Bất ngờ với kế hoạch tài chính của Vietravel Airlines, có lãi ngay năm đầu tiên, lãi hơn 220 tỉ đồng ở năm thứ 5

Ban lãnh đạo Vietravel tỏ ra hết sức lạc quan với dự án Vietravel Airlines thông qua kế hoạch có lãi ngay trong năm đầu tiên và tăng dần đến hơn 220 tỉ đồng năm thứ 5.
airplanes-taxiing-on-runway-at-sunset-685007399-5a7cd2b1fa6bcc0037137e1d

Vietravel đặt mục tiêu đưa hãng hàng không "cất cánh" vào tháng 10/2020

Vietravel có thể đã rót 33 tỉ đồng góp vốn vào hãng hàng không

CTCP Du lịch và Tiếp thị Du lịch Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel - Mã: VTR) sắp giao dịch cổ phiếu trên thị trường đại chúng chưa niêm yết (UPCoM); phương án này đã được sự chấp thuận của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Vietravel, doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 126 tỉ đồng cũng đang có kế hoạch đưa Hãng hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) chính thức vận hành thương mại và dự kiến sẽ khai thác vào tháng 10/2020.

Tổng mức đầu tư dự án này là 700 tỉ đồng, tương đương vốn pháp định trong lĩnh vực kinh doanh hàng không đối với đơn vị sở hữu dưới 10 tàu bay.

Và để tài trợ vốn cho dự án này, Vietravel xin ý kiến cổ đông phát hành 700 tỉ đồng trái phiếu, lãi suất không quá 11%, kỳ hạn trong hai năm.

Vietravel Airlines được thành lập ngày 19/2/2019, vốn điều lệ đăng ký 300 tỉ đồng hoàn toàn do công ty mẹ Vietravel đóng góp.

Đến cuối tháng 5, Hãng hàng không lữ hành này tăng vốn điều lệ lên 700 tỉ đồng. Hai người đại diện pháp luật của công ty hàng không gồm ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch) và ông Vũ Đức Biên (Tổng giám đốc).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2019 của Vietravel, công ty này cho biết đã chuyển một phần vốn góp sang Vietravel Airlines, và công ty hàng không đang làm thủ tục xin cấp phép bay. Do đó kết quả tại Vietravel Airlines chưa được hợp nhất vào công ty mẹ.

Một số nhà quan sát đặt vấn đề, Vietravel làm sao có thể thuyết phục được các nhà đầu tư để huy động được nguồn tiền vận hành hãng hàng không mới. Bởi xét trong hoàn cảnh hiện tại, tình hình tài chính của công ty mẹ không quá dư giả.

dt vietravel

BM tổng hợp

Doanh thu thuần hoạt động kinh doanh của Vietravel nửa đầu năm 2019 đạt hơn 3.600 tỉ đồng, biên lợi nhuận gộp chưa đầy 7%. Tuy nhiên, chi phí vận hành đã gần như ngốn hết toàn bộ doanh thu, lợi nhuận thuần đem về 29 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ hơn 24 tỉ đồng.

Tại thời điểm 30/6, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận mức 60 tỉ đồng; trong khi với hoạt động đầu tư, tiền góp vốn vào đơn vị khác 33 tỉ đồng sau 6 tháng đầu năm cho thấy nhiều khả năng đã góp vốn vào Vietravel Airlines.

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản toàn công ty 1.654 tỉ đồng; Trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn chiếm 1.452 tỷ đồng bao gồm 241 tỉ đồng tiền mặt.

Trong khi đó, nợ phải trả cuối kỳ 1.435 tỉ đồng, gấp 6,5 lần vốn chủ; chủ yếu à các khoản phải trả các nhà cung cấp dịch vụ, hàng hóa kinh doanh, tiền ứng trước của khách hàng...

Ngoài ra, công ty có các khoản nợ vay ngắn hạn 100 tỉ đồng, vay dài hạn 36 tỉ đồng tại các ngân hàng TMCP Việt Nam và 19 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.

Nhìn chung, tình hình tài chính của Vietravel vẫn khá cân đối với lượng nợ vay thấp, chủ yếu các khoản vay vốn lưu động được cân đối bởi lượng tiền mặt tại công ty. Dù vậy, có thể thấy tài sản của Vietravel hiện không nằm ở những gì các nhà đầu tư có thể nắm được mà chủ yếu nằm ở giá trị cung ứng dịch vụ.

nợ vtr

BM tổng hợp

Tiền đâu để vận hành hãng hàng không?

Theo kế hoạch tài chính đầu tư dự án mà Vietravel Airlines công bố, nhu cầu vốn trong năm đầu tiên triển khai dự án là gần 660 tỉ đồng, cộng dồn sang năm thứ hai là hơn 700 tỉ đồng. Như vậy là số vốn ban đầu thành lập của Vietravel Airlines sẽ được tiêu vừa hết trong hai năm đầu tiên.

Tương ứng với kế hoạch tài chính, Vietravel cho biết sẽ triển khai mô hình kinh doanh hybrid (lai giữa truyền thống và chi phí thấp), cố gắng để đưa năng suất khai thác tàu bay ngang với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) hiện nay.

Trong những năm đầu, hãng dự kiến khai thác 3 tàu bay thân hẹp dòng Airbus A320/321 hoặc Boeing 737 (thuê khô). Đến năm thứ 4, hãng sẽ bắt đầu khai thác thêm một tàu thân rộng Airbus A330/350 hoặc Boeing 787.

Số lượng tàu bay sẽ tăng dần trong quá trình khai thác, hãng dự kiến nâng tổng số tàu bay khai thác lên 8 chiếc kể từ năm thứ 5 gồm trung bình 6,5 tàu Airbus A320/321 hoặc Boeing 737 và 1,5 tàu bay Airbus A330/350 hoặc Boeing 787.

Bên cạnh đó, hãng cũng cho biết sẽ ký hợp đồng đặt mua một tàu bay thân hẹp để có thể sở hữu sau 5 năm vận hành.

Theo đó, nhu cầu vốn cộng dồn của Vietravel trong năm thứ ba được tính toán tăng lên gấp đôi lên 1.543 tỉ đồng, cho đến năm thứ năm thì tổng đầu tư cộng dồn lên đến 2.060 tỉ đồng.

Kế hoạch cũng cho thấy ngoài khoản huy động 700 tỉ đồng ban đầu, hãng hàng không sẽ cần huy động thêm khoảng 624 tỉ đồng kể từ năm thứ ba, tổng số tiền cần huy động từ năm thứ ba đến năm thứ 5 là 2.100 tỉ đồng.

Vietravel Airlines cũng đưa ra các chỉ tiêu về hiệu quả kinh doanh khá lạc quan. Cụ thể, hãng tính toán sẽ lãi hơn 12 tỉ đồng ngay trong năm đầu tiên vận hành, 84 tỉ đồng trong năm thứ hai và con số lợi nhuận có thể đạt mức 221 tỉ đồng vào năm thứ 5. Toàn bộ phần lợi nhuận này sẽ được giữ lại để phục vụ nhu cầu vốn của Vietravel Airlines.

vtr 1

Kế hoạch sử dụng vốn của Vietravel Airlines qua các năm

Mô hình charter là "chìa khóa" để Vietravel Airlines sớm có lợi nhuận?

Mô hình hoạt động của Vietravel Airlines là charter (bay trọn chuyến), ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo giới đầu năm 2019.

"Khác với dịch vụ của các hãng bay thương mại phải duy trì chuyến bay trong mọi hoàn cảnh, chúng tôi linh động các tuyến bay theo nhu cầu di chuyển của hành khách để tiết giảm chi phí, không bắt buộc sân bay lớn nhỏ, trong hay ngoài nước, chủ yếu các tuyến ngắn phục vụ các tour lữ hành – những nơi mà các hãng hàng không thương mại khó bay đến vì lượng khách quá nhỏ để thu hồi chi phí", ông Kỳ cho biết.

Người đứng đầu Vietravel còn cho rằng mô hình của mình nhằm tận dụng nguồn lực hạ tầng và máy bay của các hãng khác để khai thác ở các thời điểm phù hợp để giảm chi phí mà không cần sắm đủ máy bay như các hãng hàng không thương mại.

VTR 2

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel

"Việc đầu tư đến đâu sẽ phụ thuộc vào độ mở của thị trường, tuy nhiên chúng tôi phải dịch chuyển theo mô hình chuyên sâu hơn trong ngành du lịch, nhằm chủ động hơn cho kế hoạch khai thác khách của mình," ông chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Forbes.

Năm 2018, Vietravel cho biết đã thực hiện gần 300 chuyến bay charter để vận chuyển hành khách theo hợp đồng thuê bao chuyến với các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet và Jestar Pacific.

Chủ tịch Vietravel cho rằng một bộ phận công ty thực hiện dịch vụ đã này hình thành và phát triển dần lên và đã đến lúc công ty phải tính toán vì thị trường đủ lớn, các hoạt động này phải chuyên nghiệp và chủ động hơn.

Năm 2018, Vietravel đón 852.000 lượt khách, tăng 10% và đạt doanh thu 7.476 tỉ đồng, tăng 18% so với năm trước. Mục tiêu mà hãng lữ hành này nhắm đến là đạt 930.000 lượt khách trong năm 2019 để đứng vào top 30 công ty lữ hành hàng đầu châu Á; bước tiến xa hơn là đứng vào top 10 châu Á vào năm 2025.

Bạch Mộc

Theo Kinh tế & Tiêu dùng

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/bat-ngo-voi-ke-hoach-tai-chinh-cua-vietravel-airlines-co-lai-ngay-nam-dau-tien-lai-hon-220-ti-dong-o-nam-thu-5-a105728.html