưởng điểm số này sẽ khiến mẹ vui lòng nhưng bà chỉ lạnh lùng đáp lại: "Lớp con có bao nhiêu người đạt 100/100?".

Những lần mẹ con trò chuyện với nhau gần như không bao giờ có, vậy nên nếu nhận được lời khen của bà mẹ bận rộn này quả là phải vượt qua nghìn cửa ải. Bae Sungmun có thể dễ dàng đưa lời khuyên cho những người lạ nhưng ngồi lại tâm sự với con cái mình dường như bà không cho chúng cơ hội nào.

Sự nghiệp riêng càng thăng tiến, áp lực bà đè lên những đứa con càng lớn. Và điều bà không bao giờ mong muốn đã xảy ra và sự kiện này đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ độc đoán của bà. Vào một ngày tháng 4/2007, cậu con trai cả bất ngờ bỏ học chỉ vài tháng trước khi thi đại học. Một tháng sau, cô con gái đang học cấp 2 cũng bỏ học. Mặc cho mẹ quát tháo, bắt đến trường nhưng trong 1 năm rưỡi, hai đứa trẻ ngoan ngoãn, chăm chỉ bỗng trở nên lầm lì, chỉ ở nhà xem tivi, không giao lưu với ai; cô con gái còn tăng đến 80kg vì mất kiểm soát trong ăn uống, không vận động.

Quá sốc, lại chứng kiến thêm cảnh con cái đập phá đồ đạc, muốn gần gũi con mà con né tránh, hàng xóm bàn tán, Bae Sungmun cảm thấy vô cùng bế tắc. Bà liên tục ngất xỉu, phải cấp cứu đến 3 lần, sau đó vì gặp tai nạn nghiêm trọng nên đã phải làm phẫu thuật. Nhưng đắng cay nhất là con cái bà không mảy may quan tâm đến mẹ và chỉ cười khẩy nghĩ rằng mẹ đang diễn trò gì đó để uy hiếp chúng quay lại trường học.

Người nói đạo lý thường hay sống… sai: Viết sách dạy trẻ nhưng vẫn cay nghiệt chì chiết điểm số của con, dù đứa trẻ vẫn đứng nhất trường - Ảnh 2.

"Khi tôi tìm cách nói chuyện với con trai nhưng nó đáp lại tôi bằng những lời lẽ xúc phạm. Còn đứa con gái đáng thương, nó đã khóc, cười không ngừng." Chính bà cũng chưa bao giờ tưởng tượng rằng con cái mình đã đau khổ đến như thế này, bị áp lực đè nén khiến chúng cảm thấy bất mãn. Giây phút ấy, bà nhận ra không chỉ mình đau khổ mà hai đứa con cũng mệt mỏi khôn cùng.

Lần đầu tiên, bà gạt hết lòng tự trọng, sự kiêu hãnh của một người làm giáo dục có tiếng, của một tác giả sách được yêu mến để nói câu "Mẹ sai rồi!" trước mặt các con mình. Bà không muốn mất con, bà muốn để các con mình thấy rằng, sâu bên trong bà thực sự yêu con và muốn cứu lấy tương lai của con mình chứ không phải sự tự hào hào nhoáng bên ngoài kia. Sau đó, bà đã đi đăng kí một khóa học huấn luyện để hiểu thêm về cảm xúc của trẻ.

Người mẹ nghiêm khắc ngày nào cuối cùng cũng đã nhận ra rằng công danh có thể quan trọng, đỗ đại học có thể quan trọng nhưng quan trọng hàng đầu là con cái cần phải được sống, được khỏe mạnh và là một đứa trẻ bình thường đã là hạnh phúc tột độ của những người làm cha làm mẹ. Trẻ cần được tự do để thể hiện sự sáng tạo, phát triển tư duy nhưng nhiều bố mẹ luôn kì vọng ở con cái, ép buộc chúng phải trở thành "thần đồng" trong mắt người lớn, "thần tượng" trong mắt bạn bè trang lứa.

Về phần con cái bà Bae Sungmun, sau khi mẹ được đả thông tư tưởng, con cái đã có cơ hội tâm sự với mẹ và được làm những gì mình muốn. Hai đứa trẻ cuối cùng cũng quay trở lại trường học. Cậu con trai đã học trống, cô con gái út thử học làm bánh và hơn cả là không bị áp lực bài vở như trước. Bà Bae Sungmun cũng tận dụng nhiều cơ hội để được trò chuyện cùng con và bà đồng ý ngay khi con gái ngỏ lời muốn đi du lịch cùng mẹ.

Khi hai mẹ con đi dạo trên bờ biển, cô con gái út đã có thể tâm sự với mẹ nhiều hơn. "Mẹ biết không, con đã từng nghĩ đến tự tử. Vì con muốn trả thù. Vì con muốn bố mẹ phải ân hận. Nhưng rồi con lại nghĩ đến những lý đo để tiếp tục sống. Con muốn giúp những đứa trẻ đã trải qua khoảng thời gian vật lộn giống như con và anh".

Sau nhiều nỗ lực, cô gái cuối cùng cũng đi du học Mỹ để theo ngành tâm lý học, cậu con trai cả theo ngành Triết học tại Đại học quốc gia Seoul.

Người nói đạo lý thường hay sống… sai: Viết sách dạy trẻ nhưng vẫn cay nghiệt chì chiết điểm số của con, dù đứa trẻ vẫn đứng nhất trường - Ảnh 3.


V.D

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nguoi-noi-dao-ly-thuong-hay-song-sai-viet-sach-day-tre-nhung-van-cay-nghiet-chi-chiet-diem-so-cua-con-du-dua-tre-van-dung-nhat-truong-a105640.html