Ngân hàng ép khách phải mua kèm bảo hiểm cháy nổ chung cư

24 giờ trước khi đến ký hợp đồng vay mua nhà, chị Thảo mới biết "phải đóng 4 triệu đồng mua bảo hiểm cháy nổ, ngân hàng mới giải ngân".

24 giờ trước khi đến ký hợp đồng vay mua nhà, chị Thảo mới biết "phải đóng 4 triệu đồng mua bảo hiểm cháy nổ, ngân hàng mới giải ngân".

Chị Phương Thảo (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa vay tiền một ngân hàng cổ phần mua căn hộ chung cư. Sau nhiều ngày xuôi ngược hoàn thiện thủ tục, chị thở phào khi được nhân viên nói hồ sơ đã hoàn thiện, hẹn hôm sau tới ký hợp đồng. Nhưng đồng thời chị lại nhận tiếp thông báo phải mua bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ này. "Chị phải đóng bảo hiểm thì mới được cấp khoản vay vì đây là quy định bắt buộc", nhân viên ngân hàng nói.

Đây không phải lần đầu vay tiền mua nhà và các lần trước chị Thảo đều không bị yêu cầu bắt buộc đóng khoản phí này. Theo giải thích của nhân viên tín dụng, từ 15/4/2018, Nghị định 23/2018 quy định chủ sở hữu chung cư phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nên đây là "quy định mới của ngân hàng".

Ngoài ra, chị Thảo cho biết chị bắt buộc phải mua ở công ty bảo hiểm do ngân hàng liên kết, chỉ định. "Nếu mua ở chỗ khác nhân viên tín dụng bảo không được. Vì vậy tôi nghi ngờ về sự 'bắt buộc' này, rất có thể là một yêu cầu để tăng bán chéo bảo hiểm. Nhưng thực sự do cần giải ngân đúng hạn để kịp thanh toán cho chủ đầu tư, vợ chồng tôi vẫn tặc lưỡi nộp tiền", chị Thảo kể.

Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ chung cư mà khách hàng phải mua khi vay tiền. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hợp đồng bảo hiểm cháy nổ cho căn hộ chung cư được ngân hàng bán kèm khi vay tiền. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Trong khi đó, một cán bộ cho vay của ngân hàng thương mại vốn nhà nước thừa nhận "có thể linh động với từng khách hàng". "Với những dự án có tính rủi ro cao và chủ đầu tư không được đánh giá uy tín, chúng tôi buộc phải yêu cầu khách đóng bảo hiểm cháy, nổ nhằm hạn chế rủi ro cho ngân hàng", cán bộ này nói. Ngoài ra, một số trường hợp khách hàng phản ứng gay gắt cũng được "châm chước" cho ký hợp đồng và giải ngân mà không cần mua bảo hiểm.

Không riêng người vay mua nhà sau ngày 15/4, những khách hàng đã được giải ngân mua chung cư trước thời gian này cũng được ngân hàng yêu cầu mua bảo hiểm. Chị Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) đã thế chấp sổ hồng vay mua nhà từ cuối năm 2017. Đến nay, do có việc cần bản sao sổ hồng nên chị nhờ ngân hàng hỗ trợ công chứng. "Nhân viên ngân hàng nói thẳng băng là tôi phải mua bảo hiểm cháy nổ khoảng 3-4 triệu đồng để hoàn thiện hồ sơ thì mới được hỗ trợ", chị Hoa kể. 

Trong khi đó, trả lời công dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, Thông tư về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hiện không quy định khách hàng phải mua bảo hiểm cháy, nổ khi vay vốn.

Chia sẻ với VnExpress, cán bộ phòng pháp chế của ngân hàng thương mại vốn Nhà nước cũng thừa nhận không có quy định bắt buộc khách phải mua bảo hiểm cháy, nổ cho chung cư thì mới được vay. Tuy nhiên, đây được xem là công cụ phòng ngừa rủi ro của chính ngân hàng – người cho vay.

"Căn hộ chung cư mà khách hàng mua (dù có phải là tài sản đảm bảo hay không) là tài sản hình thành từ khoản vay, cần phải phòng ngừa rủi ro bằng việc đóng bảo hiểm. Theo quy định của Bộ Xây dựng, những loại tài sản này phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Còn Ngân hàng Nhà nước cũng không có những quy định quá chi tiết mà đó là câu chuyện thoả thuận giữa khách hàng và ngân hàng", vị này cho hay.

Luật sư Lương Huy Hà, Đoàn Luật sư Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Lawkey Việt Nam cho biết, quy định chủ sở hữu chung cư phải đóng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không phải mới mà đã được nhắc tới ở các văn bản Luật trước đó như Nghị định 130/2006, Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an và Bộ Tài chính... Nghị định 23/2018 là văn bản mới nhất thay thế sau khi đã chỉnh sửa, bổ sung.

Tuy nhiên, theo ông Hà, với việc không có quy định phải đóng bảo hiểm, cháy nổ bắt buộc đối với các tài sản đảm bảo thuộc các khoản cho vay của mình, nhà băng không thể ép buộc khách mua bảo hiểm cháy nổ. Đây phải là sự thoả thuận giữa ngân hàng và khách. "Cần tránh tình trạng nhân viên ngân hàng "mượn" quy định của Chính phủ rồi nhập nhằng, nhằm gây khó dễ với người dân để bán thêm sản phẩm", ông nói.

Bên cạnh đó, theo ông, phải tách bạch giữa nghĩa vụ đóng bảo hiểm của chủ sở hữu với trách nhiệm của ngân hàng, hoặc cần làm rõ nghĩa vụ đóng bảo hiểm của chủ sở hữu căn hộ có là điều kiện để được hưởng quyền lợi hay tham gia các giao dịch với ngân hàng hay không.

Quỳnh Trang

Theo Vnexpress

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ngan-hang-ep-khach-phai-mua-kem-bao-hiem-chay-no-chung-cu-a105656.html