Đó là nhận xét của ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội cà phê, ca cao Việt Nam khi trao đổi với Dân Việt xung quanh câu chuyện phát triển thương hiệu cà phê Trung Nguyên xung quanh câu chuyện lùm xùm giữa ông vũ và vợ cũ bà Lê Hoàng Diệp Thảo hiện nay.
Ông Hải đánh giá, cà phê Trung Nguyên là một trong hai thương hiệu cà phê ở Việt Nam đã trải qua một thời gian rất dài trong việc xây dựng củng cố và phát triển thương hiệu của mình qua từng năm.
“Đặng Lê Nguyên Vũ đã rất mạnh dạn và táo bạo nên thương hiệu cà phê Trung Nguyên trở thành thương hiệu mạnh ở trong nước.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu cà phê Trung Nguyên của gia đình anh Đặng Lê Nguyên Vũ đối với Việt Nam là rất lớn. Việc xây dựng thương hiệu cà phê Trung Nguyên là quá trình rất dài từ năm 1994-1995, thời gian để hình thành thương hiệu cà phê Trung Nguyên như ngày hôm nay.
Đó là sự mày mò, gắn bó của Đặng Lê Nguyên Vũ và gia đình trong việc định hướng và xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam mang tên Trung Nguyên” – ông Hải chia sẻ.
Qua mấy chục năm xây dựng, đến nay cà phê Trung Nguyên đã có thương hiệu nhất định trong thị trường Việt Nam. Nhưng đối với trên thị trường thế giới, cà phê Trung Nguyên đã tiếp cận được thị trường một số nước như Mỹ, Trung Quốc… Tuy nhiên mạnh về xuất khẩu đưa sang thị trường khác thì vẫn đang gặp khó khăn. Vì mỗi nước mỗi châu lục có “gu” thưởng thức khác nhau. Để tạo thành “gu” của Trung Nguyên cần một thời gian khá dài thì họ mới thích và cảm nhận được.
Các thương hiệu cà phê Việt Nam chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa, chưa tiếp cận được sâu vào thị trường thế giới mang tính truyền thống thưởng thức cà phê như châu Âu, châu Mỹ.
Việc xây dựng thương hiệu cà phê không chỉ là câu chuyện của doanh nghiệp, theo ông Hải, đó là sự cần thiết của ngành cà phê Việt Nam khi nước ta đứng thứ 2 sản lượng cà phê thế giới, nếu không xây dựng thương hiệu thì rất khó khăn để tiếp thị giới thiệu cà phê Việt Nam ra thế giới.
Ông Hải cho biết, chúng ta có thể mình xây dựng thương hiệu cà phê nhân. Nhưng đặc biệt các thương hiệu gắn liền với doanh nghiệp tạo ra sản phẩm chế biến sâu càng phải nâng cao lên, ví dụ như Vina cà phê, cà phê Trung Nguyên… để các thị trường thế giới họ thấy được thương hiệu cà phê Việt Nam.
“Nếu mình chỉ xây dựng thương hiệu cà phê nhân thì chủ yếu làm nguyên liệu cho các nước, các nhà rang xay thế giới. Sự phát triển thương hiệu cần mở rộng ra cả các sản phẩm chế biến sâu như cà phê rang xay, cà phê hòa tan, như vậy sẽ nhanh phổ biến thương hiệu hơn và nhanh tiếp cận thị trường hơn” – ông Hải khẳng định.
Khó khăn trở ngại lớn nhất trong việc xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam đó là trong số cà phê xuất khẩu, các sản phẩm chế biến sâu, rang xay nội địa chiếm tỉ lệ còn rất thấp. Trong lúc đó mình chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân, xây dựng thương hiệu cà phê nhân chất lượng cao thì khó hơn xây dựng thương hiệu sản phẩm cà phê chế biến sâu của các doanh nghiệp.
Để làm được điều đó theo ông Hải, các doanh nghiệp cần có hệ thống chế biến, nhà máy kho bãi đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ hai, phải có vùng nguyên liệu ổn định, không thể mua cà phê không nguồn gốc để tạo ra sản phẩm có thương hiệu; thứ ba, là quảng bá thị trường, đây là yếu tố vô cùng quan trọng để tạo nên thương hiệu sản phẩm. Doanh nghiệp phải mạnh dạn đầu tư tiếp thị quảng cáo để tạo chỗ đứng thương hiệu trên thị trường.
Theo Đình Thắng/Dân Việt
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ong-dang-le-nguyen-vu-co-cong-gi-voi-thuong-hieu-ca-phe-viet-a10565.html